Đám lá tối trời hôm nay
Ấp Hòa Bình, xã Hòa Tú 2 (Mỹ Xuyên), người dân trong xã còn gọi khu vực này là đám lá tối trời hay xóm lá. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cả một rừng dừa nước ngút ngàn nên được chọn làm căn cứ, đồng thời đây cũng là nơi che chở các chiến sĩ cách mạng. Trải qua thời gian, vùng đất khó khăn ngày nào giờ đã thay da đổi thịt.
Mạng lưới giao thông nông thôn được kiện toàn với các tuyến lộ đal được đầu tư xây dựng. Ảnh: KGT
Chạy xe lòng vòng gần giáp xã, hỏi thăm miết mới có thể về đến xóm lá. Khu vực này phần lớn nằm trên địa bàn ấp Hòa Bình của xã Hòa Tú 2, có hơn 300 hộ sinh sống. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, làng Hòa Tú nói chung và xứ này nói riêng là vùng đất cách mạng. Đồng chí Phạm Minh Quyền - Bí thư Chi bộ ấp Hòa Bình cho hay: “Ngày trước ở đây toàn dừa nước, là căn cứ cách mạng, giặc nhiều lần ruồng bố nhưng bất thành. Sau đó giặc Mỹ rải chất hóa học làm một phần diện tích của đám lá bị thiệt hại”.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, rồi đến tái lập tỉnh Sóc Trăng năm 1992, ở đây vẫn chưa có lộ giao thông, cũng không điện lưới quốc gia, điều kiện sống của người dân hết sức khó khăn. Ông Lê Văn Oai, ở ấp Hòa Bình, xã Hòa Tú 2 (Mỹ Xuyên) bộc bạch: “Ngày trước ở đây toàn dừa nước, người dân nơi đây dùng dừa nước để cất nhà. Trước kia dân ở đây khổ lắm, muốn đi ra xã phải băng tắt đường đồng, không có lộ sá gì hết, dân thì nghèo lắm”.
Mãi đến năm 2012, tuyến lộ đal đầu tiên dài 1.800m, ngang 2,5m được xây dựng hoàn thành từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong sự vui mừng của người dân. Đến năm 2017, tuyến Huyện lộ 50 qua khu vực này hoàn thành, đã vực dậy và làm thay đổi bộ mặt vùng quê, từ đó điều kiện đi lại của người dân dễ dàng, sản xuất của nông dân thuận lợi, nhiều hộ xây dựng được nhà ở khang trang, không còn hộ có hoàn cảnh khó khăn. Ông Lâm Văn Lương, ở ấp Hòa Bình, xã Hòa Tú 2 (Mỹ Xuyên) tâm tình: “Bây giờ cuộc sống bà con ở đây khá hơn, có đường, có điện, xe máy chạy bon bon đến tận trước cửa, kinh tế phát triển, bà con xây nhà tường gần hết”.
Hiện nay, tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm phần nhiều. Trên địa bàn ấp có ngôi trường mẫu giáo đạt chuẩn quốc gia, được người dân trong ấp hiến đất xây dựng, để con em từ các nơi khác tập trung về đây học thuận tiện, làm cho vùng quê nghèo khó ngày nào giờ chỉ còn trong ký ức. Song song đó, nhiều chính sách an sinh xã hội cũng được triển khai trên địa bàn, tạo điều kiện để bà con phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Đây chính là động lực để bà con vượt qua khó khăn vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống. Ấp còn xây dựng tốt các thiết chế văn hóa, chăm lo đời sống tinh thần của nhân dân với những hoạt động thiết thực. Tổ y tế ấp hoạt động chất lượng tốt, đóng góp vào việc phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe ban đầu. Lưới điện phủ kín địa bàn, 100% hộ dân có điện sử dụng; mạng lưới giao thông nông thôn được kiện toàn với các tuyến lộ đal được đầu tư xây dựng, 100% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh. Xóa dần những tập tục lạc hậu, phát huy giá trị những thuần phong mỹ tục…
Đồng chí Phạm Minh Quyền cho hay: “Hiện nay đời sống bà con tại ấp Hòa Bình nói chung, xóm lá nói riêng có bước phát triển mới; bà con có điện sinh hoạt, nước sạch sử dụng, tình hình an ninh trật tự ổn định. Địa phương tạo điều kiện hỗ trợ để bà con vay vốn ngân hàng chính sách xã hội phát triển sản xuất, vươn lên trong cuộc sống”.
Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/huyen-my-xuyen/dam-la-toi-troi-hom-nay-34373.html