Đam mê gìn giữ hương vị quê nhà

Nhiều năm nay, ông Trương Tấn Mãnh quyết tâm hoàn chỉnh quy trình chưng cất, chế biến rượu Gò Đen và mang đi khắp nơi để quảng bá. Bởi với ông, rượu Gò Đen không chỉ là rượu, mà đó là đặc sản, hương vị quê nhà một thời vang danh, nức tiếng.

Lãnh đạo tỉnh cùng ông Trương Tấn Mãnh (thứ 2 trái sang) chụp ảnh lưu niệm khi tham gia kết nối giao thương doanh nghiệp với TP.HCM và Long An

Gìn giữ nét văn hóa

Ông Trương Tấn Mãnh, SN 1959 tại xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Nơi ông sinh sống vốn là vùng đất có nhiều lò nấu rượu Gò Đen nổi tiếng, lưu truyền hàng trăm năm trước.

Gia đình ông Mãnh vốn không làm nghề nấu rượu truyền thống như nhiều gia đình khác. Sau khi tốt nghiệp tại Trường Đại học Bách khoa TP.HCM chuyên ngành cơ khí, ông từng làm việc tại nhiều sở, ban, ngành của tỉnh Long An, TP.HCM. Trong quá trình công tác, ông Mãnh từng có dịp tiếp cận công việc liên quan về đường - rượu. Có thời gian, ông thành lập doanh nghiệp chuyên về cơ khí và rất thành công ở công việc này.

Ông Mãnh nói: “Ngày xưa, người dân vùng Gò Đen nấu rượu bằng tất cả cái tâm, cái tình nên rượu trở thành một đặc sản nổi tiếng, khó có nơi nào sánh bằng. Người Gò Đen làm ra rượu như một nét văn hóa riêng biệt, họ chăm chút từng hạt nếp, viên men, từng động tác chưng cất, pha chế để tạo ra loại rượu ngon nhất. Nguyên liệu chính để nấu rượu phải là nếp mới, không lẫn hạt gạo, khi chưng cất rượu có mùi thơm lừng. Tuy nhiên, qua thời gian, vì mưu sinh nên chất lượng rượu giảm, người dùng giảm lòng tin, mất dần thị trường và không còn nhiều người giữ được nghề nấu rượu”.

Các loại rượu ông Mãnh làm ra

Trước sự mai một của nghề nấu rượu ở Gò Đen, ông Mãnh luôn trăn trở, nung nấu quyết tâm khôi phục lại loại rượu đặc sản này. Bởi, rượu Gò Đen đã gắn với tên người, tên đất của quê hương Bến Lức, Long An, từ bao đời nay, một loại đặc sản mà không ở đâu có được. Hơn nữa, trong truyền thống của người Việt Nam, uống rượu là một nét đẹp văn hóa. Người Việt thường dùng rượu để chúc nhau những dịp lễ, tết… Ly rượu được nhấm nháp bên những câu chuyện, chia sẻ tâm tình, gắn kết tình bằng hữu.

Hoàn chỉnh quy trình

Hiện nay, trước căn phòng pha chế rượu, ông Mãnh cho gắn bảng to với dòng chữ “Chắc chiu từng giọt rượu nồng/Tôn vinh thương hiệu cha ông với đời”. Theo ông Mãnh, 2 câu thơ trên ông ghi lại với mong muốn khôi phục, gìn giữ nghề làm rượu Gò Đen nức tiếng ngày xưa.

Năm 2009, ông Mãnh thành lập Công ty Cổ phần Rượu Đệ Nhất Gò Đen, nhưng không lâu sau đó ông phải dừng việc nghiên cứu, chế biến rượu vì lý do sức khỏe. Năm 2019, sau khi sức khỏe ổn định, ông Mãnh quyết tâm gầy dựng lại doanh nghiệp, thành lập Công ty TNHH Rượu Đệ Nhất Gò Đen và hoạt động cho đến nay.

Vì tiếng vang quá lớn của rượu Gò Đen nên khi ông Mãnh bắt tay vào gầy dựng lại thương hiệu rượu Gò Đen thì có một doanh nghiệp khác tại TP.HCM giả nhãn hiệu sản xuất. Tuy nhiên, loại rượu này được sản xuất từ cồn thực phẩm, chào bán tại một số siêu thị ở TP.HCM nhưng tồn tại không lâu do chất lượng kém. Cũng chính vì điều này, ông Mãnh được một số sở, ngành có liên quan ủng hộ, cùng bắt tay vào gầy dựng lại thương hiệu và lấy tên Rượu Đệ Nhất Gò Đen.

Rượu Gò Đen được ông Mãnh thiết kế mẫu mã đẹp để bắt mắt người tiêu dùng

Ông Mãnh nói: “Bây giờ, công ty không sản xuất rượu bằng kinh nghiệm, hầu hết quy trình sản xuất đều áp dụng vào trang thiết bị, máy móc hiện đại, được ghi chép cẩn thận. Do am hiểu nghề cơ khí, tất cả trang thiết bị tôi đều tự tay thiết kế, lắp ráp nhằm phù hợp với túi tiền hơn là mua. Tuy vậy, tôi đã bỏ vốn trên 4 tỉ đồng để trang bị các quy trình chưng cất rượu, đầu tư máy móc, nhà xưởng chế biến,… Tôi mong muốn, rượu Gò Đen phải sản xuất theo quy trình cụ thể, sẽ nâng giá trị của rượu Gò Đen lên và kỳ vọng giữ vị trí tốt trong lòng mọi người như đã từng”.

Bốn quy trình mà Công ty TNHH Rượu Đệ Nhất Gò Đen hiện áp dụng nghiêm ngặt trong chế biến rượu là nấu cơm, làm nguội, vô men - ủ cơm và chưng cất. Bốn quy trình này khâu nào cũng quan trọng, phải tỉ mỉ. Hiện công ty cho ra nhiều dòng sản phẩm như Hoàng Đế, Gin cô, Nếp than, Blackhill, Cherry Gò Đen, Friendship,… Tất cả các loại này đều được kiểm tra chất lượng tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 3 (QUATEST 3). Theo kế hoạch, vào tháng 10 này, công ty sẽ cho ra đời sản phẩm rượu cưới với mẫu mã sang trọng, màu sắc bắt mắt.

Theo ông Mãnh, do thị trường hiện có quá nhiều loại rượu nên việc tiếp cận người tiêu dùng rất khó. Để góp phần quảng bá thương hiệu rượu Gò Đen, ông đang được Sở Công Thương hỗ trợ mang sản phẩm đi quảng bá đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là ở các hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại. Hy vọng, với tình yêu nghề, mong muốn giữ gìn đặc sản quê nhà và dày công nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, ông Mãnh sẽ phát triển được thương hiệu rượu Gò Đen, và người tiêu dùng tiếp nhận, ủng hộ loại rượu đã từng vang danh một thời./.

Mai Hương

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/dam-me-gin-giu-huong-vi-que-nha-a154046.html