Sâu lắng quê nhà

Ngày tái lập tỉnh 1/7/1989, tôi được Tổng Biên tập Tô Phương phân công vào TP Hồ Chí Minh in 'Đặc san tháng bảy' chào mừng tỉnh Phú Yên tái lập. Khi ra bưu điện chuyển bức điện về cơ quan, cô điện thoại viên có đôi mắt liêu trai tròn xoe ngơ ngác: 'Tỉnh Phú Yên ở chỗ nào đấy nhỉ?'.

Một góc TP Tuy Hòa và công viên xanh Núi Nhạn - nơi có di tích quốc gia đặc biệt Tháp Nhạn - biểu tượng của quê hương núi Nhạn sông Đà. Ảnh: TRẦN QUỚI

Một góc TP Tuy Hòa và công viên xanh Núi Nhạn - nơi có di tích quốc gia đặc biệt Tháp Nhạn - biểu tượng của quê hương núi Nhạn sông Đà. Ảnh: TRẦN QUỚI

Câu hỏi vô tình xoáy vào lòng tôi nỗi buồn, bởi Phú Yên quê nhà có những dấu nhấn đầy ấn tượng trong chiều dài lịch sử mà chưa hề lưu một dấu ấn nào trong lòng một trí thức trẻ ở một thành phố lớn.

Còn hôm nay, trước khi cả tỉnh hân hoan kỷ niệm 35 năm ngày tái lập tỉnh, báo chí cả nước và cả nước ngoài đưa tin về Phú Yên như một điểm đến đầu tư đầy hấp dẫn, hứa hẹn nhiều triển vọng mang tính đột phá trong tương lai gần.

Nhiều nhà đầu tư liên tục đến Phú Yên khảo sát, tìm kiếm cơ hội và một số dự án tầm vóc đang được khởi động. Tháp Nhạn, gành Đá Đĩa là di tích quốc gia đặc biệt và sắp tới hy vọng có thêm bến tàu Không số Vũng Rô. Và không chỉ có thế, Phú Yên có nhiều hy vọng được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu.

Ký ức chưa xa

Kỷ niệm 35 năm ngày tái lập tỉnh, một khoảng thời gian đủ dài để suy ngẫm nhiều điều về thành quả. So với tỉnh bạn trong khu vực và cả nước, ta còn kém xa nhiều tỉnh, thành. Nhưng so với chính mình, ta có lắm điều đáng tự hào. Thời kỳ hạt gạo lên ngôi, ga Tuy Hòa được mệnh danh là “ga gạo”, là miền đất hứa của nhiều dạ dày co thắt thời bo bo, sắn lát thay cơm. Các HTX nông nghiệp và cả tiểu thủ công nghiệp của Phú Yên thời ấy là nơi hội tụ của nhiều đoàn tham quan học tập kinh nghiệm về cây trồng, năng suất và khai thác nguyên liệu tại chỗ.

Một thời thiếu điện, Phú Yên càng quay quắt trong cảnh “đèn dầu nước giếng”, bởi nằm ngoài lưới điện quốc gia, đầu nào cũng với chưa tới, điện Đa Nhiêm chỉ ra đến Ninh Hòa, thủy điện Hòa Bình chỉ vào đến Quy Nhơn. Bởi thiếu điện nên không có một cơ sở sản xuất công nghiệp nào đáng kể, bởi luận chứng kinh tế của bất cứ nhà máy nào cũng tính đến yếu tố đầu tiên là điện năng.

Tái lập tỉnh, trong 119 công trình của tỉnh chung Phú Khánh, Phú Yên có 6 công trình dang dở hoặc còn nằm trên giấy. Phú Yên vẫn là một tỉnh thuần nông, chỉ có niềm tự hào duy nhất là hạt gạo Tuy Hòa mang ý nghĩa an ninh lương thực, mà dù hạt gạo có tầm quan trọng đến đâu cũng không thể vươn lên thoát nghèo bằng cây lúa độc canh.

Chủ trương giao đất cho nông dân sử dụng lâu dài gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đã tạo sự chuyển biến sâu sắc cho bộ mặt nông thôn. Một thời tôm sú lên ngôi, hạ lưu sông Bàn Thạch được mệnh danh là “dòng sông Economi”, nông dân hớn hở thăm hồ tôm trên những chiếc Honda Cub Economi - kết quả đầy phấn khởi của những vụ nuôi đầu.

Hàng loạt trang trại trên rừng, dưới biển hình thành tạo những thành quả ban đầu đầy khởi sắc. Ngư dân vươn xa đánh bắt cá ngừ đại dương, tạo một dấu ấn thương hiệu hải sản vang bóng của tỉnh Phú Yên.

Rồi những thành quả nông nghiệp có lúc trở nên trắc trở, bấp bênh bởi thiên tai, dịch bệnh, thiếu kiến thức khoa học, tác động giá cả thị trường… mà người nông dân cần sự gắn kết ba nhà (nhà quản lý, nhà khoa học và nhà nông) để giúp họ vượt qua thử thách, phấn đấu đủ ăn đủ mặc.

Từ khi có điện quốc gia năm 1994, một bình minh công nghiệp Phú Yên ló dạng với những bước đi chập chững đầy thăng trầm và hình thành ba khu công nghiệp tập trung cùng những cơ sở khác.

Toàn tỉnh có 80% dân số là nông dân, nhưng trong năm 2007, Phú Yên đã tạo được sự bứt phá về tỉ trọng phát triển công nghiệp dịch vụ cao hơn khu vực nông nghiệp. Đó là một tín hiệu vui, là kết quả của nhiều năm phấn đấu.

Công tác xóa đói giảm nghèo cho các xã đặc biệt khó khăn đã được thực hiện có hiệu quả với việc lồng ghép nhiều chương trình. “Điện, đường, trường, trạm” tuy chưa tốt lắm nhưng cũng đã hiện diện đầy đủ ở những xã miền núi xa xôi nhất, khó khăn nhất.

Đất lành Phú Yên kiên trì và nhất quán thực hiện chính sách chiêu hiền đãi sĩ và xây dựng xã hội học tập. Trường đại học Phú Yên, Trường cao đẳng Y tế Phú Yên, Trường cao đẳng Nghề Phú Yên, cùng các cơ sở đào tạo trên địa bàn như Trường đại học Xây dựng Miền Trung, Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên, Trường cao đẳng Công Thương miền Trung, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Phú Yên đã đào tạo và liên kết đào tạo với nhiều trường đại học trong cả nước, cử nhân hóa đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.

Nhiều tấm gương hiếu học, vừa học vừa làm tốt nghiệp nhiều bằng đại học đang phát huy tốt khả năng trong công việc, đảm nhận nhiều vị trí trọng trách của tỉnh, ngành và địa phương. Nhiều học sinh không có điều kiện đi học xa cũng có thể ăn cơm nhà học đại học tại chỗ để nâng cao tri thức, tìm được việc làm, kế tục xứng đáng sự nghiệp cha anh.

Từ vùng đất vang danh là vựa lúa miền Trung trong bề dày lịch sử, Phú Yên nơi được mệnh danh là vùng đất hoa vàng cỏ xanh với cơ sở hạ tầng phát triển toàn diện, điều mà cách đây chưa xa là niềm mơ ước. Một Phú Yên thay da đổi thịt hằng ngày đã và đang thực hiện các bước đi bền vững trên đà phát triển.

Khát vọng quê hương

35 năm tái lập tỉnh, hơn 1/3 thế kỷ, Đảng bộ và Nhân dân Phú Yên phấn đấu xây dựng tỉnh nhà giàu có và yên bình, yên định trong phú cường, cần mẫn bền bỉ xây dựng đường băng để Phú Yên cất cánh thời đổi mới và hội nhập.

Những khu du lịch tầm cỡ 5 sao hiện diện làm đẹp hơn, sinh động hơn vùng ven biển Tuy Hòa. Trong ảnh: Khách sạn nghỉ dưỡng Rosa Alba đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng khách du lịch cao cấp. Ảnh: TRẦN QUỚI

Những khu du lịch tầm cỡ 5 sao hiện diện làm đẹp hơn, sinh động hơn vùng ven biển Tuy Hòa. Trong ảnh: Khách sạn nghỉ dưỡng Rosa Alba đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng khách du lịch cao cấp. Ảnh: TRẦN QUỚI

Từ vùng đất vang danh là vựa lúa miền Trung trong bề dày lịch sử, Phú Yên nơi được mệnh danh là vùng đất hoa vàng cỏ xanh với cơ sở hạ tầng phát triển toàn diện, điều mà cách đây chưa xa là niềm mơ ước. Một Phú Yên thay da đổi thịt hằng ngày đã và đang thực hiện các bước đi bền vững trên cơ sở quy hoạch chung của tỉnh Phú Yên và KKT trọng điểm Nam Phú Yên đã được Chính phủ phê duyệt.

Chuỗi đô thị ven biển trong tổng thể chuỗi đô thị duyên hải quốc gia với TP Tuy Hòa - thủ phủ tỉnh Phú Yên - đang phấn đấu vươn lên đô thị loại I với những dấu ấn đầy ấn tượng. Công viên biển, tháp Nghinh Phong, hồ điều hòa Hồ Sơn, công viên xanh Núi Nhạn… Phú Yên đã và đang phôi thai hình thành một trong những thiên đường nghỉ dưỡng của cả nước, hấp dẫn và thân thiện.

Phú Yên nối biển xanh với đại ngàn với quốc lộ 25, quốc lộ 29, quốc lộ 19C, tạo trục phát triển bền vững lưu vực sông Ba, sông Cái, sông Bàn Thạch.

Một thế hệ mới hình thành, thông minh hơn, tài hoa hơn, sức bật mạnh mẽ hơn, khát khao hoài bão chung sức chung lòng đưa quê hương cất cánh, sánh vai cùng các tỉnh bạn trong khu vực duyên hải miền Trung và cả nước.

35 năm - không chỉ là một chớp mắt của lịch sử. Trong tâm tưởng của các thế hệ người Phú Yên, 35 năm trước, một quê hương cát trắng bụi mù, hẳn là yên lòng về thành quả hôm nay đủ làm cơ sở vững chắc cho các bước phát triển ngoạn mục tiếp theo.

Thành quả ấy kết tinh biết bao mồ hôi, công sức chung sức chung lòng hội tụ của Đảng bộ và Nhân dân toàn tỉnh, của nỗ lực tự thân nội sinh và hỗ trợ của trung ương và kết quả hợp tác trong và ngoài nước. Sâu lắng và khát vọng, một Phú Yên xanh biển, xanh sông, xanh đồng, xanh núi đang viết tiếp bài ca lao động hùng tráng bay vào tương lai.

PHAN THANH

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/76/318004/sau-lang-que-nha.html