Đam mê trọn kiếp
Đối với đại đa số người đọc đại chúng trên thế giới, bà chỉ là tác giả của một cuốn tiểu thuyết, nhưng đó lại là cuốn sách gối đầu giường của nhiều thế hệ thanh niên lãng mạn cách mạng: 'Ruồi trâu'! Ethel Lilian Voynich qua đời năm 1960 ở tuổi 96 nhưng cuộc sống của bà vẫn tiếp tục hấp dẫn trí tưởng tượng của những người quan tâm tới văn học nghệ thuật. Thậm chí đó có thể là nguồn cảm hứng cho những tác phẩm sáng tạo mới.
Cô bé mơ mộng
Ethel Lilian Boole sinh ngày 11/5/1864 tại thành phố Kork ở đông nam Ireland, trong một dòng họ danh giá. Cha bà, George Boole, từng là một nhà toán học xuất chúng, người sáng lập ra toán lôgích, cơ sở của công nghệ số thời hiện đại. Một trong những phần của toán cao cấp được gọi bằng tên ông: "Đại số Boole". Người mẹ, Mary Everest, là con gái của một giáo sư về ngôn ngữ Hy Lạp. Bác ruột của mẹ bà, sir George Everest, một nhà địa chất học nổi tiếng, nhiều năm liền giữ chức Chủ tịch Hội Địa chất Hoàng gia. Họ của gia tộc bà (Everest) đã được đặt cho một trong những đỉnh núi cao nhất thế giới một năm trước khi sir George Everest qua đời (năm 1865). Một điều thú vị là bản thân sir George Everest chưa từng bao giờ đặt chân tới đỉnh núi mang tên ông cả.
Người cha qua đời khi Ethel mới chưa đầy nửa tuổi. Người mẹ mang 5 cô con gái (Ethel là út) lên London và kiếm sống bằng nghề dạy toán và viết các bài báo cho các tạp chí toán học. Gia cảnh vì thế khá là chật vật.
Ethel đã nghe mẹ cô kể rất nhiều câu chuyện hay ho về những chiến sĩ cách mạng Italia mà gia đình cô đã từng cho tá túc một thời gian. Một lần tại thành phố Kork của xứ Ireland đã xuất hiện hai người lạ mặt: bá tước Castellamare và người bạn đồng hành của anh là Carlo Poerio. Hai người đã bị kết tội lưu đày và bị đưa sang châu Mỹ trên một con tầu. Tuy nhiên, hai lãng tử dũng cảm này trên đường đi đã yêu cầu thuyền trưởng phải quay trở lại Anh quốc và khi thuyền trưởng không đồng ý thì đã đứng lên làm loạn. Đội thủy thủ đã đứng về phía họ. Con tầu đã cập bến tại thành phố Kork, nơi họ được gia đình Boole cho tá túc. Khi hoàn hồn rồi, họ lại ra đi và hứa sẽ không bao giờ quên lòng tốt của gia đình Boole.
Sau khi họ đi rồi, cả nhà Boole vẫn không ngớt trầm trồ về họ. Đó là những người quả cảm, cương quyết, mạnh mẽ và... rất đẹp trai! Vốn có tính lãng mạn, tâm hồn non tơ của cô bé đang tuổi lớn bắt đầu mơ tưởng tới hình ảnh xa xôi nhưng hấp dẫn của Anh, người chiến sĩ da ngăm ngăm, sẵn sàng hy sinh cả tính mệnh của mình cho tự do của Tổ quốc. Thậm chí cô còn tin rằng chính cô cũng đã giúp đỡ họ và bá tước Castellamre đã không những phải lòng cô mà còn dụ dỗ cô đi theo. Nhưng cô đã không đi theo được vì thương mẹ.
Khi Ethel lên 8 tuổi, cô bé bắt đầu ngày một gầy yếu và ho, dấu hiệu rõ ràng của căn bệnh thế kỷ thời ấy, bệnh lao. Người mẹ lo lắng tìm cách gửi con mình đến ở với nhà ông em chồng ở Lancashire, thoát khỏi thành phố London khói bụi. Ông chú ruột của nữ văn sĩ tương lai làm quản lý tại một mỏ than nên có thu nhập rất khá và có điền trang riêng. Vì lý do gì đó mà người đàn ông này lại cho thiên chức chính của mình là phải làm sao để loại bỏ các thói hư tật xấu ra khỏi những người sống xung quanh, đặc biệt là ở trong những đứa trẻ. Ông cho rằng, chỉ cần chớm nhiễm vào tâm hồn non nớt của chúng thì các thói hư tật xấu sẽ đua nhau nảy nở như hoa trên vùng đất mỡ màu…
Một lần, ông chú buộc cho cô cháu Lilian tội đã ăn cắp một... cục đường. Cô bé lặng lẽ khóc và dứt khoát không chịu nhận lỗi vì thực sự cô không hề lấy miếng đường đó… Cô đã bị nhốt vào một căn phòng tối. Người cô run lên vì sợ hãi. Cô thầm thì thốt lên: “Chúa ơi, hãy cứu con ra khỏi đây ngay! Nếu chúa không cứu con ra, con sẽ không bao giờ đọc kinh kính chúa nữa!” Nhưng chúa đã không nghe thấu lời cầu khẩn của cô. Có thể chúa đang ngủ? Thật hay nếu lại xuất hiện chàng bá tước Castellamare để cứu cô thoát khỏi căn phòng tối om đó. Để xua đi nỗi sợ hãi, cô bé lẩm nhẩm đọc lại bài thơ yêu thích “Ruồi trâu” của thi sĩ William Blake: “Em nhảy múa vô tư, em hát như trong giấc mơ, cho tới khi số phận làm cánh em bị rã… Em bay như con ruồi trâu hạnh phúc, dù em sống hay là chết”… Giá có thể hóa thành con ruồi trâu bay ra khỏi căn phòng đó! Ông chú ruột cứ dứt khoát đòi cháu phải nhận tội thì mới tha ra. Nhưng cô bé vẫn im lặng. Thế là ông dọa là ông sẽ nhét vào miệng cô một loại thuốc đặc biệt và nhờ loại thuốc đó sẽ biết cô đã ăn miếng đường hay chưa. Lilian thét lên: “Thà chết còn hơn!”. Sau câu thét đầy tuyệt vọng này, cô bé mới được để cho yên thân…
Khi rời khỏi Lancashire, Lilian gần như bị khủng hoảng tâm lý. Nhưng cô đã giữ lời hứa của mình: Không bao giờ cầu khẩn đấng tối cao nữa! Và cô nhớ mãi hình ảnh kẻ bị giam cầm đau đớn trong ngục tối chỉ mơ ước được biến thành con ruồi trâu để bay ra ngoài tự do…
Người tình cách mạng
Năm 1882, theo đuổi giấc mơ trở thành nghệ sĩ dương cầm, sau khi nhận được một khoản tiền thừa kế do một bà cô để lại cho, Ethel đã sang theo học ở Nhạc viện Berlin. Cô đã bộc lộ năng khiếu âm nhạc không tầm thường của mình. Oái ăm một chỗ, gần tới ngày tốt nghiệp, cô lại bị mắc chứng bệnh run tay không rõ lý do. Đó thực sự là một cú đánh của số phận buộc Ethel phải từ bỏ dự định trở thành nghệ sĩ dương cầm chuyên nghiệp. Cô cảm thấy mình như một người thừa. Với số tiền còn lại sau khi học, cô đi du lịch, tới Schwarzwald, Lucedrne… Gần một năm trời, cô đã ở Paris. Người ta kể rằng, Ethel lần đầu tới thăm Viện Bảo tàng Luvre khi đã 17 tuổi. Tại phòng trưng bày các tác phẩm hội họa Italia, cô gái đã nhìn thấy Anh, tình yêu trọn kiếp của mình. Một chàng trai da ngăm ngăm với ánh mắt rực lửa và cái miệng mím chặt, tóc đen, đội mũ nồi đen. Anh nhìn ra từ bức tranh “Chân dung người không quen biết” của họa sĩ thế kỷ XVI Franciabigio – soi thẳng vào tâm hồn cô gái trẻ người Anh. Trở về tổ quốc, Ethel đã mua bản sao của bức tranh trên và vài phiên bản in của nó. Sau này, dù tới ở đâu trên thế giới, trong phòng của Ethel bao giờ cũng có một phiên bản in bức tranh chàng thanh niên Italia đó...
Năm 1886, trở về London từ Đức, Ethel đã gặp gỡ nhiều nhà cách mạng nổi tiếng thời bấy giờ như Giuzseppe Mazzini và cả Karl Marx... Tuy nhiên, cuộc làm quen với nhà hoạt động chính trị tị nạn ở Anh Sergey Kravchinsky (bí danh Stepnyak), một chiến sĩ cách mạng Nga gốc Ucraina mới thực sự là sự kiện bước ngoặt trong đời Ethel.
Sergey Kravchinsky, người đàn ông điển trai với ngoại hình đầy dữ dội và một tiểu sử anh hùng, cũng đã là một trang nam nhi thông thái, tài năng, quả cảm, liều lĩnh và cứng rắn. Thời trẻ anh đã tình nguyện tham gia cuộc chiến tranh du kích chống lại Thổ Nhĩ Kỳ trên bán đảo Balkan. Rồi anh đã gia nhập lực lượng du kích khá hỗn độn, giống các Robin Hood hơn là những hiệp sĩ công tâm, chống chính phủ ở miền Nam Italia. May mắn thoát khỏi mọi tai họa, anh đã trở về Nga và lựa chọn bạo lực khủng bố làm cách hành xử nhằm khôi phục lẽ công bằng.
Tháng 8/1878, Kravchinsky ở trung tâm Peterburg, trên quảng trường Mikhailovskaya đã hạ sát tướng trùm cảnh sát Mezentsov. Và phải nói rằng, Kravchinsky đã thực hiện vụ này rất lãng mạn: đâm dao vào bụng nạn nhân rồi bỏ đi chậm rãi. Tướng Mezentsov, một người bản tính can trường, thậm chí đã không hiểu rằng ông đã bị trọng thương, ông coi đó chỉ là vết đâm nhẹ, không nguy hiểm và lấy tay rịt vết thương để lần về nhà và chỉ tại đó mới trút hơi thở cuối cùng.
Thoát thân sang nước Anh (cùng vợ) một cách an toàn, Kravchinsky đã dồn sức vào các hoạt động văn học tuyên truyền và trở nên rất lừng lẫy giữa những người cách mạng cực đoan châu Âu.
Đưa hai người tới làm quen với nhau là Charlotte Wilson, bà chủ xuất bản tạp chí Tự do. Nhiều năm sau này, nữ văn sĩ Ethel Voynich đã dựa vào nguyên mẫu Charlotte Wilson để tạo dựng nên nhân vật Gemma trong tiểu thuyết “Ruồi trâu”.
Thiếu nữ Ethel cũng đã rất thích người chiến sĩ Nga này, thậm chí có thể nói là cô yêu mê mệt anh. Kravchinsky kể cho cô nghe về đế chế Nga khủng khiếp dưới ách Sa hoàng, dạy cô tiếng Nga và học tiếng Anh ở cô... Vợ anh cũng rất quý cô thiếu nữ người Anh này. Kravchinsky đã cư xử với cô rất gượng nhẹ theo kiểu bề trên (chẳng gì anh cũng hơn cô tới 13 tuổi!). Giao tiếp giữa hai người đã kéo dài khá lâu, cho tới năm 1895, khi Kravchinsky bất ngờ gặp tai nạn thảm khốc: anh vội đi ngang qua đường tàu và bị đoàn tàu lao tới cán chết…
Chính vì những ấn tượng từ các câu chuyện kể về nước Nga của Kravchinsky nên có một mùa hè, Ethel đã tìm sang tổ quốc của thần tượng để tự mình trải nghiệm các cảm xúc về đất nước này. Cô tới tỉnh Voronhezh làm gia sư cho gia đình tại địa chỉ Venevitinov. Cô dạy tiếng Anh và âm nhạc. Tuy nhiên, đám trẻ con ở đó lại không thích cô giáo người Anh, thậm chí sau lưng còn gọi cô bằng hỗn danh “phù thủy sương mù”… Sau bốn tháng ở Voronhezh, Ethel đã lên Peterburg và tá túc tại nhà một người phụ nữ là họ hàng của Kravchinsky. Đó là Panshetta Karaylova. Chồng của người phụ nữ này khi ấy đang bị ngồi tù vì tội “làm chính trị”. Bản thân Panshetta cứ mùa hè tới lại về thôn quê ở tỉnh Pskov chữa bệnh cho người nghèo. Ethel đã giúp chị chữa chạy các vết thương và đôi khi còn cùng chị đỡ đẻ… Trở về Peterburg, mỗi khi Panshetta bị ốm, Ethel lại thay họ mang đồ thăm nuôi cho người chồng đang phải ngồi tù…
Rồi chồng Panshetta bị đưa đi đày ở Siberi và vợ anh phải theo anh, Thế là Ethel quay về nước Anh và đã mang theo mình nhiều lá thư và bản thảo bất hợp pháp từ những người bạn của Kravchinsky. Cảnh sát Anh đã ghi tên cô vào danh sách những người có mối quan hệ với các phần tử khả nghi…
Năm 1890, tức là trước khi Kravchinsky chết vì tai nạn, Ethel đã lấy một người đồng chí của anh. Đó là nhà cách mạng người gốc Litva - Ba Lan, Mikhail Voynich. Và sau này, nhân vật của chúng ta sẽ làm bất tử cái họ Voynich rất xa lạ với Anh ngữ nhờ tác phẩm văn học lừng lẫy năm châu “Ruồi trâu” khi bà ký tên tác giả là Ethel Lilian Voynich.
Mikhail Voynich từng là thành viên của Hội Những người bạn Tự do Nga và Quỹ Báo chí Nga Tự do, những tổ chức có xu hướng phê phán chế độ Sa hoàng. Anh tới nước Anh sau khi chạy thoát khỏi nơi bị lưu đầy ở Siberi. Khác với Kravchinsky, Voynich rất mau nguội dòng máu nóng lãng tử thời trai trẻ mà đã nhanh chóng trở thành một thị dân thích sống êm đềm và bình lặng. Và có vẻ như anh ngỏ lời cầu hôn với Ethel Boole chỉ vì muốn được đứng chân chắc chắn hơn trên “hòn đảo sương mù”. Giữa hai người dường như chẳng có chút nồng nàn hương lửa nào nên đời sống vợ chồng sau này rất khó có thể được gọi là hạnh phúc, dù họ đã ở với nhau đến lúc đầu bạc (có lẽ những cuộc hôn nhân bình thản như thế thì lại giữ được bền lâu chăng?).
Cái tên họ Mikhail Voynich hiện nay nếu được nhắc tới có lẽ chỉ vì cái gọi là “Bản thảo Voynich”. Là một người rất say mê sưu tập sách, anh nói rằng đã mua được ở Italia một tập tài liệu viết bằng một thứ tiếng không ai rõ là của dân tộc nào và vì thế không thể ai đoán được nội dung của nó. Những ý kiến của các chuyên gia nghiên cứu tập tài liệu này cho phép phỏng đoán rằng, có nhiều khả năng tập “Bản thảo Voynich” chỉ là một trò đánh lận con đen do chính Mikhail Voynich dựng lên để vớt vát chút tiếng tăm phù phiếm. Cũng phải nói rằng, ở thời của nhà cựu cách mạng này sống, những trò đánh lận con đen như thế khá phổ biến, ví dụ như “Cuốn sách Veles” hay tập “Biên bản của các nhà thông thái Sion”...
Cuộc đời văn sĩ
Năm 1896, Ethel Voynich đi du lịch sang Italia – mảnh đất mà bà rất mê, nơi trú ẩn của các nhà cách mạng lãng mạn. Cùng đi với bà có một cựu thần dân của đế chế Nga, một người Do Thái sinh ra ở Odessa, hành tung rất khả nghi. Đó là Sigizmund Rosenblum, người về sau được biết tới như “ông vua gián điệp” Sidney Reilly, nguyên mẫu của siêu điệp viên 007. Đã có quá nhiều huyền thoại được kể về Sidney Reilly, chuyện này li kì và giật gân hơn chuyện nọ, khiến hậu thế lắm khi phải tự hỏi: Liệu có phải đó chỉ là những trò bịa đặt do chính điệp viên Anh này sáng tác để tô vẽ cho những đoạn đời rắc rối của mình?
Sigizmund Rosenblum có tiểu sử tương tự như Ruồi trâu. Thời trẻ, anh chàng cũng tình cờ được biết rằng cha thực của mình là người khác và đã bày trò giả tự sát rồi trốn đi Brazil…
Không rõ là vì sao một thương gia ngoại quốc 22 tuổi tới từ đế chế Nga, đã có gia đình như Sigizmund Rosenblum lúc đó lại bỗng dưng cặp với một thiếu phụ 32 tuổi chặt chẽ đến mức cùng chị đi Italia. Đơn giản chỉ vì cả hai quá chán cảnh nước Anh ẩm ướt nên đi tìm nơi sưởi nắng ở miền nam châu Âu? Hay đó là ngọn lửa tình cuồng nộ làm u mê trái tim và cả trí tuệ? Thật khó trả lời. Chỉ có thể giả định rằng, sự gần gụi không bị ràng buộc bởi bất cứ điều kiện gì với Ethel Voynich, người có rất nhiều mối liên hệ với cộng đồng cách mạng Nga đang tá túc ở Anh có thể do chính Rosenblum – Reilly chủ động và hiển nhiên là rất hữu lợi cho anh ta. Nhưng chỉ có thế thôi vì trong tương lai, không hề thấy dấu tích nào thêm của anh ta trong cuộc đời nữ văn sĩ. Điệp viên Reilly về sau đã bị chính quyền Xôviết xử bắn năm 1925...
Trở về London từ Italia, Ethel Voynich bắt tay vào viết cuốn tiểu thuyết đầu tay “Ruồi trâu” và năm 1897 đã cho in nó. Đây có thể coi như một sự trả nợ cho những giấc mơ thời thiếu nữ. Nhân vật chính, Arthur Burton, bí danh Ruồi trâu, được xây dựng từ những ấn tượng của nữ tác giả về các nhà cách mạng Italia… Những nhà phê bình tư sản đã tấn công kịch liệt tác phẩm của Ethel Voynich nhưng chỉ làm cho cuốn sách trở nên phổ biến hơn không chỉ ở Anh và ở Mỹ. Bản thân nữ văn sĩ không biết rằng, ngay từ đầu năm 1898 “Ruồi trâu” đã được dịch ra tiếng Nga và được in trong tạp chí “Thế giới Thượng đế” với văn bản đã bị cơ quan kiểm duyệt của Sa hoàng chỉnh sửa đôi chút. Ngay từ thời đó, những chiến sĩ cách mạng Nga đã coi “Ruồi trâu” như một tác phẩm bắt buộc của chương trình đào tạo chính trị. Cho tới những năm 70 của thế kỷ trước ở Liên Xô, “Ruồi trâu” vẫn được đưa vào chương trình đọc ngoài giờ của các trường học. Và đã không chỉ một lần tác phẩm này được chuyển thành phim... Bản thân nữ văn sĩ chỉ biết được về sự phổ biến rộng rãi tác phẩm bất hủ này của mình ở Liên Xô vào năm 1957, khi bà đã chuyển sang Mỹ sống từ lâu...
Tiểu thuyết “Ruồi trâu” được chuyển thể thành phim lần đầu vào năm 1928. Năm 1955, đạo diễn Xôviết Aleksandr Fajntsimmer cũng đã chuyển thể tác phẩm này. Theo những nhân chứng kể lại, khi xem bộ phim đó, Ethel Voynich đã lắc đầu quầy quậy: “Không, nhân vật của tôi không như thế!”. Lần thứ ba tiểu thuyết được chuyển thể thành phim năm 1980…
Năm 1895, Ethel Voynich đã hoàn thành cuốn sách “Những câu chuyện tiếu lâm của nước Nga”. Là người rất thạo tiếng Nga và văn học Nga, bà đã dịch ra tiếng Anh nhiều tác phẩm của Nikolai Gogol, Mikhail Lermontov, Fyodor Dostoyevski, Mikhail Saltykov-Schedrin, Gleb Uspenski... Năm 1901, bà hoàn thành cuốn tiểu thuyết mới “Jack Raymond”. Trong hình ảnh nhân vật nữ ở một cuốn tiểu thuyết khác của bà, “Oliver Latham” phảng phất những nét tính cách và đời sống của chính tác giả. Năm 1910. bà cho xuất bản cuốn sách “Tình bạn dang dở”; trong bản dịch tiếng Nga, nó mang tên “Ruồi trâu trong cảnh lưu đầy”…
Ở giai đoạn sau này, Ethel Voynich hầu như không viết thêm tác phẩm văn học nào nữa mà chủ yếu quan tâm tới âm nhạc. Bà đã sáng tác một số tác phẩm khí nhạc mà đỉnh cao, theo chính đánh giá của bà, là oratorio “Babylone”…
Năm 1931, Ethel Voynich chuyển sang cư trú tại Mỹ. Tại đây bà đã cho xuất bản bản dịch một chùm thư của nhà soạn nhạc vĩ đại người Ba Lan Frediric Chopin do bà dịch từ tiếng Ba Lan sang tiếng Anh.
Mùa xuân năm 1945, ở tuổi 81, bà đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết cuối cùng của mình: “Hãy cởi giày ra”…
Ethel Voynich qua đời ngày 27/7/1960. Trong di chúc, bà yêu cầu để một phiên bản bức tranh của Franciabigio vào quan tài của bà và hỏa táng bà cùng nó rồi rắc tro trong công viên trung tâm ở New York…
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/dam-me-tron-kiep-tintuc439460