Dầm mình săn 'lộc trời' ngày giá rét

Trong cái rét cắt da cắt thịt của những ngày đông giá lạnh, nhiều người dân ở Hà Tĩnh xách xô, vợt, rổ rá... ra cánh đồng dầm mình lội ruộng để giăng lưới, 'săn' đặc sản rươi.

Những tháng này, bất chấp giá lạnh, trên những cánh đồng toàn lau nằm phía trong đê sông Lam thuộc các xã Xuân Hồng, Xuân Lam và thị trấn Xuân An (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), hàng chục người dân vẫn dầm mình dưới ruộng nước cả ngày lẫn đêm để vớt rươi.

Rươi được mọi người gọi là “rồng đất” hay còn xem là lộc trời. Rươi sống dưới lớp bùn lầy trong ruộng khu vực gần sông và thường đội đất chui lên rất nhiều trong khoảng thời gian tháng 9 và tháng 10. Mỗi tháng, rươi ngoi lên chừng 7 - 10 ngày nên người dân tranh thủ những ngày “vàng” ra ruộng vớt “lộc trời”, kiếm thêm thu nhập cho gia đình mình. Có ngày trúng đậm, một hộ gia đình có thể thu cả chục triệu đồng.

Để thu hoạch được rươi, người dân thường đào lạch để dẫn nước từ ngoài sông vào ruộng, rào quanh ruộng của mình bằng lưới để rươi không bơi sang ruộng nhà khác, lưới cũng là vật để rươi bám vào mỗi khi nước rút.

Đến mùa rươi, mỗi tháng rươi nổi lên mặt ruộng 2 đợt. Rươi thường nổi từ đêm hôm trước đến sáng hôm sau nhưng không biết chính xác thời gian rươi nổi. Những ngày nước lên, muốn bắt được rươi, người dân phải canh gác, túc trực từ đêm. Theo kinh nghiệm “săn” rươi nhiều năm của người dân thì theo con nước, rươi “sôi” lên vào ban đêm, chủ yếu tập trung từ 19h - 21h đêm.

Người đi săn rươi thường phải canh lấy trủ lưới (dụng cụ vớt rươi) nơi góc ruộng nhà mình để lấy rươi kịp thời. Khi nước rút, rươi trên ruộng sẽ trôi theo dòng nước dồn vào trong trủ. Ban ngày, mỗi khi thấy rươi nổi, người dân lại ào xuống ruộng tranh thủ vớt được càng nhiều càng tốt. Nếu không nhanh, rươi sẽ lặn xuống đất hoặc đi mất. Ban đêm, từng ánh đèn rọi xuống mặt nước, ai cũng chăm chú, tập trung để vớt rươi. Nước ruộng đục nên rươi dễ lẫn, rất khó nhìn ra, phải để ý mới thấy.

Công cụ vớt rươi rất đơn giản, chỉ là 1 chiếc vợt gắn tấm lưới dày và cái rá hoặc cái chậu là có thể đi vớt rươi được. Vớt rươi cũng phải nhẹ nhàng nếu không rươi sẽ nát hoặc xúc quá mạnh thì khó bắt được nhiều con. Những đêm mưa gió rét, săn rươi quả thật rất vất vả vì phải dầm mình trong nước lạnh tê cóng.

Trên những cánh đồng toàn lau nằm phía trong đê sông Lam thuộc huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh có nhiều ha ruộng có thể khai thác rươi. Rươi Xuân Hồng nức tiếng ngon, thân mập, nhiều bột, béo ngậy. Vì vậy, thương lái thường tìm mua tận ruộng với giá 400 nghìn đồng/kg. Những hôm trúng rươi, dù phải dầm mưa gió rét, bà con có thu nhập với giá trị bằng cả năm trồng lúa của họ.

Rươi ưa sạch, chỉ có một chút thuốc trừ sâu vào thôi là bị chết, bốc mùi ngay. Chính vì thế nên ruộng của người dân vẫn trồng lúa, thu hoạch rươi mà không sử dụng thuốc. Khóm lúa nào bị sâu bệnh là bỏ hết, có vậy rươi mới sinh sôi.

Đặc sản rươi có thể dùng để chế biến rất nhiều món ngon và bổ dưỡng như: muối ruốc rươi để làm món chấm với thịt, rau; làm chả rươi, rán cùng trứng , ngon vô kể.Với dân xứ Nghệ, bữa tiệc ngày Tết không thể thiếu món rươi.

Trần Phong

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dam-minh-san-loc-troi-ngay-gia-ret-post112076.html