Đằm mình trong chuông gió
Mười năm trước, trong lần lên núi viếng thăm một thiền viện ở Vũng Tàu, kỹ sư trẻ Trần Ngọc Hồng Đức bị những âm thanh phát ra từ tổ hợp chuông gió ở chánh điện mê hoặc. Hành trình khám phá, sáng tạo và đằm mình trong âm thanh chuông gió của anh bắt đầu từ đó.
Nơi ở cũng là xưởng sản xuất chuông gió của Đức nằm sâu trong bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TPHCM) và phải đi qua những con đường ngoằn ngoèo. Từ trong ra ngoài đều tràn ngập chuông gió. Cảm nhận đầu tiên khi bước vào thế giới chuông gió của Đức là sự thư thái bởi âm thanh nhè nhẹ phát ra từ những chiếc chuông gió, đúng như Slogan: Du dương năng lượng thiên nhiên.
Khám phá thế giới âm thanh chuông gió
Anh Đức kể, năm 2021, sau khi bị tiếng chuông gió ở thiền viện mê hoặc, anh bắt đầu suy nghĩ muốn làm một chiếc chuông gió theo ý mình và thỏa mãn tần số âm thanh của bản thân.Từ đó, anh sử dụng kiến thức chuyên ngành công nghệ thông tin của mình để nghiên cứu, phát triển bộ chuông gió cho riêng mình và tạo ra những chiếc chuông gió mang tần số sóng âm trị liệu, an thần cho mọi người. “Mong muốn của mình là chiếc chuông phải mang lại giá trị tinh thần thực thụ cho người nghe”, Đức nói.
Không chỉ khởi nghiệp thành công, sau mười năm tìm tòi, khám phá và sáng tạo, ở tuổi 34, Trần Ngọc Hồng Đức được biết đến như một bậc thầy về các loại âm có chức năng chữa bệnh.
Lắc nhẹ chiếc đĩa đánh, sau một hồi chuông gió ngân nga, Đức cho biết, đĩa đánh chuông là linh hồn của một bộ chuông. Anh kể, thách thức đầu tiên là lựa chọn nguyên liệu phù hợp. “Trong bốn năm đầu, đĩa đánh chuông làm bằng gỗ. Phản âm từ gỗ thì chát và đanh, độ bền lại không cao nên chuyện đi tìm nguyên liệu ống chuông và đĩa đánh là bài toán nan giải, có khi mình cũng cảm thấy chán nản, muốn buông bỏ”. Đến năm thứ 5, Đức thử nghiệm và thành công với vật liệu làm đĩa đánh bằng composit đúc nguyên khối, vừa đạt được yêu cầu thẩm mỹ, vừa hãm được phản âm và cho chất âm chuẩn.
Tuy nhiên, theo Đức, yếu tố kỹ thuật chỉ là một phần, khả năng thẩm âm mới là điều quan trọng. Trong chiếc chuông gió, tiếng ngân vang là âm thanh chính, tiếng phản âm chỉ là âm thanh phụ, nhưng phải xử lý sao cho tiếng phản âm hòa vào hợp âm ngân. Có thể hiểu, giống như trong giàn nhạc guitar bass làm nền cho bài nhạc, tạo độ đầy cho người nghe, guitar solo thể hiện sắc màu của bài nhạc.
Để cho ra những chiếc ống có âm chuẩn, anh Đức đã sử dụng máy đo tần số. Song, theo anh, máy đo chỉ mang tính hỗ trợ, việc phối âm là vấn đề khác. Muốn tạo nên được “màu” âm riêng, phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về phối âm.“Trong các bộ chuông như bộ nước, bộ gió, bộ lửa, bộ đất… thì khi ngân lên người nghe phải cảm nhận được chất âm đúng như tên mình đã đặt. Làm ra được điều này, phải có quá trình nghiên cứu”, Đức cho biết.
“Từ ngàn xưa, âm thanh đã được dùng trong trị liệu, phục hồi sức khỏe cho con người. Ngày nay, nhiều công dụng của âm thanh được phát huy, thậm chí được ứng dụng cả trong nuôi trồng… Tôi đang dự định xây dựng một không gian mà khi ai bước vào đó cũng có thể được "tắm" âm thanh, gột rửa đi những ưu tư trong tâm trí, phục hồi sức khỏe”.
Kỹ sư Trần Ngọc Hồng Đức
Từ âm thanh thiền đến chuông gió trị liệu
-Tôi sẽ cho anh “tắm” âm thanh!
Nói xong, Đức tự tay bày ra sáu chiếc chuông bằng đá, xếp theo hình vòng cung dưới giàn chuông gió. Anh dùng dùi ghè vào thành từng chiếc chuông và xoay dùi đều tay khoảng 5-7 vòng, miệng chuông rung, vang lên âm thanh nghe như tiếng “Om” trong câu niệm “Om ma ni, pad mé hum” của Phật giáo Mật tông. Tiếp đó, anh đưa tay tác động vào giàn chuông gió bên trên. Giàn hợp xướng chuông gió và chuông đá hòa âm như bản nhạc thiền nhẹ nhàng, giúp đầu óc thư giãn.
Không chỉ mang yếu tố thiền, anh Đức còn tạo ra những bộ chuông gió với những âm thanh có tác dụng trị liệu. Dùng dùi gõ nhẹ miệng chiếc chuông đồng trên kệ, âm thanh trầm ấm phát ra. Đức giải thích: “Chuông dùng ở các điện thờ có âm thanh rất du dương. Nhưng để trị liệu, phải dùng chuông có âm thanh trầm bởi tần số âm có tác dụng trị bệnh. Sóng âm của chuông trị liệu sẽ tác động vào những nơi bị tắc nghẽn tận sâu bên trong não. Điều đó lý giải vì sao khi căng thẳng người ta nghe nhạc thiền, hay tiếng chuông đúng tần số thì sẽ cảm thấy thư thái, giải tỏa”.
Ngoài khu sân vườn, nơi Đức thường nghỉ trưa có cả chục bộ chuông treo trên gác lửng. Đức cho biết, đó là những bộ chuông có tần số Solfeggio 528Hz. Tần số này còn được gọi là tần số tình yêu, giai điệu kỳ diệu… có tác dụng biến đổi mạnh mẽ đối với cơ thể con người, giúp đưa con người trở về trạng thái ban đầu, hoàn hảo, và đó là lợi ích của việc tái sinh, tăng cường năng lượng.
Các bộ chuông gió khác của anh Đức đa phần tần số nằm ở 432Hz, có tác dụng giúp giảm stress, giải tỏa căng thẳng một cách tự nhiên; giải phóng serotonin và endorphin, giữ cho huyết áp và nhịp tim ổn định; giải phóng những tắc nghẽn năng lượng tiêu cực bị tắc nghẽn và thải độc tố…
Khởi nghiệp
Vì say mê chuông gió, năm 2017 Đức quyết định nghỉ việc tại một công ty dầu khí ở Vũng Tàu để về nhà mở xưởng sản xuất chuông gió. Chuông gió của Đức thường có 6 ống, trừ trường hợp có yêu cầu riêng của khách. “Sáu ống sẽ cho ra bộ hòa 12 âm, gồm tiếng phản âm và tiếng vang”, Đức lý giải. Theo anh, quan trọng là làm thế nào để nghe hoài không chán thì mới thành công, và đó cũng là bí quyết.
Nhờ có sự nghiên cứu kỹ càng và khéo trong chế tác, những sản phẩm mang thương hiệu Chuông Gió Dofrance của anh nhanh chóng được nhiều người tiêu dùng biết đến và lựa chọn. Không chỉ trong nước, chuông gió của anh còn được khách hàng từ nhiều quốc gia như Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Pháp, Mỹ, Đức… đặt mua. Giá mỗi bộ chuông từ 8, 9 trăm nghìn đến cả chục triệu đồng nhưng nhiều khi làm không kịp bán.
Là một bệnh nhân ung thư, đã trải qua phẫu thuật và là người có thú mê chuông gió, ông Ngô Dũng Nam (quận 12,TPHCM), đã tìm mua nhiều loại chuông gió, thậm chí qua cả Mỹ mua chuông gió đem về, nhưng ông vẫn cảm thấy chưa hài lòng. Cho đến một ngày ông được giới thiệu và đã tìm đến anh Đức. “Tôi thấy quá may mắn khi gặp được anh Đức và mua khoảng 20 bộ treo trong nhà. Âm thanh từ những chiếc chuông gió khiến tâm an và sức khỏe cải thiện nhiều”.
Tiếng lành đồn xa, có khách hàng còn đưa đến vỏ trái bom B52 để nhờ anh cải tạo thành chuông. “Tôi sẽ cố gắng biến công cụ sát thương nặng 170kg này thành chiếc chuông đặc biệt”, anh Đức bộc bạch. Vì vậy, vật liệu làm chuông của anh Đức, ngoài những ống nhôm, đồng và tre nứa, còn có cả vỏ bom và các lá kim loại.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dam-minh-trong-chuong-gio-post1406521.tpo