Đắm mình trong huyền sử cội nguồn

Trong tâm thức mỗi người Việt Nam, ai cũng muốn một lần về thăm Đất Tổ, thắp nén hương cho tổ tiên dòng giống Lạc Hồng, vòng quanh kinh đô Phong Châu xưa của nước Văn Lang, tắm mình trong truyền thuyết cội nguồn Rồng Tiên.

Đầu xuân 2023, tôi lại có dịp trở về vùng đất thiêng để nhớ về những kỷ niệm khó quên và phát hiện thêm nhiều điều thú vị.

1. Đất Tổ Hùng Vương nay thuộc tỉnh Phú Thọ với tỉnh lỵ là TP Việt Trì. Lần đầu tôi đến đây là khi tham dự Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc năm 1994. Hội nghị diễn ra 2 ngày ở Hà Nội, sau đó các đại biểu lên Phú Thọ tham quan.

Đường lên Phú Thọ bấy giờ còn nhỏ hẹp, đầy ổ gà. Đền Hùng mộc mạc thô sơ chứ chưa sửa sang, phục dựng hoành tráng như bây giờ. Tôi gần gũi tháp tùng nhà văn Sơn Nam loanh quanh Hà Nội rồi lên Đền Hùng. Đến đâu ông cũng chậm rãi quan sát rất kỹ, lấy cuốn sổ nhỏ ghi chép cẩn thận.

Nhà văn Sơn Nam cho biết sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, Hiệp định Genève năm 1954 phân chia đất nước thành hai miền, ông thuộc diện được tập kết ra Bắc. Cuối cùng, nhà văn này ở lại miền Nam hoạt động trên mặt trận văn hóa, mà kết quả là "Hương rừng Cà Mau" lừng lẫy và mấy mươi tác phẩm giá trị khác của ông lần lượt ra đời.

Gần 20 năm sau ngày đất nước thống nhất, đây là lần đầu tiên nhà văn Sơn Nam đặt chân lên đất Bắc. Nghĩa là tròn 40 năm sau dự định ra Bắc, ước mơ về với cội nguồn của ông mới thành hiện thực. Vì vậy, ông rất xúc động.

Nhà văn Sơn Nam bước chầm chậm, nhất là khi lên Đền Hùng, sờ từng gốc cây, hòn đá. Lúc thắp hương các miếu đền thờ tổ tiên, mắt ông lúc nào cũng lặng thầm rớm lệ. Như cánh chim lưu lạc chân trời lần đầu tìm về tổ ấm, theo dấu tích bụi vàng người xưa, ông ngậm ngùi lẫn tự hào sống lại trong hào khí của lịch sử dân tộc.

Nhà văn Sơn Nam giờ đã về thế giới bên kia. Trở về dâng hương Đền Hùng, lòng tôi dâng lên nỗi xót xa nhớ thương các nhà văn nhiều thế hệ đã bỏ văn đàn rời cõi tạm, nhất là bậc lão thành tài hoa Sơn Nam - một biểu tượng văn chương luôn hướng về cội nguồn từ cuối trời Nam.

2. Cách đây một năm, vào ngày đầu xuân 2022, tôi đưa gia đình lần đầu lên thăm Đất Tổ - Phú Thọ. Cô con gái sinh viên năm thứ tư và cậu con trai lớp 10 rất háo hức. Những câu chuyện về Lạc Long Quân - Âu Cơ, Lang Liêu, Sơn Tinh - Thủy Tinh và nhiều truyền thuyết khác từng được học, đọc ai cũng có thể thuộc lòng nhưng để được tận mắt sống trong không gian văn hóa của những câu chuyện ấy là ước mơ của mỗi người.

Lịch sử không chỉ là những câu chuyện, những con số từ sách vở mà còn mang lại cho con người xúc cảm từ thực tiễn qua các di tích, thắng cảnh và con người cụ thể. Từ cảm xúc của vợ con mình khi được về Đất Tổ, tôi nghĩ rằng bất cứ người Việt nào cũng mơ ước một lần trong đời được sống trong không gian văn hóa cội nguồn linh thiêng.

Chúng tôi được những người bạn ở Phú Thọ đón tiếp nồng hậu. Họ là hình ảnh của người Đất Tổ, hiện thân trực tiếp của con cháu Rồng Tiên trong cách ứng xử. Đó là các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ..., đặc biệt là nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Khôi, nguyên Giám đốc Khu Di tích Lịch sử Đền Hùng. Được sự hướng dẫn và thuyết minh tỉ mỉ của họ, gia đình tôi đi thăm từng đền, miếu, cổ thụ, linh vật Đền Hùng và nhiều di tích, thắng cảnh khác từ thời đại Hùng Vương.

Nhìn cách ứng xử nhẹ nhàng, nhiệt thành của các bạn văn Đất Tổ và ánh mắt xúc động của vợ con, tôi biết lịch sử tổ tiên đang hiện lên, sống lại một cách sinh động trong tim mỗi người. Mọi lý thuyết sách vở sẽ trở nên khuôn mẫu giáo điều. Mọi câu chuyện hấp dẫn tới đâu rồi cũng trở thành nhàm chán. Chỉ có được tận mắt chứng kiến, chiêm ngưỡng và sống trong không gian văn hóa di sản thì lịch sử mới trở nên quyến rũ, chinh phục được tâm hồn chúng ta.

3.Có một điều mà nhiều sách báo, kể cả Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ, đến nay vẫn nhầm lẫn khi nói rằng TP Việt Trì là nơi tiếp giáp của sông Thao, sông Đà với sông Lô ở ngã ba Hạc. Thực tế không phải vậy.

Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế và nhà thơ Ngô Kim Đỉnh là hai cây bút ký sự hiểu biết sâu sắc vùng trung du Phú Thọ. Hai anh cùng hai nữ sĩ Nông Thị Ngọc Hòa và Vũ Thanh Thủy nhiều lần đưa tôi tham quan, cà phê hàn huyên ở ngã ba Hạc. Đây là nơi tiếp giáp của sông Thao với sông Lô.

Sông Thao là dòng chính của sông Hồng, từ Trung Quốc chảy vào Việt Nam qua ba tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Phú Thọ, đến ngã ba Hạc ở Việt Trì thì hợp lưu với sông Lô. Theo các nhà ngữ học, người Tày Thái gọi sông này là Nậm Tao, còn gọi theo tiếng Việt là sông Thao. Ngày nay, tên sông Thao chỉ tồn tại trong dân gian, còn trên mọi văn bản đều gọi chung là sông Hồng. Và, chỉ có sông Thao hợp lưu sông Lô ở ngã ba Hạc chứ không có sông Đà.

Lần này về thăm Việt Trì, tôi được nhà thơ Ngô Kim Đỉnh cùng họa sĩ Nguyễn Đình Ánh đưa lên ngã ba Hồng Đà, còn gọi là ngã ba Trung Hà, cách ngã ba Hạc hơn 10 km. Đây là nơi sông Hồng từ thượng nguồn chảy về hợp lưu với sông Đà từ phía hữu ngạn chảy vào.

Như vậy, ngã ba Trung Hà là nơi hợp lưu của sông Thao - tức sông Hồng với sông Đà, rồi sông Hồng chảy một đoạn khá xa nữa mới hợp lưu với sông Lô ở ngã ba Hạc. Không gian TP Việt Trì là địa phận tồn tại cả hai dòng hợp lưu: sông Hồng với sông Đà và sông Hồng với sông Lô, chứ không có chuyện cả 3 dòng sông này cùng hợp lưu ở thành phố ngã ba sông Việt Trì.

Cũng đầu xuân 2023, tôi được bạn bè đưa đến thăm Di tích Quốc gia Làng Cả nằm trên ngọn đồi thấp bên hữu ngạn sông Hồng ở TP Việt Trì, cách Đền Hùng 13 km về phía Đông Nam. Đây là di sản khảo cổ học rất quan trọng thuộc giai đoạn Văn hóa Đông Sơn, có giá trị khoa học đặc biệt để nghiên cứu về thời đại Hùng Vương và nhà nước Văn Lang. Khu mộ táng cổ này là minh chứng xác thực về sự tồn tại của một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa sầm uất từ thời sơ khai và có tính liên tục: Thời Hùng Vương - Bắc thuộc - phong kiến tự chủ về sau.

Đứng bên di tích Làng Cả khi hoàng hôn dần buông màn đêm xuống, tôi như nghe thấp thoáng đâu đây hình ảnh, bước chân của tổ tiên hiện về cùng con cháu dòng giống Lạc Hồng. Một mùa xuân mới thanh bình đang về trên dải đất của Rồng Tiên. Và, TP Việt Trì lung linh huyền ảo vẫn luôn lưu giữ những bí mật quyến rũ của kinh đô Phong Châu xưa, sẵn sàng đón những cánh chim Lạc Việt từ bốn phương trở về sum họp.

Tôi rất xúc động khi cậu con trai của mình bày tỏ: “Cảm ơn ba đã cho con được hiểu biết hơn lịch sử dân tộc mình mà không có sách vở nào diễn tả hết”.

PHAN HOÀNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nguoi-viet-yeu-su-viet/dam-minh-trong-huyen-su-coi-nguon-20230118125938129.htm