Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm nhìn từ quyết định Nam Bộ kháng chiến

Ngày 23-9-1945, tức chỉ sau 21 ngày khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhân dân Sài Gòn - Gia Định lại phải một lần nữa đứng lên chống xâm lăng lần thứ 2. Nhân dân Nam Bộ đã nhất tề đứng dậy 'súng lại cầm tay/ Đạn nói thay lời' (Hưởng Triều).

Dân quân cứu nước Nam Bộ trong những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến năm 1945. Ảnh: TL

Dân quân cứu nước Nam Bộ trong những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến năm 1945. Ảnh: TL

“Lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ

Sáng 23-9-1945, tại số nhà 629 đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh) đã có một cuộc họp quan trọng và căng thẳng giữa Xứ ủy Nam Bộ, Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ do ông Trần Văn Giàu, Bí thư kiêm Chủ tịch và đại diện Trung ương Đảng là ông Hoàng Quốc Việt. Là nhà cách mạng lão luyện và thận trọng nên ông Hoàng Quốc Việt chủ trương “Tích cực chuẩn bị, chờ lệnh của Trung ương”. Phía những người kháng chiến Nam Bộ quyết định phải ngay lập tức đánh trả. Sau này, khi kể lại quyết định lịch sử này, ông Trần Văn Giàu cho biết cuộc họp đã tranh luận từ 6h đến 7h mới ra được Lời kêu gọi: “Đồng bào Nam Bộ! Nhân dân thành phố Sài Gòn!... Đêm qua thực dân Pháp đánh chiếm trụ sở chính quyền ta ở trung tâm Sài Gòn. Như vậy là Pháp bắt đầu xâm chiếm nước ta một lần nữa. Tất cả đồng bào, già trẻ, trai, gái hãy cầm vũ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược! Hỡi anh em binh sĩ, dân quân, tự vệ! Hãy nắm chặt vũ khí trong tay, xông lên đánh đuổi thực dân Pháp, cứu nước. Cuộc kháng chiến bắt đầu!”.

Nam Bộ, Sài Gòn - Gia Định, Đồng Nai là vùng đất mới trong tiến trình lịch sử lâu dài của đất nước, nhưng nơi đây cũng là vùng đất ra đời những phong trào sáng tạo của những con người cả anh hùng, cả bình dị song đều có những hành động quả cảm, dấn thân. Lời hiệu triệu: “Cuộc kháng chiến bắt đầu!” của ngày 23-9-1945 là sự tiếp nối tinh thần ấy.

Lịch sử Nam Bộ kháng chiến cho biết qua thảo luận sôi nổi, hội nghị đi đến quyết định vừa đánh điện báo cáo và xin chỉ thị của Trung ương, vừa phát động kháng chiến ngay lập tức. Hội nghị đã thông qua “Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ” do ông Trần Văn Giàu vừa soạn trong đêm. Sau khi nhắc lại lời thề “Độc lập hay là chết!” trong Lễ Độc lập tại Sài Gòn ngày 2-9-1945, Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ xác định: “Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tay sai của chúng” và kết thúc Lời kêu gọi bằng câu: “Cuộc kháng chiến bắt đầu!”.

Sau khi nhận được điện báo cáo của Nam Bộ, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra ngay Huấn lệnh: “Hỡi đồng bào Nam Bộ! Lòng cương quyết dũng cảm của nhân dân Nam Bộ chống lại quân đội xâm lăng của Pháp… làm cho đồng bào toàn quốc cảm phục. Đồng bào phải kiên quyết, phải giữ vững sự tin tưởng ở tương lai và lập tức thi hành triệt để những lời thề quả quyết trong Ngày Độc lập”. Ngày 26-9-1945, qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi “lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ” và khẳng định: “Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà”.

Cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung

Sau này, khi hồi tưởng lại quyết định ban hành Lời kêu gọi kháng chiến, giáo sư Trần Văn Giàu cho biết đó là một quyết định đầy khó khăn và ông cũng biết “đời chính trị của Trần Văn Giàu từ nay đã hết”. Song, ông cũng đã không quên nhắc lại lời dặn của người xưa: “Tướng ngoài mặt trận có thể không nghe lệnh vua”. Ông Trần Văn Giàu tự nhận khi ấy ông là “tướng giữ biên cương. Khi kẻ địch xâm phạm vào biên cương thì tướng ở biên cương phải quyết định không chờ lệnh vua. Quyết định nhưng phải báo cáo với vua. Nếu vua đồng ý thì khen. Còn nếu làm trái với lệnh vua thì phải xử trảm” và kết luận ông “không phải là người buông giáo”.

Nhân dân Nam Bộ đã nhất tề nổi dậy kháng chiến chống Pháp.

Nhân dân Nam Bộ đã nhất tề nổi dậy kháng chiến chống Pháp.

Từ câu chuyện cãi nhau để ra được Lời kêu gọi kháng chiến ngày 23-9-1945 gợi lên thật nhiều suy nghĩ. Nếu chỉ vì an toàn của bản thân mình, chắc hẳn ông Trần Văn Giàu không “mạo hiểm” đến như vậy. Thế nhưng trong bối cảnh nước sôi, lửa bỏng ấy, ông đã vượt lên bản thân mình, quyết định vì dân, vì nước. Sau này, tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã từng có quyết định lịch sử khi quyết định “kéo pháo ra” ở mặt trận Điện Biên Phủ để rồi sau đó mới lại kéo vào.

Ở Đồng Nai, ngay từ năm 1997, lãnh đạo tỉnh đã quyết định đóng cửa tất cả các loại rừng tự nhiên trên địa bàn. Vì là địa phương ban hành quyết định đóng cửa rừng tự nhiên sớm nhất trên cả nước nên hiện nay Đồng Nai là tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất ở Đông Nam Bộ. Cũng vậy, trước những khó khăn do cơ chế quan liêu bao cấp, ngăn sông, cấm chợ gây ra, đã có nhiều quyết định xé rào của các nhà lãnh đạo như các ông Võ Văn Kiệt (Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Văn Chính (Long An)… Trong đợt chống dịch Covid-19 những năm trước, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cứ nơi nào sáng tạo bằng cách làm phù hợp với đặc điểm tình hình thì số người tử vong ít hơn hẳn.

Kỷ niệm ngày Nam Bộ kháng chiến năm nay đúng vào thời điểm sau bão Yagi vừa tàn phá nặng nề gây nhiều đau thương, mất mát cho đồng bào miền Bắc. Thế nhưng, trong đau thương, mất mát ấy thỉnh thoảng lại có những câu chuyện không chỉ làm ta cay khóe mắt mà còn làm ta cảm phục. Đó là câu chuyện về 2 trưởng thôn ở tỉnh Lào Cai là ông Hoàng Văn Diệp, Trưởng thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên) và ông Ma Seo Chứ, Trưởng thôn Kho Vàng (xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà). Sau trận lũ quét kinh hoàng xảy ra tại Làng Nủ làm hàng chục ngôi nhà bị xóa sổ và gần 100 người chết, mất tích, ông Hoàng Văn Diệp đã phối hợp với các lực lượng chức năng soát lại từng người dân trong thôn xem ai còn, ai mất, lo hậu sự cho những người xấu số được tìm thấy... Còn ông Ma Seo Chứ đã vận động 115 người dân ở thôn di dời đến nơi an toàn trong bối cảnh bị cắt toàn bộ thông tin, liên lạc… Còn nhiều, rất nhiều những câu chuyện về tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm như vậy.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và gần đây là Kết luận số 14-KL của Bộ Chính trị đã đề ra nội dung khuyến khích, bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Gần đây, chúng ta nghe nói rất nhiều câu “vì lợi ích quốc gia, dân tộc”. Thực ra, vì lợi ích quốc gia dân tộc rất giản dị, đó là ai ở cương vị nào hãy làm tốt nhất nhiệm vụ của mình ở cương vị ấy với tinh thần bất vụ lợi, tâm huyết, sáng tạo thì đó chính là vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Các ông Trần Văn Giàu, Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Chính ở các cương vị lãnh đạo cao cấp có các quyết định năng động, sáng tạo ở tầm cương vị của các ông, nhưng những trưởng thôn ở Lào Cai nói trên - dù ở cương vị khiêm tốn song trong những tình huống khẩn cấp đã có những việc làm, quyết định mang lại lợi ích rất lớn cho cộng đồng, xã hội…

Hồng Phúc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202409/dam-nghi-dam-lam-dam-chiu-trach-nhiem-nhin-tu-quyet-dinh-nam-bo-khang-chien-8dd4d53/