Đẫm nước mắt hoàn cảnh của người phụ nữ hơn 30 năm trở về từ xứ người
Hơn 30 năm là nạn nhân bị lừa bán sang xứ người, 2 đời chồng, 3 mặt con, chịu nhiều tủi cực, là những gì mà chị Lê Thị Phượng (xã Thiệu Giang, huyện Thiệu Hóa) phải chịu đựng.
Hẹn gặp chị Phượng khi cái lạnh những ngày đầu Đông đang ùa về. Căn nhà cũ nằm nép mình trong con ngõ nhỏ, vẫn người qua lại hỏi han, mừng cho chị sau hơn 30 năm lưu lạc về được nhà.
Rót chén nước mời khách, chị Phượng nói với chất giọng lơ lớ tiếng Việt. Chị vừa đi chợ mua đồ ăn cho bố mẹ về. Người phụ nữ khắc khổ trước mắt tôi mới ngoài 40 tuổi, đôi mắt chị đỏ hoe vì khóc nhiều. Chị khóc vì vui sướng khi được trở về quê hương bên gia đình, người thân. Đây sẽ là nơi chở che, bảo vệ chị.
Cả đêm qua chị Phượng không ngủ. Chị bảo cứ nhắm mắt là những cảnh tượng hãi hùng nơi xứ người lại hiện về đeo đẳng. Chị sợ người chồng nghiện rượu đánh đập chị. Sợ những phút giây lẩn trốn. Chị đau lòng và lo lắng khi nghĩ đến 3 đứa con bên xứ người giờ bặt vô âm tín.
Phải ngồi hàn huyên rất lâu, câu chuyện của hơn 30 năm trước mới được chị Phượng kể lại. Khi đó, chị Phượng mới 6 tuổi, cùng mẹ theo người trong làng đi làm ăn xa, rồi bị lừa bán sang Trung Quốc.
Đến năm 19 tuổi, chị bị gả bán cho một người đàn ông ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Sống cùng người chồng tàn tật, chị như một cỗ máy được họ mua về để sinh đẻ, làm công.
Sinh được 3 mặt con, thế nhưng vào một ngày dông gió, chị và cô con gái, cùng với 3 người phụ nữ khác bị những kẻ buôn người bán đi. Chị bị gả bán cho một người đàn ông góa vợ, đã có 2 con ở tỉnh Quảng Tây.
Kể từ đây, chị Phượng bắt đầu chuỗi ngày thống khổ với những trận đòn roi, nhịn ăn, nhịn uống vì người chồng nghiện rượu.
“Chồng tôi đánh nhiều lắm, đau lắm không chịu được. Bố mẹ chồng cũng đánh, cũng chửi. Có những hôm không cho ăn, bắt ở nhà...” - chị Phượng sợ hãi kể.
Không chịu được sự áp bức, chị sợ hãi chạy trốn rồi bị công an Trung Quốc bắt giữ vì cư trú bất hợp pháp. Sau hơn 1 năm chị bị trục xuất về Việt Nam. Bấy giờ tâm trí chị gần như hoảng loạn, không nhớ được gì.
Hơn 1 năm về nước, sống nhờ bảo trợ xã hội, chị nhớ được nhà, nhớ quê quán, người thân trong gia đình.
Từ những thông tin chị Phượng cung cấp, cơ quan chức năng đã xác định chị Phượng là công dân ở thôn 2, xã Thiệu Giang, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa và giúp chị liên lạc với gia đình.
Vẫn chưa hết bồi hồi, xúc động bởi con gái sau bao năm lưu lạc giờ đã trở về, ông Lê Quang Phố (65 tuổi, bố đẻ chị Phượng) nói: "Mới đây, cán bộ thôn, xã, công an xã Thiệu Giang đến đưa cho tôi xem một bức ảnh. Vừa nhìn ảnh, tôi đã nhận ra ngay đó là người con gái đầu của mình".
Bà Lê Thị Thanh, người thân của chị Phượng nói, hôm về nhà, các em của chị Phượng lấy chồng, lấy vợ ở xa về đoàn tụ, chị em cứ thế ôm nhau khóc một cách nghẹn ngào.
Ông Lê Đình Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Giang xác nhận: Chị Phượng là công dân của địa phương đã thất lạc gia đình hơn 30 năm trước. Trước hoàn cảnh của chị, chính quyền địa phương cùng các đoàn thể thôn, xã đã đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình. Để chị sớm ổn định cuộc sống, trước mắt chính quyền sẽ tạo điều kiện để chị Phượng làm các loại giấy tờ tùy thân, từ đó có cơ sở giúp chị tìm kiếm việc làm, sớm ổn định cuộc sống.