Đầm Ô Loan - Công viên xanh bên bờ biển xanh

Bình minh trên đầm Ô Loan. Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

Trên đường ra Bắc vào Nam, khi đi qua đèo Quán Cau thuộc huyện Tuy An ta bắt gặp một đầm nước lợ dưới chân đèo (phía đông quốc lộ 1) đó là đầm Ô Loan - một danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, mang vẻ đẹp yên bình.

Nơi tiên cảnh

Đầm Ô Loan được che chắn bởi núi Đồng Cháy, núi Cấm và cồn cát An Hải; đầm có diện tích mặt nước 1.570ha, độ sâu trung bình khoảng 1,3m; đầm được thông với biển Đông qua 2 cửa Lễ Thịnh và Tân Quy. Chuyện kể ngày xưa có một nàng tiên nữ tên Loan đẹp tuyệt trần, thích ngao du sơn thủy; Một hôm nàng cỡi chim Ô Thước xuống trần gian ngao du, khi trời về chiều đến vùng đất Tuy An thấy cảnh đẹp, chim và nàng hạ xuống núi Từ Bi rồi cả hai hóa thành đầm nước, người dân trong vùng khéo ghép nàng Loan với chim Ô Thước và gọi là đầm Ô Loan.

Từ quốc lộ 1 nhìn xuống, đầm dịu dàng, lãng mạn, là sự giao hòa giữa đất và nước, nơi biển và trời thu nhỏ như bức tranh thủy mặc. Khi bình minh lên cao, đầm nhuộm sắc vàng óng ả như con chim loan khổng lồ trong tư thế sẵn sàng tung cánh; khi hoàng hôn buông xuống, ánh sáng nhập nhoạng chim lại xoải cánh tìm chốn yên bình trên mặt hồ lăn tăn sóng nước.

Từ lâu đầm Ô Loan nổi tiếng không chỉ có cảnh đẹp mà nơi đây có nhiều loài hải sản quý như sò huyết, tôm, cua, mực… Sò huyết Ô Loan khi nướng hoặc hấp chín có vị thơm ngon và đặc biệt có nhiều huyết màu đỏ tươi. Đầm Ô Loan nuôi sống hàng ngàn con người bằng nghề chài lưới đánh bắt thủy hải sản; đầm cũng là niềm cảm hứng của các thi sĩ. Nhà thơ Nguyễn Mỹ - một người con của Tuy An viết: Biển vào Ô Loan nằm ngủ thiếp/ Sò huyết sinh trong đáy giếng mờ xanh.

Cùng với đầm Ô Loan, quanh vùng còn có các danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Gành Đá Đĩa, quần thể Hòn Yến, bãi biển Long Thủy, đảo Cù Lao Mái Nhà, Bãi Xếp đẹp mê hồn. Các di tích lịch sử văn hóa như thành An Thổ, đền thờ Lê Thành Phương; xung quanh đầm còn có nhiều công trình tôn giáo cổ kính như chùa Bát Nhã (chùa Tổ), chùa Từ Quang (Đá Trắng), chùa Cổ Lâm Hội Tôn, chùa Thanh Lương, nhà thờ cổ Mằng Lăng, nhà thờ Chợ Mới; kể sao cho hết khi mỗi vùng đất, công trình là những di sản quý, với những huyền thoại đầy hấp dẫn.

Tiềm năng về du lịch

Một thời gian dài đầm Ô Loan là mục tiêu khai thác kinh tế tự phát, người ta ồ ạt đào đắp các hồ, đóng cọc neo giữ các lồng bè nuôi tôm, thả các loại lưới đánh bắt hải sản trong đầm làm cho mặt đầm nham nhở, nước trong đầm ngày càng khô cạn, ứ đọng không được luân chuyển nên bị ô nhiễm, các loài hải sản quý trong đầm ngày một cạn kiệt.

Theo quy hoạch đến năm 2025 huyện Tuy An phát triển lên thị xã, là đô thị loại IV trực thuộc tỉnh; các xã xung quanh đầm Ô Loan như An Cư, An Hòa Hải, An Hiệp và An Ninh Đông sẽ là khu vực nội thị; đầm Ô Loan như một công viên xanh rộng lớn ngay trong lòng đô thị.

Về kinh tế, đầm Ô Loan và vùng phụ cận, lấy du lịch làm trọng tâm nhưng không làm ảnh hưởng đến các di sản; khai thác các danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử văn hóa để phát triển du lịch, khai thác văn hóa bản địa, du lịch ẩm thực, cảnh quan biển đảo; coi trọng du lịch văn hóa tâm linh vì đây là thế mạnh của vùng đất này.

Ngày 25/4/2020, Sở VH-TT-DL tổ chức nghiệm thu, bàn giao cho UBND huyện Tuy An quản lý các mốc giới ngoài thực địa đầm Ô Loan theo Luật Di sản. Phạm vi khu vực bảo vệ I có diện tích khoảng 1.723ha, bao gồm toàn bộ mặt nước đầm 1.639ha, Hòn Lao 34ha, vùng mặt đất ven đầm 59ha. Khu vực bảo vệ II có diện tích gần 62ha gồm toàn bộ mặt núi Hòn Chồng quay về phía đầm thuộc xã An Hòa Hải. Đây là cơ sở để địa phương quản lý, quy hoạch, khai thác tiềm năng kinh tế đầm Ô Loan.

Trong quy hoạch đặc biệt quan tâm đến chất lượng nguồn nước trong đầm, nước phải được cải thiện ngày một tốt hơn; nuôi trồng, bảo tồn các loài hải sản quý trong đầm. Hiện nay, huyện Tuy An đang tiến hành giải tỏa các hồ, cọc, lồng bè nuôi tôm lấn chiếm để mặt đầm được thông thoáng, hy vọng tương lai các loài hải sản quý được sinh sôi và phát triển. Đồng thời có kế hoạch lâu dài chỉnh trị cửa biển Tân Quy và Lễ Thịnh để không bị bồi lấp, tàu thuyền ra vào tránh trú bão, đặc biệt nước từ biển và trong đầm lưu thông khi thủy triều lên xuống. Chú trọng chất lượng nguồn nước ngọt cung cấp cho đầm, nạo vét sông Hà Yến, tạo dòng chảy từ sông Ngân Sơn về đầm; chuyển đổi cây trồng khu sườn núi phía tây của đầm, từ trồng cây ngắn ngày sang trồng cây lâu năm, trồng thành rừng, ưu tiên trồng dừa; thực hiện chương trình kế hoạch trồng rừng ngập mặn và nuôi trồng hải sản quý như sò huyết, cua huỳnh đế, cua càng xanh… trong đầm Ô Loan.

Đầu tư khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp trên núi Long Sơn (xã An Hiệp). Đỉnh núi này cao 269m so với mặt nước biển, có chùa Bát Nhã là nơi quanh năm đón nắng và gió, khí hậu mát mẻ trong lành, cây lá xanh tươi, phong cảnh hữu tình; mở tuyến cáp treo chạy qua đầm xuống công viên nước Rừng Dương Thành Lầu (phía bắc cầu An Hải) để du khách có dịp thưởng thức hết vẻ đẹp đầm Ô Loan.

Bảo tồn, tôn tạo các làng biển, làng nghề, đầu tư về hạ tầng giao thông, điện nước, các công trình văn hóa tâm linh; chuyển đổi cơ cấu về lao động dần sang làm dịch vụ du lịch; nơi đây trở thành điểm đến tham quan, thực nghiệm hấp dẫn cho du khách. Xây dựng đường bao quanh đầm Ô Loan theo vành đai bảo vệ I, quy hoạch xây dựng các khu nghỉ dưỡng, hình thái kiến trúc đô thị quanh đầm Ô Loan là nhà vườn, thấp tầng, gắn liền với mặt nước, vườn cây, núi đồi.

Xây dựng bến du thuyền và mở những tour du lịch bằng tàu thủy quanh đầm để du khách thưởng ngoạn trọn vẹn cảnh đẹp của đầm Ô Loan. Đến đây du khách sẽ được ăn đặc sản tôm, cua, sò huyết; tối đi xe điện quanh đầm đến các tụ điểm xem biểu diễn đàn đá, kèn đá; vào trung tâm thương mại mua sắm các đặc sản của địa phương như cá, mực khô, bánh tráng; đường bánh, đường tán (đường thủ công) làm quà cho chuyến đi.

Đầm Ô Loan là công viên xanh bên bờ biển xanh; cùng với các tiềm năng khác địa phương đang phấn đấu đến năm 2025 phát triển Tuy An thành đô thị: Biển - di sản - dịch vụ phức hợp.

KTS HOÀNG XUÂN THƯỞNG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/244746/dam-o-loan-cong-vien-xanh-ben-bo-bien-xanh.html