Đàm phán hạt nhân Iran: Bế tắc và những hệ lụy
Ngày 17-1, vòng đàm phán thứ 9 nhằm tái khởi động Thỏa thuận hạt nhân Iran ký kết năm 2015, tên chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), đã bắt đầu tại Vienna, Áo.
Tính đến nay, tiến trình đàm phán đã trải qua 8 vòng nhưng những vấn đề gút mắc chính vẫn chưa được giải quyết. Thời hạn dành cho đàm phán không còn nhiều, giới quan sát lo ngại những hậu quả tai hại có thể có khi đàm phán đổ vỡ.
8 vòng đàm phán không có kết quả
Qua 8 vòng đàm phán, các vấn đề cần giải quyết vẫn còn y nguyên. Sau vòng thứ 8 (diễn ra hồi cuối tháng 12-2021), các bên vẫn loay hoay giải quyết những điều kiện nêu ra trong 2 văn bản dự thảo.
Văn bản thứ nhất có nội dung liên quan đến tính chất của các biện pháp trừng phạt liên quan đến chương trình hạt nhân Iran, văn bản thứ hai có nội dung nói về các bước Iran phải thực hiện để quay trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân đã ký, như cắt giảm kho hạt nhân, chấm dứt sử dụng các thiết bị ly tâm tiên tiến. Bên cạnh đó còn có văn bản thứ ba, rất quan trọng, đề cập việc Mỹ dỡ bỏ cấm vận đối với Iran. Về vấn đề này, Iran yêu cầu việc khôi phục đầy đủ mức xuất khẩu dầu mỏ và sản phẩm công nghiệp phải được thực hiện trước khi nước này quay trở lại tuân thủ hoàn toàn JCPOA. “Chúng ta phải đạt được việc Iran có thể bán dầu một cách dễ dàng và không bị bất cứ sự hạn chế nào để tiền bán dầu đó được chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng của Iran”, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian nhấn mạnh.
Nhà Trắng tỏ vẻ sốt ruột và đang “thủ thế” trước viễn cảnh đàm phán đổ vỡ, cho nên liên tục nói rằng việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận của cựu Tổng thống Donald Trump vào năm 2018 là một thảm họa. Vì vậy, nếu đàm phán thất bại, ông Trump sẽ phải chịu trách nhiệm. Thời gian dành cho đàm phán giờ chỉ được tính bằng tuần chứ không còn vài tháng nữa, trong khi nếu thời gian đàm phán kéo dài, người Mỹ lo ngại Iran lại có cơ hội làm giàu uranium đạt tỉ lệ cao hơn, tiến gần hơn đến mức độ sản xuất bom hạt nhân.
Giới quan sát cho rằng có thể sẽ có một thỏa thuận nhưng theo quan điểm của phương Tây, đó có thể sẽ là một thỏa thuận tạm thời. Có một điều không thay đổi từ đầu, đó là Iran từ chối gặp trực tiếp phái đoàn đàm phán Mỹ, vì vậy các cuộc thảo luận được thực hiện gián tiếp thông qua các phái đoàn châu Âu, Trung Quốc và Nga. Các cuộc đàm phán quy mô đầy đủ thực hiện ngày 17-1, với sự tham gia của cả Anh và Đức.
Trong khi đó, nhiều hoạt động chính trị, ngoại giao bên ngoài khu vực đàm phán vẫn liên tục được tiến hành. Đặc phái viên Mỹ Robert Malley đã xuất hiện trước một loạt các đại sứ Vùng Vịnh đang chờ đợi nghe ông thông báo về tình hình đàm phán. Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian đã đến Trung Quốc để đảm bảo một thỏa thuận đối tác kéo dài 25 năm, một động thái được cho là nhằm thể hiện với phương Tây rằng kinh tế Iran hoàn toàn có thể tồn tại mà không có phương Tây. Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cũng sẽ tới Moscow trong tuần này với cùng mục đích.
4 vấn đề cần giải quyết
Trước khi các bên bước vào vòng đàm phán thứ 9, mọi vấn đề vẫn đang dở dang. Về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt vẫn còn khác biệt về cách xác định một lệnh trừng phạt có liên quan đến thỏa thuận hạt nhân hay không để dỡ bỏ, hay liên quan đến các vấn đề khác và tiếp tục duy trì.
Vấn đề thứ hai xoay quanh những đảm bảo mà Iran đang tìm kiếm rằng Mỹ sẽ không lặp lại việc ông Donald Trump rút khỏi thỏa thuận vào tháng 5-2018. Mỹ không thể đưa ra một hiệp ước ràng buộc pháp lý vì Thượng viện sẽ không bao giờ đồng ý với một hiệp ước. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói: “Không có gì gọi là đảm bảo trong ngoại giao và các vấn đề quốc tế. Chúng tôi đã nói rất rõ ràng rằng chúng tôi chuẩn bị trở lại tuân thủ đầy đủ JCPOA và tiếp tục tuân thủ đầy đủ JCPOA miễn là Iran cũng làm như vậy”.
Một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc có thể giúp tạo nên một sự yên tâm nào đó cho Iran nhưng một nghị quyết như thế lại hầu như không ràng buộc các bên. Tehran muốn có các cam kết ràng buộc rằng nếu Mỹ từ bỏ thỏa thuận, EU sẽ làm nhiều hơn để bất chấp các lệnh trừng phạt thứ cấp của Mỹ bằng cách bơm tiền vào cơ chế thương mại INSTEX do EU thiết lập để lách các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Vấn đề thứ ba là làm thế nào để Iran có thể xác minh trong thực tế rằng các lệnh trừng phạt đã được dỡ bỏ trên thực tế chứ không chỉ trên giấy và do đó nước này phải ngừng làm giàu uranium ở mức độ tinh khiết không được phép theo thỏa thuận? Đã có nhiều cuộc bàn tán rằng Mỹ tin rằng việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt có thể được xác minh sau 48 giờ nhưng Iran muốn một quá trình dài hơn và được xác định bằng các chỉ tiêu chuẩn nhất.
Vấn đề cuối cùng là làm thế nào để xử lý vấn đề kỹ thuật, bao gồm cả các máy ly tâm tiên tiến và một lượng lớn uranium làm giàu mà Iran đã mua được trong thời gian nước này hủy thực hiện JCPOA.
Các nhà ngoại giao phương Tây cho biết họ sẽ không để các cuộc đàm phán kéo dài thêm nữa, có thể đầu tháng 2-2022 là thời hạn cuối cùng. Trong giai đoạn này, vấn đề cốt lõi nhất giữa Mỹ và Iran vẫn là xây dựng lòng tin lẫn nhau. Các điều kiện được Iran đặt ra trong các dự thảo văn bản thỏa thuận cho thấy Tehran mong muốn một sự bảo đảm trên thực tế một khi thỏa thuận được ký kết và được tuân thủ đầy đủ. Iran không muốn tái diễn tình trạng “quay xe” như nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump đã trình diễn khiến cho bao nhiêu công sức đối thoại, thỏa thuận biến thành công cốc. Hậu quả của nó đối với nền kinh tế và đời sống người dân Iran thì đã rõ. Thế giới nhân đạo không bao giờ chấp nhận điều này.