Đàm phán hạt nhân Iran khó hoàn tất thỏa thuận trước thềm bầu cử tổng thống
Năm vòng đàm phán hạt nhân Iran vừa qua đã đạt được các bước tiến lớn nhưng các bên liên quan nhận định sẽ khó đạt được một thỏa thuận trước cuộc bầu cử tổng thống Iran ngày 18/6 tới.
Iran và các cường quốc thế giới hôm qua nối lại vòng đàm phán thứ 6 tại thủ đô Vienna của Áo về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân 2015. Vòng đàm phán thứ 6 bắt đầu với cuộc họp của các bên còn lại trong thỏa thuận, bao gồm Iran, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh, Đức và Liên minh châu Âu (EU) tại một khách sạn sang trọng. Phái đoàn Mỹ phải tham dự các cuộc đàm phán theo hình thức gián tiếp từ một khách sạn gần đó khi Iran từ chối các cuộc gặp trực tiếp. Trước đó có nhiều nhận định các cuộc đàm phán vừa qua đã đạt được kết quả tích cực và vòng đàm phán thứ 6 có thể là vòng quyết định cuối cùng tiến tới khôi phục thỏa thuận hạt nhân.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nhận định: “Thực tế là chúng tôi đã đạt được tiến bộ. Các vòng vừa qua đã giúp đưa ra các lựa chọn mà Iran sẽ cần phải làm tiếp theo. Đó là các bước đi mà Iran cần thực hiện để tiếp tục tuân thủ thỏa thuận hạt nhân cùng các chế độ giám sát nghiêm ngặt các bước đi này”.
Tuy nhiên, phía Iran hôm qua (12/6) cho rằng khó có thể hoàn tất một thỏa thuận trong tuần này, trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Iran diễn ra vào ngày 18/6 tới, trong khi đại diện của Nga nhận định cần thêm vài tuần nữa để hoàn tất văn kiện hiện nay. Một số các rào cản đối với việc hồi sinh thỏa thuận hạt nhân bao gồm, yêu cầu của Iran về việc giảm bớt các lệnh trừng phạt và mối quan ngại của phương Tây đối với các hoạt động mở rộng chương trình hạt nhân của Iran.
Phía Iran tuyên bố việc Mỹ tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 82 triệu người Iran là "chính sách khủng bố kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19, là tội ác chống lại loài người". Trong khi đó, Mỹ cho rằng có sự ngờ vực lớn giữa hai bên, trong đó có việc Iran từ chối thảo luận trực tiếp với Mỹ trong các vòng đàm phán. Theo đánh giá của giới phân tích, để giải quyết những vấn đề này có thể cần nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng đàm phán thêm.
Hiện cũng có nhiều ý kiến cho rằng các bên đang đối mặt với sức ép phải sớm đi đến thỏa thuận khi Iran chuẩn bị bầu cử tổng thống vào ngày 18/6 tới. Kết quả cuộc bầu cử có khả năng làm thay đổi lập trường đàm phán của Iran. Tuy nhiên, ứng cử viên tổng thống Iran, Giám đốc cơ quan tư pháp - Ebrahim Raisi người đang giành lợi thế trong cuộc bầu cử hôm qua tái khẳng định sự ủng hộ đối với thỏa thuận hạt nhân: “Thỏa thuận hạt nhân 2015 là một thỏa thuận với 9 điều khoản đã được Lãnh tụ tối cao Iran ủng hộ. Chúng tôi sẽ tiếp tục cam kết với thỏa thuận hạt nhân này và nó cần được thực hiện bởi một chính phủ mạnh mẽ”.
Người phát ngôn chính phủ Iran cũng khẳng định, chính sách của Iran đàm phán với các cường quốc thế giới sẽ không thay đổi sau cuộc bầu cử tổng thống, bởi vấn đề này đã được lãnh đạo cao nhất của nước này quyết định./.