Đàm phán hạt nhân Mỹ-Iran bước vào tháng quyết định và tác động đến nguồn cung dầu toàn cầu
Trang tin S&P Global Platts ngày 8/9/2021 có bài bình luận cho rằng các cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ-Iran đang bước vào tháng có ý nghĩa quyết định và triển vọng các cuộc đàm phán hạt nhân sẽ tác động đến nguồn cung dầu toàn cầu trong tương lai.
Chính quyền Biden dường như ngày càng mong muốn nối lại thỏa thuận hạt nhân Iran sau khi các cuộc đàm phán đã kéo dài trong nhiều tháng. Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 7/9/2021 cho biết Đặc phái viên Mỹ về vấn đề hạt nhân Iran Robert Malley đã đi Paris và Moscow để đàm phán với các nhà ngoại giao Nga và châu Âu từ ngày 7-10/9/2021 về việc cần phải nhanh chóng đạt và thực hiện nhận thức chung về việc quay trở lại tuân thủ Kế hoạch hành động chung (JCPOA).
Các nhà phân tích của S&P Global Platts vẫn kỳ vọng Mỹ và Iran sẽ đạt được thỏa thuận hạt nhân mới trong tháng 10 hoặc tháng 11, cho phép chính quyền Biden gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran trong các lĩnh vực dầu mỏ, vận tải biển, hóa dầu và các lĩnh vực khác của Tehran. Tuy nhiên, họ đã bổ sung thêm một kịch bản là không có thỏa thuận khi ngày càng có nhiều hoài nghi về khả năng phá vỡ tình trạng bế tắc giữa Washington và Tehran. Nếu đạt được thỏa thuận và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt dầu mỏ của Mỹ, dự kiến nguồn cung dầu của Iran sẽ tăng lên 3,87 triệu thùng/ngày vào tháng 12/2022. Nếu các cuộc đàm phán tiếp tục bị trì hoãn hoặc sụp đổ, triển vọng nguồn cung của Iran sẽ giảm xuống 2,17 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2022.
Nguồn cung không chắc chắn
Nếu theo kịch bản không đạt được thỏa thuận hạt nhân, nguồn cung dầu toàn cầu sẽ thắt chặt vào năm tới, khi nhu cầu dầu của OPEC+ đến tháng 8/2022 sẽ tăng 1,5 triệu thùng/ngày. Paul Sheldon, cố vấn địa chính trị, cho biết những tín hiệu gần đây của Bộ trưởng Ngoại giao Iran về việc trì hoãn các cuộc đàm phán cho đến tháng 11 có thể là một cách thức nhằm hạ thấp kỳ vọng, nhưng các nhà phân tích thấy vẫn có những động lực xuất khẩu khiến Iran muốn đạt được thỏa thuận trong những tháng tới. Bên cạnh đó, rất có thể Iran không muốn đồng ý với bất cứ điều gì mà chính quyền Biden có thể chấp nhận, khiến cho dự báo về một thỏa thuận vào tháng 11 là không chắc chắn.
Tháng quyết định, hoặc là đạt thỏa thuận hoặc là đàm phán đổ vỡ
Fernando Ferreira, Giám đốc phụ trách rủi ro địa chính trị của Tập đoàn Năng lượng Rapidan, coi tháng 9 là tháng quyết định đối với các cuộc đàm phán, hoặc là đạt thỏa thuận hoặc là đổ vỡ, trước những nghi ngờ ngày càng tăng ở Washington và châu Âu về việc liệu JCPOA còn đủ để kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran hay không, đặc biệt là khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) không còn có thể đảm bảo rằng các camera và thiết bị giám sát của họ có thể thu thập được dữ liệu về hoạt động hạt nhân ở Iran. Hội đồng Thống đốc IAEA đang họp tại Vienna hôm nay 13/9/2021.
Ferreira cho biết Rapidan vẫn mong đợi sẽ có một thỏa thuận vào mùa thu này, đặt tỷ lệ cược là 60%. Bên cạnh đó, Rapidan nhận thấy rủi ro ngày càng tăng đối với khả năng hai bên đạt một thỏa thuận tạm thời, theo đó việc dỡ bỏ đầy đủ các biện pháp trừng phạt bị lùi sang năm 2022, hoặc khả năng đàm phán đổ vỡ. ClearView Energy Partners tiếp tục cho rằng cả hai bên Mỹ-Iran đều có động lực để “ủng hộ một chút" việc quay trở lại JCPOA và kỳ vọng sẽ sớm được biết trong tháng này về quyết định “đàm phán hay không đàm phán”.
Nhà phân tích Stephen Brennock của PVM Associates không kỳ vọng sẽ có một bước đột phá trước cuối năm nay, mặc dù Iran quyết tâm đẩy mạnh sản lượng dầu với kỳ vọng được quay trở lại thị trường dầu mà không bị hạn chế. Stephen Brennock nhấn mạnh rằng việc Washington kêu gọi OPEC tăng nguồn cung cho thấy Mỹ không trông đợi việc các thùng dầu của Iran sớm quay trở lại thị trường. Điều này cho thấy nhân tố dầu của Iran có khả năng không còn được ưu tiên, ít nhất là vào thời điểm hiện tại. Iran không còn là nhân tố bất ngờ của thị trường dầu nhưng có thể hy vọng nước này sẽ quay trở lại vào đầu năm 2022.
Về lợi ích của Iran
Các cuộc đàm phán đã bị đình trệ từ giữa tháng 6/2021, khi các bên tạm dừng đàm phán cho cuộc bầu cử Iran và dự kiến nối lại ngay sau khi Tổng thống Iran Ebrahim Raisi nhậm chức vào đầu tháng 8/2021.
Dư luận cho rằng Iran đã trì hoãn vòng đàm phán thứ bảy, nhưng Tehran nói sẽ không ngần ngại nối lại các cuộc đàm phán nếu như thấy các cuộc đàm phán phù hợp với lợi ích của mình. Tehran dường như đang câu giờ để xây dựng lại đội ngũ đàm phán và xác định lập trường của mình dưới thời chính quyền Tổng thống mới, đồng thời đánh giá xem Iran có thể tiếp tục sống với các lệnh trừng phạt như thế nào. Theo hãng thông tấn nhà nước IRNA, Ngoại trưởng mới của Iran Hossein Amir-Abdollahian cho biết Iran không quay lưng với đàm phán, nhấn mạnh: “Chúng tôi tin tưởng vào các cuộc đàm phán khôn ngoan, đàng hoàng nhằm đảm bảo quyền của nhà nước Iran và chúng tôi sẽ làm việc tích cực vì điều đó”. Theo IRNA, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi nói với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng ông "không hề phản đối các cuộc đàm phán có ích". "Nhưng kế hoạch và kết quả của đàm phán cần phải nhằm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống lại Iran. Còn đàm phán chỉ là để đàm phán thì vô ích"./.