Đàm phán hạt nhân Mỹ - Iran: Còn nhiều việc phải làm

Mỹ và Iran cam kết tiếp tục thương thảo về vấn đề hạt nhân của Tehran và có thể tổ chức thêm cuộc họp khác vào cuối tuần này.

Cam kết trên được đưa ra sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi và ông Steve Witkoff, đặc phái viên Trung Đông của Tổng thống Mỹ Donald Trump, tiến hành vòng đàm phán gián tiếp thứ ba kéo dài khoảng 6 giờ tại thủ đô Muscat - Oman hôm 26-4.

"Các cuộc đàm phán vô cùng nghiêm túc và mang tính kỹ thuật..., vẫn còn những khác biệt, cả về các vấn đề lớn lẫn các chi tiết" - Bộ trưởng Araghchi nói với truyền thông Iran sau cuộc gặp, đồng thời bày tỏ thái độ "cực kỳ thận trọng" về triển vọng thành công của các cuộc đàm phán. Theo AP, một quan chức cấp cao của Mỹ nhận định cuộc đàm phán diễn ra tích cực và mang tính xây dựng. "Vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng đã có thêm tiến triển trong việc tiến tới một thỏa thuận" - quan chức này nói thêm. Bộ trưởng Ngoại giao Oman Badr al-Busaidi cũng đưa ra đánh giá tích cực khi cho biết Iran và Mỹ đã đề cập các nguyên tắc cốt lõi, mục tiêu và vấn đề kỹ thuật. Theo ông al-Busaidi, hai bên sẽ tiếp tục đàm phán trong tuần này, với một cuộc họp cấp cao tạm thời được lên lịch vào ngày 3-5.

Mục tiêu của đàm phán là hạn chế chương trình hạt nhân của Iran để đổi lại việc Washington dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt kinh tế áp đặt lên Tehran. Trong chuyến đi đến thủ đô Rome - Ý để dự tang lễ Giáo hoàng Francis cuối tuần rồi, Tổng thống Donald Trump một lần nữa bày tỏ hy vọng rằng đàm phán sẽ dẫn đến một thỏa thuận hạt nhân mới. Tuy nhiên, ông vẫn để ngỏ khả năng tiến hành tấn công quân sự nếu không đạt được thỏa thuận.

Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi và Bộ trưởng Ngoại giao Oman Badr al-Busaidi (trái) tại thủ đô Muscat – Oman hôm 25-4. Ảnh: AP

Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi và Bộ trưởng Ngoại giao Oman Badr al-Busaidi (trái) tại thủ đô Muscat – Oman hôm 25-4. Ảnh: AP

Mỹ và Iran vẫn đang căng thẳng kể từ khi ông Donald Trump trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran và các cường quốc vào năm 2018. Kể từ đó, Iran đã từ bỏ mọi giới hạn đối với chương trình hạt nhân của mình và làm giàu uranium lên tới 60% độ tinh khiết, gần với mức độ vũ khí (khoảng 90%).

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio hồi tuần rồi nhấn mạnh Iran sẽ phải chấm dứt hoàn toàn việc làm giàu uranium và nhập khẩu lượng uranium làm giàu cần thiết để vận hành nhà máy điện hạt nhân Bushehr. Trong khi đó, theo đài Al Jazeera, giới chức Iran cho biết nước này sẵn sàng đàm phán về một số giới hạn đối với chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, việc chấm dứt chương trình làm giàu uranium hoặc từ bỏ kho dự trữ uranium đã làm giàu của họ là các "lằn ranh đỏ" không thể thỏa hiệp trong tiến trình đàm phán.

Ngoài ra, các quốc gia châu Âu đã đề xuất với Mỹ rằng một thỏa thuận toàn diện nên gồm các giới hạn nhằm ngăn Iran có được hoặc hoàn thiện khả năng gắn đầu đạn hạt nhân lên tên lửa đạn đạo. Đáp lại, Iran khẳng định các năng lực phòng thủ của nước này, trong đó có chương trình tên lửa, không thể đưa ra đàm phán.

Hoàng Phương

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dam-phan-hat-nhan-my-iran-con-nhieu-viec-phai-lam-196250427231437377.htm