Đàm phán hậu Brexit, Anh cứng rắn với EU
Chính phủ Anh công bố các thứ tự ưu tiên trong đàm phán thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu (EU) thời hậu Brexit (Anh rời khỏi EU) với quan điểm cứng rắn, trong đó nhấn mạnh mong muốn một tương lai tự do về kinh tế và chính trị.
Không muốn mất quyền kiểm soát
Những điểm chính trong tuyên bố của Anh gồm việc sẽ không đàm phán bất cứ dàn xếp nào được cho là sẽ lấy mất đi quyền kiểm soát pháp luật và đời sống chính trị của nước Anh. Mục tiêu của Anh là tìm kiếm quan hệ thương mại với EU tương tự như thỏa thuận thương mại mà khối này đã có với Canada, Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Tuyên bố cũng khẳng định sẽ không chấp nhận việc phải tuân theo luật pháp của EU cũng như phán quyết của Tòa án tối cao EU trên đất Anh. Anh sẽ dựa trên các quy định của WTO để đưa ra những dàn xếp với EU giống như của Australia hiện nay, nếu như hai bên không đạt được tiến bộ về thỏa thuận toàn diện. Thủ tướng Anh Boris Johnson nêu Anh muốn hai bên công nhận lẫn nhau về các tiêu chuẩn cao do mỗi bên đặt ra cho riêng mình, cũng như việc được tiếp cận vào các thị trường của nhau.
Anh không yêu cầu EU theo các quy định pháp lý của Anh tại EU thì không lý gì EU yêu cầu Anh tuân theo các quy định của EU trên đất Anh. Thủ tướng Johnson cam kết sẽ đạt được thỏa thuận với EU vào cuối thời kỳ chuyển đổi là ngày 31-12-2020. Hai bên sẽ chính thức tiến hành đàm phán thỏa thuận tự do thương mại thời hậu Brexit vào ngày 2-3 tới.
Theo tài liệu Chính phủ Anh công bố, Anh muốn hai bên sẽ đi đến nhất trí được khung thỏa thuận thương mại vào cuối tháng 9-2020. Nếu như đàm phán không đạt được tiến bộ, tính đến lúc họp Hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng 6-2020, Chính phủ Anh sẽ cần phải quyết định xem liệu có nên chuyển hướng chú trọng tiếp tục đàm phán với EU sang việc chỉ tập trung vào tiếp tục các hoạt động chuẩn bị trong nước để kết thúc thời kỳ chuyển đổi được diễn ra ổn định hay không.
EU chuẩn bị kết quả không thỏa thuận
Theo giới quan sát, những “ranh giới đỏ” mà Anh đặt ra cho EU đang đi ngược lại mục tiêu đàm phán khối đưa ra trước đó. Quan điểm đàm phán chi tiết của chính phủ Anh vừa được công bố hướng đến một sự sắp xếp hoàn toàn khác với quan điểm người tiền nhiệm Theresa May trước đây. Trong khi bà Theresa May sẵn sàng giữ Anh trong quỹ đạo EU để duy trì thương mại không hạn chế thì ông Boris Johnson ưu tiên tự do tối đa cho Anh để xác định chính sách của riêng mình
EU cho rằng sự gần gũi về địa lý và các mối quan hệ chặt chẽ hiện có buộc Anh phải tuân thủ một số điều kiện của EU để đảm bảo sự cạnh tranh công bằng. Phía EU nhấn mạnh, bất cứ thỏa thuận thương mại nào cần phải giữ vững các tiêu chuẩn quy định chung cao, lấy tiêu chuẩn của EU làm căn cứ tham khảo. EU cũng bác bỏ mô hình thỏa thuận thương mại giống như của Canada. Trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier nói rằng: “Anh nói muốn có một thỏa thuận giống như giữa EU và Canada, nhưng vấn đề nằm ở chỗ Anh không phải là Canada. EU sẵn sàng đề nghị cho Anh quyền tiếp cận ưu đãi đối với thị trường của chúng tôi, với một mức độ chưa từng có đối với một nước thứ ba. Đó chính là thiện chí từ phía EU dành cho một đối thủ cạnh tranh trực tiếp ngay trước cửa nhà của chúng tôi”.
Trước đó, vào ngày 24-2, EU đã công bố nội dung ưu tiên đàm phán của mình, nhấn mạnh rằng EU hy vọng Anh sẽ tiếp tục gắn kết cùng với những thay đổi trong những quy định của EU trong tương lai trên các lĩnh vực trợ cấp nhà nước cho ngành công nghiệp, các tiêu chuẩn về môi trường và các quyền của người lao động. Phía EU cho rằng bất cứ thỏa thuận thương mại nào cần phải giữ vững các tiêu chuẩn quy định chung cao, các tiêu chuẩn cao tương đương với các tiêu chuẩn quy định của EU, lấy tiêu chuẩn của EU làm căn cứ tham khảo. EU đang chuẩn bị cho một kết quả không thỏa thuận khi đàm phán thương mại Brexit với Anh, trong bối cảnh hai bên thúc đẩy các cuộc đàm phán căng thẳng.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/dam-phan-hau-brexit-anh-cung-ran-voi-eu-648244.html