Đàm phán hòa bình Geneva đổ vỡ: 'Thùng thuốc súng' Libya vẫn trực chờ

Việc các cuộc đàm phán quân sự do Liên Hợp Quốc chủ trì ở Geneva, Thụy Sĩ về tình hình Libya đổ vỡ khiến quốc gia Bắc Phi này ngày càng trở nên bất ổn.

Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya được Liên Hợp Quốc công nhận vừa thông báo rút khỏi các cuộc đàm phán tại Geneva (Thụy Sĩ) ngay sau khi Lực lượng quân đội quốc gia Libya tấn công cảng biển ở thủ đô Tripoli ngày hôm qua (18/2). Cuộc tấn công cũng đánh dấu một nấc leo thang mới trong cuộc nội chiến kéo dài hơn 5 năm qua tại quốc gia Bắc Phi này.

Giao tranh ở Libya. Ảnh: Reuters

Giao tranh ở Libya. Ảnh: Reuters

Trong một tuyên bố, Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya tuyên bố đình chỉ việc tham gia các cuộc đàm phán quân sự do Liên Hợp Quốc chủ trì ở Geneva do lệnh ngừng bắn đã bị vi phạm. Lực lượng quân đội quốc gia Libya trước đó ngày 18/2 đã tấn công cảng biển ở Tripoli. Đây vốn được coi là huyết mạch đối với nhiều thành phố của Libya.

Theo Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya, mọi cuộc đàm phán đều vô nghĩa nếu không có một lệnh ngừng bắn lâu dài cho phép những người tha hương trở về nhà, cũng như đảm bảo an ninh cho thủ đô Tripoli và các thành phố khác trước bất kỳ mối đe dọa nào.

Tuyên bố đưa ra đúng thời điểm các quan chức cấp cao thuộc quân đội Libya và lực lượng ở miền Đông đang khởi động vòng đàm phán thứ 2 về một lệnh ngừng bắn do Liên Hợp Quốc bảo trợ ở Geneva.

Theo Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Libya Ghassan Salame, kể từ khi lệnh ngừng bắn mong manh được thông báo hôm 12/2, đến nay đã ghi nhận 150 vi phạm. Ông đồng thời cho biết, những vi phạm này gây khó khăn cho các nỗ lực của Liên Hợp Quốc nhằm hướng đến một lệnh ngừng bắn lâu dài, cũng như một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột:

“Trên thực địa, và thường xuyên bị vi phạm, mà mới đây nhất các cuộc tấn công nhằm vào cảng Tripoli. Điều quan trọng là các bên không từ bỏ các nguyên tắc của một lệnh ngừng bắn và tạo cơ hội cho việc thúc đẩy một tiến trình hòa bình”.

Đáng chú ý, diễn biến mới nhất này xảy ra chỉ 1 ngày sau khi các nhà ngoại giao Liên minh châu Âu khó khăn lắm mới có thể gạt bỏ mọi bất đồng để đạt được sự đồng thuận liên quan tới việc điều các tàu hải quân đến Đông Địa Trung Hải để giám sát lệnh cấm vận vũ khí đối với Libya.

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu Joseph Borrel đã ca ngợi việc tái khởi động sứ mệnh của EU là một bước đi tiến tới hoàn tất thỏa thuận Berlin, theo đó, nhằm tách rời các bên tham chiến tại Libya và bảo đảm rằng các đồng minh quốc tế của mỗi bên sẽ ngừng cung cấp vũ khí.

“Thỏa thuận sẽ cho phép chúng tôi sẽ điều các tàu hải quân để kiểm soát các tuyến đường cung cấp vũ khí cho biết. Và như tôi đã nói, chắc chắn họ sẽ không ở đó chỉ để nói xin chào, mà là để hành động. Nếu phát hiện bất kỳ hành vi buôn bán vũ khí nào, họ sẽ có phản ứng và can thiệp. Các chuyên gia hải quân của chúng tôi sẽ biết làm thế nào để phù hợp với quy tắc”, ông Borrel nói.

Tuy nhiên, với vụ tấn công ngày hôm qua nhằm vào cảng Tripoli, giới phân tích lại một lần nữa đặt câu hỏi liệu sứ mệnh mới có phải chịu chung số phận với sứ mệnh Sofia cách đây 1 năm hay không. Và bài học nhãn tiền là chỉ vài ngày sau khi Hội nghị thượng đỉnh Berlin hồi tháng 1 kết thúc, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã phải thừa nhận, lệnh ngừng bắn tại Libya đã bị phá vỡ và các chuyến hàng vận chuyển vũ khí vẫn tiếp diễn.

Trong bối cảnh này, song song với các nỗ lực của Liên Hợp Quốc và Liên minh châu Âu, Liên minh châu Phi hôm nay đã quyết định thành lập lực lượng chuyên trách về vấn đề Libya nhằm hỗ trợ việc thực thi các quyết định liên quan của khu vực và quốc tế đối với tình hình tại quốc gia Bắc Phi này. Theo Ủy viên cấp cao Liên minh châu Phi về hòa bình và an ninh Smail Chergui, hiện là ưu tiên chính trong chương trình nghị sự của Liên minh châu Phi và khối này sẽ tham gia đầy đủ vào việc thúc đẩy giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng tại Libya./.

Thu Hoài/VOV1
Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/dam-phan-hoa-binh-geneva-do-vo-thung-thuoc-sung-libya-van-truc-cho-1012342.vov