Đàm phán kiểu 'được ăn cả ngã về không', Triều Tiên nói số phận đối thoại phụ thuộc vào Mỹ

Ngày 7/10, nhà đàm phán hàng đầu của Triều Tiên Kim Myong-gil tuyên bố, việc nước này và Mỹ có tiến tới tổ chức các cuộc đàm phán phi hạt nhân bổ sung hay không là phụ thuộc vào Mỹ.

Nhà đàm phán hàng đầu của Triều Tiên Kim Myong-gil tuyên bố cuộc đàm phán với Mỹ homo 5/10 đã thất bại. (Nguồn: AP)

Phát biểu trên được ông Kim Myong-gil đưa ra tại Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc trong lộ trình trở về Triều Tiên sau khi cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa cấp chuyên viên giữa ông với người đồng cấp Mỹ Stephen Biegun tại Stockholm (Thụy Điển) hôm 5/10 đổ vỡ.

Đây là cuộc đàm phán chính thức đầu tiên kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều hồi tháng Hai ở Hà Nội. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao Triều Tiên đã bỏ ra ngoài trước khi kết thúc đàm phán.

Ông Kim Myong-gil sau đó đã tuyên bố cuộc đàm phán này thất bại, trong khi phía Mỹ lại tuyên bố "bình luận do phái đoàn Triều Tiên đưa ra trước đó không phản ánh đúng nội dung hoặc tinh thần cuộc thảo luận hôm nay, kéo dài suốt 8 tiếng rưỡi. Phái đoàn Mỹ đã đưa ra những ý tưởng sáng tạo và tiến hành thảo luận tốt với các đồng nghiệp từ Triều Tiên".

Sau đổ vỡ trên, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã đăng một tuyên bố trên Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), trong đó có đoạn: "Chúng tôi đã nói rằng, nếu Mỹ một lần nữa đưa ra kế hoạch hành động cũ mà không có thái độ mới đối với vấn đề, chúng tôi có thể chấm dứt thỏa thuận giữa các nước... Vì chúng tôi đã giải thích rõ ràng cho Mỹ một kế hoạch giải quyết vấn đề, nên số phận của cuộc đối thoại Mỹ - Triều phụ thuộc vào phía Washington và thời hạn cho việc này là trước cuối năm nay".

Theo các nhà phân tích, Triều Tiên rõ ràng đang viện đến các chiến thuật gây sức ép mạnh trong đàm phán hạt nhân với Mỹ để tìm cách đảm bảo vòng đàm phán ở cấp cao hơn, trong đó những đảm bảo an ninh và nhượng bộ kinh tế cho chính quyền Triều Tiên đang bị đe dọa.

Giáo sư chính trị quốc tế ở Đại học Handong Global, ông Park Won-gon nói: "Triều Tiên rõ ràng đưa ra những yêu cầu tối đa đối với phía Mỹ trong chiến lược 'được ăn cả ngã về không' phiên bản riêng của Bình Nhưỡng". Chuyên gia này phân tích, với kịch bản này, Bình Nhưỡng sẽ tìm kiếm nhiều nhượng bộ nhất có thể từ phía Mỹ, nếu điều đó không khả thi thì Triều Tiên có khả năng sẽ thỏa hiệp một chút.

Trong khi đó, Giáo sư Leif-Eric Easley thuộc Đại học Ewha Womans ở Seoul chỉ ra rằng, việc đình chỉ trừng phạt để đối lấy một thỏa thuận nhỏ sẽ là trò hề của cơ chế trừng phạt quốc tế. Ông nhận định: "Mỹ sẽ không đưa ra đề nghị vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vì lợi ích của một thỏa thuận nhỏ với Triều Tiên. Việc dỡ bỏ trừng phạt để đổi lấy tiến triển về phi hạt nhân hóa sẽ đòi hỏi sự phối hợp quốc tế".

Thế Việt

(theo Yonhap, Sputnik)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dam-phan-kieu-duoc-an-ca-nga-ve-khong-trieu-tien-noi-so-phan-doi-thoai-phu-thuoc-vao-my-102315.html