Đàm phán Mỹ - Triều: 'Ông nói gà, bà nói vịt' và nhận định của giới truyền thông

Trong khi phía Triều Tiên cho rằng cuộc đàm phán 'không đáp ứng được kỳ vọng' và 'đã đổ vỡ' thì phía Mỹ khẳng định hai bên đã có 'thảo luận tốt đẹp'.

Đàm phán Mỹ - Triều Tiên ngày 5/10 không đem lại kết quả như kỳ vọng. (Nguồn: AP)

Mỹ và Triều Tiên lần đầu tiên nối lại cuộc đàm phán cấp chuyên viên về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vào ngày 5/10 tại Stockholm (Thụy Điển) sau nhiều tháng bế tắc kể từ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 hồi tháng 2/2019.

Hãng tin Reuters bình luận, kết quả cuộc đàm phán mới này đã làm sụp đổ mọi triển vọng kết thúc tình trạng bế tắc kéo dài nhiều tháng qua dù phần nào hạ nhiệt căng thẳng. Trong khi đó, tờ New York Times bình luận đây là chỉ dấu mới nhất cho thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa thể gặt hái thành công cho sáng kiến ngoại giao của mình về vấn đề Triều Tiên.

Không đáp ứng kỳ vọng

Theo thông tin về kết quả đàm phán, Mỹ “nói gà” còn Triều Tiên lại “nói vịt”. New York Times lấy lại nguồn từ hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời ông Kim Myong-gil, nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu của Triều Tiên, cho biết: “Cuộc đàm phán đã không đáp ứng được kỳ vọng của chúng tôi và đã đổ vỡ”. Ông này cũng nói rằng Mỹ đã “tay không” đến đàm phán và không “thay đổi lập trường và thái độ cũ của họ”.

Ngược lại, phía Mỹ không cho rằng vòng đàm phán này thất bại. Trong một tuyên bố thận trọng, Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo rằng “những bình luận vội vàng” từ Bình Nhưỡng “không phản ánh nội dung hoặc tinh thần của cuộc đàm phán kéo dài 8 tiếng rưỡi đồng hồ”.

Tuyên bố có đoạn: “Mỹ đã đưa ra các ý tưởng sáng tạo và có các cuộc thảo luận tốt đẹp” với phía Triều Tiên, song không nêu cụ thể các vấn đề thảo luận.

Theo New York Times, mặc dù thông điệp của Mỹ mang hơi hướng tích cực song rõ ràng cuộc đàm phán cấp chuyên viên vừa qua đã không đem lại kết quả nào. Mặc dù các nhà đàm phán Mỹ cho biết sẵn sàng tham gia cuộc đàm phán tiếp theo trong vòng 2 tuần nữa, song phía Triều Tiên đã không hề đáp lại ý định này.

Phép thử cho Bình Nhưỡng

Kết quả cuộc đàm phán hôm 5/10 không có gì ngạc nhiên, bởi trước đó Triều Tiên đã đẩy mạnh hoạt động thử nghiệm tên lửa cũng như mở rộng dự trữ năng lượng nguyên tử của mình, bất chấp thông điệp lạc quan của ông Trump về mối quan hệ với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Trong khi đó tại Washington, giới chức Mỹ đã phải đau đầu tìm cách lôi kéo Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán mà không phải từ bỏ đòn trừng phạt vốn khiến chính quyền ông Trump có thể mất lợi thế đàm phán.

Đoàn xe chở các nhà đàm phán Triều Tiên tới địa điểm họp hôm 5/10. (Nguồn: AP)

Ngoài ra, theo một số giới chức Mỹ, mục tiêu của cuộc đàm phán cấp chuyên viên lần này là "thử lòng" Triều Tiên về đề xuất mới của Mỹ. Tờ Vox đưa tin hôm 3/10, Mỹ đề xuất sẽ đình chỉ các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với xuất khẩu hàng dệt may và than đá của Triều Tiên trong vòng 3 năm để đổi lại việc Bình Nhưỡng đồng ý tháo dỡ cơ sở hạt nhân chủ chốt tại Yongbyon và ngừng sản xuất uranium làm giàu ở mức độ cao.

Tuy nhiên, không rõ vòng đàm phán vừa qua có đề cập đề xuất này hoặc các đề xuất khác hay không do Đặc phái viên về Triều Tiên Stephen Biegun không tiết lộ chi tiết các đề xuất của Mỹ.

Trước đó, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia của ông Trump, ông John Bolton từng nhận định rằng ông Kim không hề có ý định từ bỏ vũ khí hạt nhân. Phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington, ông nói: “Không có cơ sở nào để tin tưởng bất kỳ cam kết nào mà chính quyền Bình Nhưỡng đưa ra”, đồng thời cho rằng đàm phán chỉ vô ích.

Vẫn còn khoảng cách

Reuters dẫn lời giới phân tích nhận định cả ông Trump và ông Kim đều đối mặt với sức ép gia tăng để đạt được thỏa thuận dù không rõ liệu hai bên có thể tìm thấy tiếng nói chung sau tình trạng căng thẳng và bế tắc kéo dài nhiều tháng qua.

Theo bà Jenny Town, biên tập viên của trang mạng 38 North chuyên về Triều Tiên, kết quả của vòng đàm phán cấp chuyên viên mới này không hứa hẹn điều gì. Bà Town nhấn mạnh: “Những kỳ vọng của Triều Tiên quá cao, rằng việc cách chức Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Bolton sẽ đem lại sự linh động hơn trong những yêu cầu tiên quyết của Mỹ.

Tất nhiên động thái này đã giúp giảm chút ít sức ép xung quanh điều kiện tiên quyết đó, nhưng dường như khoảng cách giữa những điều mà hai bên thực sự mong muốn và sẵn sàng trao đổi vẫn chưa được thu hẹp".

(theo Reuters, New York Times)

QT

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dam-phan-my-trieu-ong-noi-ga-ba-noi-vit-va-nhan-dinh-cua-gioi-truyen-thong-102313.html