Đàm phán Nga - Ukraine chưa thể có đột phá, ông Trump đi nước cờ mới

Sau khi cuộc đàm phán của Nga và Ukraine tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ chưa có bước đột phá, châu Âu ngay lập tức ra tối hậu thư với Moscow, còn Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tiết lộ về động thái sắp tới của ông.

Triển vọng chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn còn rất xa vời bất chấp các nỗ lực ngoại giao nhằm thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình giữa hai bên. Cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ trong tuần qua do Tổng thống Putin đề xuất đã không thể có được đột phá, cho thấy các bên vẫn chưa sẵn sàng đi tới một thỏa thuận. Điều này cũng đặt ra rào cản lớn đối với nỗ lực làm trung gian hòa giải của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Nga điều phái đoàn cấp thấp đến tham gia đàm phán. Ảnh: Getty

Nga điều phái đoàn cấp thấp đến tham gia đàm phán. Ảnh: Getty

Ông Trump đi nước cờ mới

Ông Trump ngày 17/5 cho biết, ông sẽ có cuộc điện đàm với ông Putin vào ngày 19/5, sau đó là các cuộc trò chuyện với Tổng thống Ukraine Zelensky và các thành viên NATO. "Hy vọng đó sẽ là một ngày hiệu quả, lệnh ngừng bắn sẽ diễn ra", ông Trump bày tỏ trên mạng xã hội.

Động thái của Tổng thống Trump diễn ra sau khi Ukraine và Nga có cuộc đàm phán đầu tiên tại Istanbul sau 3 năm tạm dừng. Trước đó, Tổng thống Zelensky cho biết, ông sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Nga. Tuy nhiên, ông Putin đã không đến Istanbul để tham gia đàm phán, thay vào đó, ông giao nhiệm cho một số quan chức trong chính quyền. Một số nhà phân tích cho rằng, các cuộc giao tranh liên tiếp trong thời gian diễn ra đàm phán cũng như việc Nga chưa chấp nhận đề xuất ngừng bắn trong 30 ngày của Mỹ và Ukraine thực sự đã khiến vấn đề bị đóng băng.

Theo Nga, lệnh ngừng bắn sẽ mang lại lợi ích đối với Ukraine, bằng cách cho lực lượng nước này thêm thời gian để tái tập hợp và tái vũ trang. Moscow lập luận rằng, bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào đối với Kiev cũng sẽ không thỏa đáng theo thời gian vì lực lượng Nga đang tiến sâu hơn vào lãnh thổ Ukraine.

Tổng thống Putin đã gửi tín hiệu cho thấy, điều khoản của Nga không thay đổi kể từ khi chiến tranh nổ ra. Những điều khoản đó bao gồm: Ukraine phải nhượng bộ lãnh thổ, cắt giảm quy mô quân đội và không bao giờ gia nhập NATO. Ngoài ra, quân đội NATO không được phép đồn trú tại Ukraine.

Các cơ quan tình báo Ukraine và phương Tây lưu ý, Nga đang tập hợp quân đội ở miền Đông Ukraine để chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới, nhằm chiếm thêm lãnh thổ trước khi hai bên tiến hành thêm các cuộc đàm phán trong tương lai.

Bằng cách cử một phái đoàn cấp thấp tới Istanbul, giống như phái đoàn Nga tham gia đàm phán với Ukraine vào năm 2022, Tổng thống Putin dường như muốn xác định một lập trường mà Ukraine sẽ cho là không thể chấp nhận được, học giả Thomas Graham, tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ nhận định. Ông Graham lưu ý rằng trong các cuộc đàm phán ở giai đoạn đầu cuộc chiến, quân đội Nga vẫn chưa có được lợi thế lớn như bây giờ.

Chiến lược cứng rắn của Tổng thống Putin có khả năng làm mất lòng Tổng thống Trump khi hai bên nỗ lực phá băng trong quan hệ song phương. Thời gian gần đây, ông Trump đã nhiều lần cảnh báo Nga khi chịu áp lực ngày càng gia tăng trong nước về việc thắt chặt lệnh trừng phạt đối với Moscow. Các nhà lãnh đạo châu Âu dường như cũng tranh thủ thời cơ thuyết phục Tổng thống Trump hành động mạnh mẽ hơn, buộc Nga phải chấp nhận một lệnh ngừng bắn kéo dài.

"Ông Putin đã tự đặt bản thân ông ấy vào tình thế bất lợi khi không xuất hiện trong cuộc đàm phán. Bây giờ chúng tôi sẽ cố gắng mọi cách để giúp Ukraine tăng cường tự vệ trước cuộc tấn công của Nga. Cuối cùng Tổng thống Putin sẽ hiểu rằng ông ấy không thể tiếp tục làm như vậy", Thủ tướng Đức Friedrich Merz nhấn mạnh.

Châu Âu ra tối hậu thư

Giới quan sát cho rằng, cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga tại Istanbul là đỉnh cao của một chiến lược ngoại giao mà các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Anh và Ba Lan lên kế hoạch kỹ lưỡng. Sau cuộc tranh cãi nảy lửa giữa ông Zelensky và ông Trump tại Nhà Trắng hồi tháng 2/2025, họ khuyên ông Zelensky chấp nhận vô điều kiện các yêu cầu của Trump, trong đó có cả lời kêu gọi ngừng bắn, một số quan chức châu Âu cho biết.

Bốn nhà lãnh đạo châu Âu đã có một số cuộc điện đàm với với Tổng thống Zelensky trước khi đến thăm Kiev vào tuần trước. Trong chuyến thăm này, họ dường như đã hướng dẫn ông Zelensky xử lý cách tiếp cận khó lường của ông Trump trong việc làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình. Sau đó, họ có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ để thông báo rằng ông Zelensky đã hoàn toàn chấp nhận các đề xuất ngừng bắn của ông.

Tiếp theo, châu Âu đã gửi tối hậu thư, cảnh báo rằng nếu Nga không chấp nhận lệnh ngừng bắn, nước này sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt mới nhằm vào lĩnh vực dầu khí vốn là trụ cột của nền kinh tế Nga. Một số quan chức châu Âu cho rằng, sở dĩ họ có thể thực hiện kế hoạch này là nhờ sự thay đổi trong chính quyền ở Đức. Thủ tướng Đức Friedrich Merz được cho là người theo đuổi lập trường khá cứng rắn với Nga.

Bị bất ngờ trước chiến lược ngoại giao của châu Âu, Tổng thống Nga Putin sau đó đã đề xuất đàm phán hòa bình với Ukraine ở Istanbul.

Động thái của EU, mà các quan chức châu Âu cho là được thực hiện để thuyết phục Trump tin rằng Nga đang tạo ra rào cản lớn cho nỗ lực trung gian hòa giải của ông, là ván cược quan trọng đối với cả Tổng thống Zelensky và một số nhà lãnh đạo châu Âu, nhằm bác bỏ lời chỉ trích của ông Trump cho rằng châu Âu chưa hành động quyết liệt để chấm dứt cuộc chiến tranh trên bộ lớn nhất ở khu vực này kể từ Thế chiến II.

“Điều đó cho phép châu Âu trở thành một phần trong tiến trình hòa bình”, Ivan Krastev, thành viên tại Viện Khoa học Nhân văn ở Vienna, Áo, nhấn mạnh.

“Quả bóng” hiện đang nằm trên sân của Tổng thống Putin. Theo giới phân tích, ông Putin nhiều khả năng sẽ phải tìm lý do để giải thích với ông Trump về việc không tham gia đàm phán hòa bình.

Nhà phân tích Graham cho rằng: “Kết thúc cuộc đàm phán câu hỏi đặt ra là ông Trump sẽ tin ai là người thể hiện tốt hơn?”

Hiện, EU đang soạn thảo các lệnh trừng phạt mới trong đó có lệnh cấm đối với Dòng chảy phương Bắc 2 - một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên quan trọng nối Nga với Đức. Đường ống này đã hoàn thành vào cuối năm 2021 nhưng chưa được đưa vào hoạt động. Một phần của đường ống đã bị hư hỏng trong các vụ tấn công vào năm 2022. Động thái của châu Âu dường như nhằm gia tăng áp lực buộc Mỹ phải hợp tác với họ trong việc thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với Nga, cựu nhà ngoại giao Mỹ John Herbst nhận định. Vẫn chưa rõ liệu tổng thống Mỹ có sẵn sàng sử dụng quyền hạn để gây thêm áp lực cho Nga hay không.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo Wall Street Journal

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/dam-phan-nga-ukraine-chua-the-co-dot-pha-ong-trump-di-nuoc-co-moi-post1200318.vov