Đàm phán thuế quan EU-Mỹ: Cuộc đấu trí 'kẻ tám lạng, người nửa cân', châu Âu rối bời - lùi hay tiến?
Đàm phán thương mại EU-Mỹ đang 'căng như dây đàn' trước hạn chót 1/8. Kịch bản nào cho cuộc chiến thuế quan giữa hai đấu thủ hạng nặng, nhưng cũng là hai đồng minh truyền thống?

Đàm phán thuế quan EU-Mỹ là cuộc đấu trí ‘kẻ tám lạng, người nửa cân’. (Nguồn: Think.ing)
Cao ủy thương mại Liên minh châu Âu (EU) Maros Sefcovic, cho biết khối này hy vọng đạt được thỏa thuận với Mỹ bất chấp lời đe dọa áp thuế 30% của ông chủ Nhà Trắng, nhưng thời gian dường như đang trôi nhanh hơn tới hạn chót - 1/8.
EU sẵn sàng cho "mọi kết quả"
Ông Maros Sefcovic, Trưởng đoàn đàm phán của EU cũng chia sẻ niềm tin rằng, phía Nhà Trắng đã sẵn sàng tiếp tục các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra. Tuy nhiên, những phát biểu này được đưa ra trong bối cảnh EU đang chia rẽ về cách đối phó với mối đe dọa rằng - Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ áp đặt mức thuế 30% lên hàng nhập khẩu từ EU kể từ ngày 1/8 nếu hai bên không đạt được thỏa thuận nào.
Pháp nằm trong số các nước châu Âu kêu gọi một cách tiếp cận cứng rắn, trong khi một số thành viên khác kêu gọi thận trọng, vì lo ngại châu Âu vẫn đang phụ thuộc vào Mỹ về quốc phòng.
Ngoài ra, trường hợp kết quả đàm phán không khả quan, trong số những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra - EU đã chuẩn bị một danh sách thuế quan trị giá 21 tỷ Euro (24,5 tỷ USD) đối với hàng hóa của Mỹ nếu không đạt được thỏa thuận, Bộ trưởng Ngoại giao Italy Antonio Tajani cho biết.
Ông Maros Sefcovic, người đại diện cho 27 quốc gia thành viên EU trong hơn 4 tuần đàm phán thương mại với Mỹ, cho biết, đạt được một thỏa thuận là kết quả khả quan nhất. Nếu không, với mức thuế quan 30% sẽ khiến việc tiếp tục thông thương với Mỹ - hiện đang có giá trị lên tới 4,4 tỷ Euro (5,15 tỷ USD) mỗi ngày, trở nên "gần như bất khả thi", ông Sefcovic cảnh báo trong bài phát biểu khi đến Brussels hội đàm với các bộ trưởng EU.
Trưởng đoàn đàm phán của EU cho biết, sau các cuộc đàm phán, ông và nhóm công tác đã cảm thấy "rất gần với một thỏa thuận". Mục tiêu hàng đầu của ông là chấm dứt tình trạng hỗn loạn do mối đe dọa áp thuế mới nhất do chủ nhân Nhà Trắng tuyên bố, nhưng cũng không quên nói thêm rằng - khối này đã sẵn sàng cho "mọi kết quả".
"Sự bất ổn hiện tại do các mức thuế quan phi lý gây ra không thể kéo dài vô thời hạn", ông Sefcovic chia sẻ với các phóng viên. Nhưng ông cũng nói thêm rằng,"các biện pháp đối phó được cân nhắc kỹ lưỡng và tương xứng" vẫn sẽ được đưa ra thảo luận phòng khả năng không đạt được thỏa thuận nào.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cuối tuần qua đã cố tình trì hoãn thời điểm áp dụng các biện pháp đáp trả thuế quan đối với hàng hóa của Mỹ đến ngày 1/8, thay vì từ 14/7 như kế hoạch trả đũa được công bố trước đó - như một dấu hiệu thiện chí.
Tuy nhiên, dù thông báo lùi nhưng các nhà ngoại giao EU cho biết, một loạt đòn trả đũa khác có thể được áp dụng nếu không đạt thỏa thuận với Washington. Bộ trưởng Thương mại Pháp Laurent Saint-Martin tỏ ra cứng rắn cho biết, không nên có "điều cấm kỵ" trong bất kỳ kế hoạch trả đũa nào, đồng thời nói thêm rằng, tuyên bố của người đứng đầu nước Mỹ đồng nghĩa với việc khối này phải xem xét lại chiến thuật của mình.
“Hai đấu thủ hạng nặng”, ai sẽ nhượng bộ?
Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen, quốc gia hiện đang giữ chức Chủ tịch EU, cũng kêu gọi một cách tiếp cận cứng rắn hơn.
"Nếu bạn còn e ngại bất cứ điều gì, bạn sẽ không thể củng cố được vị thế của mình trong các cuộc đàm phán", ông phát biểu tại các cuộc đàm phán ở Brussels. "Rõ ràng, tình hình kể từ ngày 12/7 (ngày Tổng thống Trump phát ngôn về mức thuế đối ứng với EU) đòi hỏi chúng ta phải thay đổi chiến lược".
"Chúng tôi muốn một thỏa thuận nhưng có một câu nói cũ rằng, “nếu muốn hòa bình, bạn phải chuẩn bị cho chiến tranh'", Ngoại trưởng Đan Mạch nói.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Friedrich Merz có vẻ mềm mỏng hơn khi cho biết, khoảng hai tuần còn lại trước hạn 1/8 phải được tận dụng để đạt được thỏa thuận. "Tôi sẽ làm việc rất tích cực để đạt được thỏa thuận", ông chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình ARD cuối tuần qua.
Nhà lãnh đạo nền kinh tế số 1 châu Âu nói rằng, giống như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ông ủng hộ việc áp đặt thuế quan trả đũa mạnh mẽ nếu lời đe dọa của Tổng thống Mỹ thành hiện thực, nhưng "không phải trước ngày 1/8", ông nhấn mạnh về thời điểm.
Thủ tướng Đức đồng thời đưa ra một cảnh báo khẩn cấp về hậu quả đối với nền kinh tế nước này nếu không đạt được thỏa thuận. "Nếu điều đó xảy ra, thì chúng ta có thể quên đi phần lớn nỗ lực của mình về chính sách kinh tế, bởi vì nó sẽ làm lu mờ tất cả và tác động mạnh lên nền kinh tế xuất khẩu cốt lõi của Đức", ông cảnh báo.
Tất nhiên, cuộc chiến thương mại hiện nay giữa EU-Mỹ không phải là điều gì mới mẻ. Một số tranh chấp thương mại lớn trước đây đã từng khiến hai đồng minh truyền thống đối đầu nhau. Từ cuộc chiến thịt gà, cuộc chiến chuối, đến câu chuyện không hồi kết giữa Boeing/Airbus… đã từng làm nổi bật quá khứ lịch sử bất đồng về kinh tế trong liên minh xuyên Đại Tây Dương và điểm nổi bật là thua thiệt chia đều cho hai bên, không ai thực sự là bên thắng trong một cuộc chiến thương mại.
Tuy nhiên, cuộc chiến thuế quan lần này cho thấy những dấu hiệu leo thang tiềm tàng vượt xa những bất đồng trước đây. Theo giới phân tích, cuộc đàm phán thương mại EU-Mỹ lần này diễn ra trong bối cảnh đặc biệt căng thẳng, phản ánh sự khác biệt căn bản về cả lợi ích và cách tiếp cận giữa hai bờ Đại Tây Dương.
Quan hệ thương mại EU-Mỹ là trụ cột quan trọng của kinh tế toàn cầu, với kim ngạch hàng hóa năm 2024 đạt trên 970 tỷ USD. Có thể thấy, động lực chính thúc đẩy phía Mỹ là mức thâm hụt hàng hóa khổng lồ với EU (235,6 tỷ USD năm 2024). Chính quyền Tổng thống Trump coi đây là dấu hiệu cho thấy các thỏa thuận hiện tại “không công bằng”, lập luận rằng EU bán sang Mỹ nhiều hơn rất nhiều so với mua về, hàm ý châu Âu đang “lợi dụng” Washington.
Tuy nhiên, phía Mỹ ít nhắc đến việc nền kinh tế này cũng đang xuất siêu hàng trăm tỷ USD dịch vụ và công nghệ sang EU (khoảng 109 tỷ Euro).
Mỹ và EU đều là những “đấu thủ hạng nặng” với vũ khí thương mại trong tay. Mỹ có lợi thế thị trường tiêu thụ khổng lồ mà các hãng EU khó thay thế trong ngắn hạn (đặc biệt là ô tô cao cấp, máy bay, thiết bị công nghiệp). Ngược lại, EU cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Mỹ, nếu khối này hành động thống nhất, họ có sức nặng tương đương Trung Quốc trong cuộc chơi thương mại.
Chuyên gia Miguel Otero của Viện Elcano, Tây Ban Nha chỉ ra rằng, Mỹ “có rất nhiều thứ để mất” nếu chiến tranh thương mại với EU bùng nổ, bởi EU là thị trường không thể để mất của các công ty Mỹ, nhất là trong các lĩnh vực Mỹ xuất siêu lớn như dịch vụ tài chính, công nghệ số, giải trí.
EU đã cho thấy họ có thể nhắm vào những ngành nhạy cảm của Mỹ, như đánh thuế rượu bourbon, xe moto Harley-Davidson, nông sản chủ chốt, những sản phẩm đến từ các bang có ảnh hưởng chính trị như Kentucky, Wisconsin… Đòn trả đũa trị giá 95 tỷ Euro mà EU chuẩn bị chắc chắn sẽ gây đau đớn cho nhiều doanh nghiệp và lao động Mỹ.
Những vấn đề trên lý giải vì sao cả Mỹ lẫn EU đều tỏ ra thận trọng. Mỹ dù mạnh tay nhưng vẫn chừa cửa đàm phán 90 ngày; EU dù dọa trả đũa nhưng cũng trì hoãn thực thi, để chờ động thái của đối tác.
Tổng hợp các yếu tố trên, có thể thấy đàm phán EU-Mỹ đang ở giai đoạn giằng co quyết liệt, phản ánh lợi ích cốt lõi của mỗi bên khó dung hòa trong ngắn hạn. Đến nay, sự thiếu tin tưởng lẫn nhau là rào cản lớn, Mỹ nghi EU muốn “câu giờ” mà không thay đổi thực chất trong quan hệ thương mại, còn EU lo ngại Mỹ không tuân thủ luật chơi đa phương.
Tất nhiên, cả hai hiểu rằng, xung đột leo thang sẽ là kịch bản cùng mất mát, nên đều để ngỏ cánh cửa thỏa hiệp. Điều này tạo hy vọng, với áp lực kinh tế và chính trị, hai bên có thể tìm được điểm chung để tiến tới giải pháp tạm thời, thay vì lao vào cuộc chiến hao tổn kéo dài.