Đàm phán thương mại khó có thể nối lại mối quan hệ Mỹ - Trung
Các quan chức Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ tái khởi động đàm phán thương mại vào cuối tuần này. Nhiều người cho rằng, bất kỳ thỏa thuận nào mà 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt được cũng chỉ là giải pháp tạm thời.
Cuộc chiến thương mại đã dần trở thành xung đột chính trị và ý thức hệ, vượt xa vấn đề thuế quan, các chuyên gia thương mại, giám đốc điều hành và quan chức ở cả hai nước nhận định.
Trung Quốc ít có khả năng đáp ứng yêu cầu từ Mỹ về thay đổi căn bản cách vận hành nền kinh tế. Trong khi Mỹ sẽ tiếp tục coi các công ty Trung Quốc là mối đe dọa an ninh quốc gia.
Xung đột giữa hai nước có thể mất một thập kỷ để giải quyết, cố vấn kinh tế Nhà Trắng ông Larry Kudlow cảnh báo vào ngày 6/9. Yu Yongding, cựu cố vấn chính sách có tầm ảnh hưởng đến ngân hàng trung ương Trung Quốc, nói với Reuters rằng Trung Quốc không vội đạt thỏa thuận.
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình có thể đưa ra một thỏa thuận tạm thời vào tháng 10 để làm dịu thị trường chứng khoán và giành chiến thắng chính trị sau các cuộc đàm phán cấp thấp hơn trong tuần này.
Nhưng bất kỳ thỏa thuận cuối cùng nào cũng rất khó có thể là giải pháp tối ưu cho vấn đề cải cách cấu trúc của Trung Quốc mà Mỹ và các nước khác tìm kiếm, Kellie Meiman Hock, cựu quan chức Đại diện Thương mại Mỹ, thành viên của McLarty Associates, đơn vị tư vấn chính sách và chính phủ, cho biết.
Các nhà đàm phán đã không đạt được nhiều tiến bộ rõ rệt về những bất đồng kể từ khi các cuộc đàm phán thất bại vào tháng 5, các nguồn thạo tin cho biết.
Chia tách vấn đề
Bắc Kinh không sẵn lòng giải quyết việc nước này hỗ trợ các công ty nhà nước và trợ cấp các sản phẩm trong các cuộc đàm phán sắp tới, theo nguồn tin ở Trung Quốc và Hoa Kỳ. Mỹ tiếp tục coi công ty công nghệ Trung Quốc Huawei là mối đe dọa an ninh quốc gia và đe dọa áp thêm thuế với Trung Quốc.
Ông He Weiwen, thành viên cao cấp của Viện nghiên cứu tài chính Chongyang tại Đại học Renmin cho biết, “kết quả cuối cùng của các cuộc đàm phán là giảm tất cả các mức thuế. Đây là nền tảng cho đàm phán của Trung Quốc”. Ông không lạc quan về triển vọng của các cuộc đàm phán.
Kể từ khi các cuộc đàm phán thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới thất bại vào tháng 5, cả hai nước cũng đã phá bỏ cam kết và đưa ra những chỉ trích công khai. Các nhà phân tích cho biết, tình hình tuy lạc quan, nhưng một dòng tweet của Trump cũng có thể thay đổi điều đó.
“Cả hai nhà lãnh đạo đều làm giảm nỗ lực đàm phán và không bên nào có thể trông chờ vào cam kết của đối phương”, William Reinsch, cựu quan chức cấp cao của Bộ Thương mại và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nói.
'Sự thay đổi căn bản'
Lập trường cứng rắn với Trung Quốc của ông Trump đã khơi dậy cái nhìn khác về Bắc Kinh ở Washington, bất chấp các chính sách không phổ biến khác của ông. Quốc hội Hoa Kỳ, bị chia rẽ theo các đảng phái về hầu hết các vấn đề, thống nhất rằng cần phải cải cách hệ thống ở Trung Quốc.
Rất ít có khả năng đảng Dân chủ đối đầu với ông Trump sẽ sửa chữa mối quan hệ với Trung Quốc nếu họ trở thành chủ nhân Nhà Trắng vào năm 2020. Trong một cuộc tranh luận vào ngày 12/9, các ứng viên tổng thống đã sử dụng các thuật ngữ như tham nhũng và trộm cắp để nói về hoạt động thương mại của Trung Quốc.
“Đã có sự thay đổi căn bản. Ý tưởng trước đây rằng Trung Quốc đang thực hiện cải cách kinh tế thị trường tự do theo cách của chúng ta đã không còn giá trị. Hai đảng đối lập cùng ủng hộ chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc”, Warren Maruyama, cựu cố vấn của văn phòng đại diện thương mại Mỹ và là đối tác của công ty luật Hogan Lovells nói.
Các nhà lập pháp đang phản ứng, bằng hàng loạt dự luật liên quan đến Trung Quốc đưa lên quốc hội.
Ngoài ra, Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Quốc gia năm 2020, hay NDAA, có thể bao gồm các điều khoản nhắm vào Trung Quốc trong các vấn đề từ chuyển giao công nghệ đến bán thuốc giảm đau tổng hợp.