Đàm phán thương mại Mỹ - Trung giậm chân tại chỗ!
Dù cả Mỹ và Trung Quốc đều hối thúc đối phương tạo điều kiện cho đàm phán, nhưng các bước đi mang tính 'ăn miếng, trả miếng' của hai bên những ngày đầu tháng 9 khiến triển vọng sớm đạt được một thỏa thuận chấm dứt cuộc 'chiến tranh thương mại' trở nên xa vời.
Trong tuyên bố phát đi ngày 3-9 (giờ Mỹ) trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Trung Quốc nên nỗ lực đi đến một thỏa thuận thương mại với Washington trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11-2020, nếu không, Bắc Kinh có nguy cơ sẽ phải đối mặt với một cuộc đàm phán khó khăn hơn nhiều trong nhiệm kỳ thứ hai của ông.
“Thử nghĩ xem điều gì sẽ xảy ra với Trung Quốc khi tôi thắng cử”, ông Trump viết. “Thỏa thuận sẽ trở nên khó hơn nhiều!”. Trong dòng tweet, ông chủ Nhà Trắng một lần nữa cáo buộc Trung Quốc đang muốn trì hoãn đàm phán với chính quyền của ông nhằm tìm kiếm một thỏa thuận thương mại có lợi hơn với chính quyền mới của Mỹ sau cuộc bầu cử năm 2020.
Tổng thống Mỹ cũng khẳng định, đội ngũ của ông “đang làm rất tốt” trong các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc và nhấn mạnh, đòn thuế quan do Mỹ khởi xướng đã khiến nền kinh tế Trung Quốc phải gồng mình chịu trận.
Lời cảnh báo trên được ông Trump đưa ra trong bối cảnh quan chức Mỹ và Trung Quốc chưa thể nhất trí về lịch trình cho vòng đàm phán thương mại dự kiến diễn ra trong tháng 9 này ở Washington, sau khi vòng đàm phán gần nhất kết thúc thất bại ở Thượng Hải.
Thời báo tài chính Bloomberg dẫn lời các quan chức Mỹ tiết lộ, Bắc Kinh và Washington đã không thể nhất trí ở ít nhất hai vấn đề, một là đề xuất của Mỹ về thiết lập thông số cụ thể cho vòng đàm phán sắp tới và hai là đề xuất của Trung Quốc về hoãn áp thuế quan mới. Hôm 1-9, Mỹ đã chính thức áp mức thuế bổ sung 15% với lô hàng hóa đầu tiên có giá trị 112 tỷ USD, phần đầu của kế hoạch áp thuế 300 tỷ USD hàng Trung Quốc được ông Trump tuyên bố hôm 23-8.
Số hàng hóa Trung Quốc trị giá hơn 185 tỷ USD còn lại sẽ bị Mỹ áp thuế bổ sung 15% từ ngày 15-12, còn lô hàng 250 tỷ USD đang chịu thuế 25% sẽ bị áp mức thuế mới là 30% từ ngày 1-10. Như đã tuyên bố từ trước, Trung Quốc lập tức trả đũa bằng cách đánh thuế bổ sung 5-10% lên lô đầu tiên trong kế hoạch áp thuế 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ.
Trong bước đi thể hiện sự cương quyết hơn với Washington, Bộ Tài chính Trung Quốc một mặt hối thúc Mỹ tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán, mặt khác thông báo họ đã nộp đơn kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về việc Mỹ áp thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc.
Tuyên bố của phía Bắc Kinh không nêu rõ chi tiết của đơn kiện gửi WTO, nhưng khẳng định hành động thuế quan mới nhất của Mỹ vi phạm sự đồng thuận mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đạt được với Tổng thống Trump nhân cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản cuối tháng 6.
Bắc Kinh khẳng định sẽ bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình phù hợp với các nguyên tắc của WTO. Tuy nhiên, giới chức Mỹ bác bỏ lập luận của Trung Quốc và nói rằng, các gói áp thuế là biện pháp trừng phạt hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ của Bắc Kinh - một vấn đề không nằm trong phạm vi quy định của WTO.
Vụ kiện này đánh dấu lần thứ ba Trung Quốc có động thái thách thức pháp lý ở WTO đối với thuế quan mà ông Trump áp lên hàng hóa nước này, nhưng bước đi của Trung Quốc được cho là sẽ không mang lại kết quả đáng kể bởi, dù đi kiện Mỹ, song chính Bắc Kinh cũng đáp trả Washington bằng cách tăng thuế đối hàng hóa mà không được sự chấp thuận của WTO.
Các động thái “ăn miếng, trả miếng” mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc đánh dấu bước leo thang nguy hiểm trong cuộc thương chiến kéo dài một năm rưỡi qua giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Dù cả Mỹ và Trung Quốc đều hối thúc đối phương đàm phán, song chưa bên nào cho thấy thái độ nhượng bộ.
Reuters ngày 3-9 dẫn thống kê của giới chức Mỹ nhận định, nền kinh tế nước này đang bị xáo trộn vì cuộc thương chiến với Trung Quốc. Ngành sản xuất tại Mỹ đã lần đầu suy giảm trong 3 năm vào tháng 8 vừa rồi, còn chỉ số S&P500 của chứng khoán phố Wall đã giảm 1,8% do nhà đầu tư mất niềm tin vào các tài sản rủi ro.
Về phía Trung Quốc, do là nước có lượng hàng hóa xuất khẩu nhiều hơn nên thiệt hại mà Bắc Kinh gánh chịu cũng lớn hơn. Số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố hôm 1-9 cho thấy, chỉ số nhà quản trị thu-mua hàng hóa (PMI) của nước này đã giảm xuống mức 49,5 điểm – minh chứng của sự sụt giảm của ngành sản xuất.
Tăng trưởng GDP quý II của Trung Quốc năm nay chỉ đạt 6,2%, thấp nhất trong 30 năm qua. Tranh chấp thương mại cũng làm trầm trọng thêm những lo ngại về đà phát triển của Trung Quốc và góp phần vào căng thẳng ngoại giao khi Mỹ gần đây có nhiều bình luận về Hong Kong và Đài Loan.
SCMP cho biết, Bắc Kinh gần đây đã công bố nhiều biện pháp giảm bớt tác động từ các gói thuế quan của Mỹ, song giới chuyên gia nói rằng, Trung Quốc dường như đang chuẩn bị cho một cuộc chiến kinh tế kéo dài như chiến tranh thương mại Mỹ-Nhật vào những năm 1980.
Đối với kinh tế toàn cầu, chuyên gia Louis Kuijs của Tập đoàn Oxford Economics nói rằng, Hong Kong, Singapore, hay thậm chí Nhật Bản sẽ là những nền kinh tế đầu tiên bị ảnh hưởng bởi cuộc thương chiến leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, sau đó là các nền kinh tế mở cửa khác ở châu Á và châu Âu, bởi chuỗi cung ứng hàng hóa, nhất là các mặt hàng điện tử bị ảnh hưởng mạnh.
Trong khi đó, Donald Straszheim, Trưởng bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc của Evercore, nhận định: “Quan hệ Trung-Mỹ đã giảm xuống một mức đáy mới… Cả hai bên đều có nhiều giới hạn đỏ không thể nhượng bộ trong các vấn đề chuyển giao công nghệ, tiếp cận thị trường, tỷ giá, và cơ chế thực thi một thỏa thuận nếu có”. Theo Straszheim, giới doanh nghiệp và các nền kinh tế thế giới rõ ràng phải bắt đầu tính đến khả năng cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ kéo dài nhiều năm và dù có đạt thỏa thuận trong tương lai, quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế này sẽ khó trở lại trạng thái giống như cách đây một thập niên.