Đàm phán thương mại Mỹ-Trung: Hi vọng mong manh!

Ngày 30-7 các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu nối lại đàm phán tại TP Thượng Hải, với việc thực hiện các bước đi thăm dò nhằm vượt qua sự ngờ vực lẫn nhau và đạt được một thỏa thuận với những đột phá sau nhiều tuần đàm phán rơi vào đình trệ khi hai bên cáo buộc lẫn nhau đi ngược lại thỏa thuận ban đầu đạt được trong các vòng đàm phán trước đó.

Tuy nhiên, sự kiện này diễn ra trong bối cảnh hai nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn đang tồn tại nhiều bất đồng và nghi ngờ, nên hi vọng tạo được những bước đột phá vẫn như sợi chỉ mành mong manh!

Đoàn đàm phán của Mỹ do đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu đã có bữa ăn tối cùng đoàn đàm phán Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu tại khách sạn Fairmont Peace bên bờ sông Hoàng Phố của TP Thượng Hải. Vòng đàm phán chính thức giữa hai bên diễn ra tại một nhà khách chính phủ ở phía Tây TP vào ngày 31-7.

Tiến trình đàm phán được nối lại sau một thời gian gián đoạn do những bất đồng gay gắt giữa hai bên. Hiện cả Mỹ và Trung Quốc đều đang chờ đợi sự thể hiện thiện chí của nhau. Mỹ muốn nhận được đơn đặt hàng mua các sản phẩm nông sản của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc muốn Washington nới lỏng những hạn chế với nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu Huawei trong việc tiếp cận công nghệ Mỹ. Ông James Green - cựu quan chức ngoại giao Mỹ và hiện là cố vấn cho Cty tư vấn McLarty Associates, nhận định, “mặc dù hai bên có thể đạt được một số bước tiến nhỏ và sự đồng thuận trong một số lĩnh vực nhằm xây dựng lòng tin, nhưng trong các cuộc đàm phán, hai bên sẽ không quyết định được vấn đề gì cho tới khi mọi thứ được giải quyết”.

Cả Mỹ và Trung Quốc đều đang chịu tổn thất vì chiến tranh thương mại. Ảnh tư liệu

Cả Mỹ và Trung Quốc đều đang chịu tổn thất vì chiến tranh thương mại. Ảnh tư liệu

Ngoài những tiến bộ nhỏ đạt được, sẽ không có nhiều kỳ vọng về việc hai bên sẽ đạt được đột phá trong giải quyết các bất đồng thương mại gây chao đảo thị trường toàn cầu trong thời gian qua và khiến hai nước áp thuế lên gói hàng hóa trị giá hơn 300 triệu USD trong tổng số 600 triệu USD tiền hàng hóa giao dịch giữa hai nước.

Sau vòng đàm phán diễn ra tại Washington mà không đạt được thỏa thuận nào vào tháng 5 vừa qua, hai bên lên tiếng cáo buộc nhau vì sự đổ vỡ và áp dụng các biện pháp từ việc Mỹ áp đặt hạn chế đối với Huawei tới các quy tắc mới của Trung Quốc về an ninh mạng, gây khó khăn cho khả năng hai bên tiến tới một thỏa thuận lớn hơn. Ông Eric Zheng, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải đánh giá rằng, “những thách thức còn lại là những thách thức khó giải quyết nhất” và “một vòng đàm phán ở Thượng Hải khó có thể giải quyết được”.

Hiện các nhà đàm phán Mỹ đang nỗ lực xem có thể cứu vãn những gì từ dự thảo thỏa thuận đạt được trong các vòng đàm phán trước giữa hai bên. Theo đó, Mỹ yêu cầu Bắc Kinh thực hiện các thay đổi về cấu trúc và pháp lý để giảm bớt các khoản trợ cấp và yêu cầu chuyển giao công nghệ mà phía Mỹ cho rằng không công bằng. Tuy nhiên, phía Trung Quốc cuối cùng đã “trở cờ” vào phút chót.

Một trong những lĩnh vực đàm phán quan trọng là nông nghiệp. Cuộc tranh chấp thương mại đã chứng việc Bắc Kinh nhắm mục tiêu vào các nông dân Mỹ, bao gồm cả những người cung cấp các sản phẩm nông nghiệp như thịt, ngũ cốc và đậu nành, để trả đũa các mức thuế quan mà Mỹ áp đặt với các sản phẩm của Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong một động thái thể hiện sự thiện chí rõ ràng trước cuộc hội đàm vào tuần trước, Trung Quốc cho biết họ đã mua vài triệu tấn đậu nành của Mỹ kể từ khi Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh G20 hồi tháng 6. Đây được coi là một hành động tích cực, giúp làm dịu đi sự nhạy cảm trong ngành nông nghiệp. Bắc Kinh cho biết họ có thể mua thêm nhiều sản phẩm nông nghiệp của Mỹ hơn. Tuy nhiên, mọi quyết định sẽ xoay quanh cách các cuộc đàm phán trong vài ngày tới sẽ diễn ra như thế nào và hai bên có thể xây dựng lòng tin đến mức độ nào.

Sau cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, hai bên đồng ý nối lại đàm phán với điều kiện Trung Quốc sẽ mua các mặt hàng nông sản của Mỹ, ngược lại Mỹ sẽ cho phép các Cty của nước này tiếp tục bán hàng cho Huawei. Mặc dù vậy, tiến độ thực hiện những nhượng bộ đó vẫn còn chậm. Tuy Bắc Kinh nói rằng đã mua hàng triệu tấn đậu nành của Mỹ kể từ khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau vào cuối tháng 6 và Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng nói rằng nước này đã vận chuyển hơn 1 triệu tấn đậu nành sang Trung Quốc trong ba tuần, kết thúc vào ngày 18-7, nhưng trên Twitter, ông Trump nói rằng “Trung Quốc được cho là đã mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ hiện nay, nhưng không có dấu hiệu cho thấy họ đang làm vậy. Đó là vấn đề với Trung Quốc, họ không thực hiện”.

Cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra tại Thượng Hải là cuộc đàm phán trực tiếp thứ 12 giữa hai nước. Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng vòng đàm phán này là một sự khởi động mang tính biểu tượng và các nhà lãnh đạo Bắc Kinh có đủ khả năng để kéo dài các cuộc đàm phán tới năm sau bởi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có thể khiến ông Trump chấp nhận thỏa thuận. Tuy nhiên, ngay trong sáng 30-7, Tổng thống Trump đã đăng một loạt các dòng trạng thái trên Twitter nhằm gia tăng sức ép đối với Bắc Kinh để nhanh chóng đạt được một thỏa thuận, đồng thời cảnh báo Trung Quốc không nên đợi nhiệm kỳ đầu tiên của ông kết thúc mới ký bất kỳ thỏa thuận thương mại nào.

Tổng thống Trump cũng cho biết nếu ông tái đắc cử tổng thống vào tháng 11-2020, hai bên sẽ không đạt được thỏa thuận nào, hoặc nếu có sẽ là một thỏa thuận còn tồi tệ hơn.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/dam-phan-thuong-mai-my-trung-hi-vong-mong-manh-157262.html