Năm điểm then chốt trong 'sứ mạng hòa bình' của Thủ tướng Hungary Orban

Thủ tướng Hungary bất ngờ tới Nga chỉ vài ngày sau khi tới thăm Ukraine theo cách tương tự. Chuyến thăm mang 'sứ mạng hòa bình' của ông đã xác nhận rõ hơn về viễn cảnh của cuộc xung đột tại Ukraine.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban bắt tay Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp ở Moskva ngày 5/7/2024. Ảnh: Sputnik

Thủ tướng Hungary Viktor Orban bắt tay Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp ở Moskva ngày 5/7/2024. Ảnh: Sputnik

Thủ tướng Hungary Viktor Orban bất ngờ đến thăm Nga hôm 5/7, gặp Tổng thống Vladimir Putin để thảo luận cách giải quyết xung đột Ukraine. Chuyến đi đã gây ra sự phẫn nộ trong các nhà lãnh đạo EU của Orban, vì nó diễn ra chỉ vài ngày sau khi Thủ tướng Hungary thực hiện chuyến đi không báo trước tương tự tới Ukraine.

Hungary giữ chức Chủ tịch luân phiên EU trong thời gian còn lại của năm nay. Tuy nhiên, ông Orban đã tuyên bố rằng ông không đòi hỏi bất kỳ sự ủy nhiệm nào từ Brussels để thúc đẩy hòa bình, đồng thời lưu ý rằng các cuộc thảo luận của ông không được coi là các cuộc đàm phán chính thức.

Sứ mạng hòa bình

Orban cho biết chuyến đi của ông là bước đầu tiên để khôi phục đối thoại. Là người chỉ trích viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine, Thủ tướng Hungary thừa nhận ông không được EU ủy quyền cho các chuyến đi này nhưng theo ông, hòa bình không thể đạt được “từ một chiếc ghế bành thoải mái ở Brussels”.

“Chúng ta không thể ngồi yên chờ chiến tranh kết thúc một cách kỳ diệu”, ông viết trên mạng xã hội X trước khi gặp Tổng thống Putin.

Thủ tướng Orban đã đến thăm Kiev vào đầu tuần này, tại đây ông đã kêu gọi Tổng thống Volodymyr Zelensky tìm kiếm hòa bình với Nga, cho rằng lệnh ngừng bắn có thể coi là bước đầu tiên đi đúng hướng. Nhà lãnh đạo Ukraine đã không chấp nhận đề xuất của ông, theo lời Orban cho biết sau đó. Nhà lãnh đạo của Kiev khẳng định chỉ có chiến thắng quân sự mới mang lại “hòa bình công bằng”.

“Lối thoát ngắn nhất” cho xung đột Ukraine

Thủ tướng Hungary cho biết ông muốn lắng nghe trực tiếp từ ông Putin về việc Nga nhìn nhận các sáng kiến hòa bình khác nhau như thế nào, và gọi đây là một bước quan trọng, mặc dù cuộc thảo luận thẳng thắn đã xác nhận rằng có sự rạn nứt lớn giữa các bên xung đột.

Thủ tướng Viktor Orban cùng Tổng thống Volodymyr Zelensky tại họp báo ở Kiev hôm 2/7/2024. Ảnh: Volodymyr Zelensky/X

Thủ tướng Viktor Orban cùng Tổng thống Volodymyr Zelensky tại họp báo ở Kiev hôm 2/7/2024. Ảnh: Volodymyr Zelensky/X

Hai nhà lãnh đạo Putin và Orban đã thảo luận về “lối thoát ngắn nhất” cho cuộc xung đột – theo tiết lộ sau đó của ông Orban với các nhà báo. Lập trường của Moskva và Kiev vẫn còn rất “cách xa nhau”, Thủ tướng Hungary thừa nhận.

“Rất nhiều bước cần phải được thực hiện để tiến gần hơn tới một giải pháp cho cuộc chiến. Tuy nhiên, chúng tôi đã thực hiện bước quan trọng nhất – thiết lập mối liên hệ và tôi sẽ tiếp tục làm việc này trong tương lai”, ông Orban nói.

Tầm nhìn của Moskva

Tổng thống Putin đã nói với Thủ tướng Hungary rằng ông đã trình bày tầm nhìn của mình về cách giải quyết xung đột trong bài phát biểu quan trọng tại Bộ Ngoại giao Nga vào tháng trước và cho biết sẵn sàng thảo luận về nó.

Đề xuất mà ông Putin đề cập đến là đình chỉ các hoạt động thù địch ngay sau khi Kiev từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO và ra lệnh cho quân đội rút lui khỏi tất cả các vùng lãnh thổ mà Moskva tuyên bố chủ quyền. Sau đó, ông Putin gợi ý rằng một cuộc thảo luận toàn diện về cấu trúc an ninh mới ở châu Âu có thể được tổ chức. Tuy nhiên, chính phủ Ukraine đã từ chối lời đề nghị này.

Tổng thống Nga đã nhắc lại sự sẵn sàng của Moskva trong việc giải quyết tình trạng thù địch thông qua đàm phán. Tuy nhiên, theo ông Putin, giới lãnh đạo Ukraine dường như vẫn không thể từ bỏ ý tưởng tiến hành chiến tranh “đến cùng”.

Tổng thống Nga nói rằng Moskva đang tìm cách đạt được hòa bình lâu dài, bền vững thay vì lựa chọn ngừng bắn tạm thời hoặc “xung đột đóng băng” dưới bất kỳ hình thức nào. Theo ông, không nên có “một lệnh ngừng bắn hoặc một hình thức tạm dừng nào đó mà chế độ Kiev có thể sử dụng để khắc phục tổn thất, tập hợp lại và tái vũ trang. Nga ủng hộ việc một sự chấm dứt hoàn toàn và cuối cùng cho cuộc xung đột”.

Cơn thịnh nộ ở Brussels

Chuyến đi tới Moskva đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo và quan chức EU, dù trước đó Thủ tướng Orban đã khẳng định ông không đại diện cho liên minh.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cáo buộc Thủ tướng Hungary "xoa dịu" đối với ông Putin. Bà khẳng định: “Chỉ có sự đoàn kết và quyết tâm mới mở đường cho một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài ở Ukraine”.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng chuyến thăm Nga của Orban không liên quan gì đến EU và quan điểm của khối này về cuộc xung đột vẫn không thay đổi.

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, một người ủng hộ mạnh mẽ Kiev, cũng đã chỉ trích ông Orban ngay khi tin đồn về chuyến thăm sắp diễn ra của ông bắt đầu lan truyền trên các phương tiện truyền thông hôm 4/7. Ông Tusk khẳng định ông không thể tin được một chuyến thăm như vậy lại có thể diễn ra.

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas, người dự kiến trở thành người đứng đầu chính sách đối ngoại và an ninh tiếp theo của EU, cho rằng Thủ tướng Hungary có ý định “gieo rắc sự nhầm lẫn”.

Tác động rộng lớn hơn của xung đột Ukraine

Thủ tướng Hungary cho rằng cuộc xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine đang ảnh hưởng đến khu vực châu Âu rộng lớn hơn, trong khi “lục địa già” chỉ có thể phát biển nhanh chóng và bền vững nhất trong thời bình.

Trong những phát biểu công khai trước đây, ông Orban bày tỏ lo ngại rằng quyết tâm của phương Tây leo thang xung đột Ukraine có thể dẫn đến một cuộc đụng độ trực tiếp với Nga, gây ra hậu quả thảm khốc cho tất cả những người liên quan. Budapest lập luận rằng những đòn trừng phạt kinh tế do xung đột gây ra đã gây tổn hại cho các quốc gia EU nhiều hơn Nga và chúng cũng đã thất bại trong việc buộc Moskva phải nhượng bộ.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo RT)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/nam-diem-then-chot-trong-su-mang-hoa-binh-cua-thu-tuong-hungary-orban-20240706122754905.htm