Đàm phán thương mại Mỹ-Trung: Kỳ vọng thành công không quá cao
Các nguồn tin thân cận cho biết đoàn quan chức cấp cao của Mỹ ngày 30/7 đã đến thành phố Thượng Hải để nối lại các cuộc đàm phán thương mại với phía Trung Quốc sau một thời gian gián đoạn.
Tuy nhiên, cả giới chức lẫn các chuyên gia đều hạ thấp kỳ vọng về khả năng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ đạt được một thỏa thuận ngay lập tức sau vòng đàm phán này.
Theo kế hoạch, cuộc đàm phán tại Thượng Hải sẽ kéo dài từ ngày 30-31/7. Thông báo của Nhà Trắng cho biết vòng đàm phán này sẽ gồm nhiều vấn đề như sở hữu trí tuệ, ép buộc chuyển giao công nghệ, các rào cản phi thuế quan, nông nghiệp, dịch vụ, thâm hụt thương mại và thực thi pháp luật.
Đoàn đàm phán của Mỹ có sự góp mặt của Đại diện Thương mại Robert Lightingzer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, trong khi Phó Thủ tướng Lưu Hạc sẽ tiếp tục dẫn đầu phái đoàn của phía Trung Quốc.
Đây là cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên kể từ sau khi nguyên thủ quốc gia hai nước nhất trí "đình chiến thương mại" tại một cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Osaka (Nhật Bản) cuối tháng Sáu vừa qua.
Tuy nhiên trước thềm cuộc đàm phán lần này, các quan chức của cả hai bên đều hạ thấp kỳ vọng về kết quả đàm phán.
Hồi tuần trước, ông Mnuchin đã trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình CNBC rằng hai bên vẫn còn "rất nhiều vấn đề" để giải quyết, trong khi truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng các cuộc đàm phán thương mại sẽ mất nhiều thời gian. Hai bên cũng không hề đưa ra những lời hoa mỹ nào trước cuộc gặp tuần này.
Song với giới chuyên gia, việc tái khởi động các cuộc đàm phán thương mại vẫn là một tín hiệu tích cực, ngay cả khi có rất ít hy vọng về một thỏa thuận này.
Ông Jake Parker, Phó Chủ tịch của Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-Trung, nói rằng trên thực tế, vòng đàm phán này là nhằm làm rõ quan điểm và lập trường của mỗi bên sau một thời gian dài im lặng. Mỹ và Trung Quốc cũng cần phải tập trung vào việc xây dựng lại niềm tin.
Còn theo chuyên gia cấp cao Stephen Innes tại công ty nghiên cứu và tư vấn tài chính Vanguard Markets, có khả năng những nhượng bộ “khiêm tốn" sẽ được đưa ra trong cuộc đàm phán lần này, như việc tạm dừng tăng thuế quan đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ.
Ông Innes cũng cho rằng sau một tháng căng thẳng leo thang, việc Washington và Bắc Kinh đạt được thỏa thuận về bất cứ nội dung gì đều sẽ là tin tích cực.
Các thị trường đang dõi theo cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng rất ít người thực sự lạc quan về cuộc gặp này khi căng thẳng trong mối quan hệ giữa hai nền kinh tế đang “nóng lên”. Vài ngày trước khi vòng đàm phán Thượng Hải bắt đầu, Tổng thống Trump đã dọa không thừa nhận Trung Quốc như một “nền kinh tế đang phát triển” tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), khiến Bắc Kinh chỉ trích động thái của Mỹ là "ích kỷ".
Truyền thông Bắc Kinh cũng đề cập tới một thông báo công bố hồi cuối tuần rằng Trung Quốc sẽ mua thêm các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ bao gồm thịt lợn, bông và đậu tương như một cử chỉ "thiện chí" của nước này, đồng thời kêu gọi Mỹ nên có động thái “đáp lễ” nếu họ muốn cuộc đàm phán đạt được bất kỳ tiến bộ nào./.