Đàm phán trần nợ 'hiệu quả' nhưng chưa đi tới thỏa thuận
Tuy chưa có đạt được kết luận cuối cùng, các nhà đám phán của hai bên đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa ngày 24/5 cho biết các cuộc thảo luận về vấn đề nâng trần nợ công 31.400 tỷ USD đang diễn ra hiệu quả và bày tỏ thái độ tích cực về triển vọng trong tương lai.
Sau cuộc họp kéo dài 4 giờ tại Nhà Trắng ngày 24/5, Reuters dẫn lời Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy cho biết, các cuộc đàm phán đã được cải thiện. Đồng thời, ông cũng bày tỏ lòng tin của mình vào tương lai khi đưa ra dự đoán rằng hai bên cuối cùng đều sẽ đạt được một thỏa thuận.
Trả lời các phóng viên, ông cho biết: "Chúng tôi đã đạt được một số tiến bộ khi đàm phán vấn đề. Vì vậy, đây là một dấu hiệu tích cực. Tôi muốn đảm bảo rằng chúng tôi đạt được thỏa thuận phù hợp và tôi có thể thấy cả hai bên đang nỗ lực hướng tới mục đích này”.
Trong khi đó, phát ngôn viên Nhà Trắng Karine Jean-Pierre trong một cuộc họp ngắn lúc cuộc thảo luận đang diễn ra cũng nhận định tiến độ đang tích cực. Reuters trích dẫn bà cho biết: "Nếu đàm phán tiếp tục diễn ra một cách thiện chí, chúng ta có thể đạt được một thỏa thuận”.
Để có thể đạt được kết quả tốt đẹp, các nhà đàm phán của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa cần phải vượt qua những bất đồng trong điều kiện đàm phán, đặc biệt là khi thời gian không còn nhiều trong bối cảnh Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo sẽ không thể thanh toán các hóa đơn sau 1/6.
Đảng Cộng hòa với Chủ tịch Hạ viện McCarthy vẫn luôn nhấn mạnh vào việc cắt giảm chi tiêu trong khi Tổng thống Biden mong muốn giữ nguyên mức như hiện tại. Các nhà đàm phán cũng có thái độ chia rẽ với đề xuất của đảng Cộng hòa trong việc siết chặt các quy định đối với chương trình phúc lợi cho người Mỹ và nới lỏng quy định chấp nhận các dự án năng lượng hay đề xuất mức thuế tối thiểu với các tập đoàn và tỷ phú của Nhà Trắng.
Tiến triển chậm chạp và không tích cực của các cuộc đàm phán về trần nợ công đã làm gia tăng lo ngại rằng Quốc hội Mỹ có thể vô tình gây ra một cuộc khủng hoảng nếu không hành động kịp thời. Bế tắc kéo dài nhiều tháng đã khiến Phố Wall hoảng sợ, đè nặng lên chứng khoán Mỹ và đẩy chi phí đi vay của quốc gia lên cao hơn. Ngày 24/5, các chỉ số chứng khoán Mỹ giảm do lo ngại về trần nợ.
Mặt khác, tình hình hiện tại của Mỹ cũng buộc các cơ quan xếp hạng tín dụng theo dõi sát sao. Trong cùng ngày 24/5, Fitch đã đưa xếp hạng “AAA” của Mỹ vào trạng thái theo dõi tiêu cực. Theo cơ quan này, “rủi ro đang tăng lên” đối với kịch bản trần nợ không được nâng lên kịp trước ngày X – ngày mà Bộ Tài chính không thể chi trả các hóa đơn. Đồng thời, Fitch cũng nhận định “sự chia rẽ đảng phái chính trị đang cản trở việc đạt được một giải pháp”.
Moody's, một cơ quan xếp hạng tín dụng khác, cũng cho biết có thể thay đổi đánh giá của Mỹ nếu các nhà lập pháp tại đây cho thấy khả năng xảy ra vỡ nợ. Giống như Fitch, Moody's hiện xếp hạng mức "AAA" cao nhất đối với Mỹ trong khi một cơ quan xếp hạng khác là S&P Global đã hạ xếp hạng của quốc gia này sau cuộc tranh cãi về trần nợ năm 2011.