Đàm phán với nhiều đối tác về chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin, thuốc điều trị Covid-19

Bộ Ngoại giao phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế về đàm phán, hợp tác với các đối tác tiềm năng tại Mỹ, Nhật Bản, Nga, Cuba, Israel, Anh, Đức trong chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin cũng như thuốc điều trị Covid-19.

Công ty TNHH Một thành viên vắc-xin và sinh phẩm y tế số 1 (Vabiotech) vừa gia công và đóng ống 30.000 liều vắc-xin Covid-19 Sputnik-V đầu tiên, trong đó có 10.000 liều được gửi sang Liên bang Nga để kiểm định tiêu chuẩn chất lượng.

Dây chuyền gia công và đóng ống vắc-xin Covid-19 Sputnik-V tại Việt Nam do Vabiotech thực hiện - Ảnh: Long Phạm

Dây chuyền gia công và đóng ống vắc-xin Covid-19 Sputnik-V tại Việt Nam do Vabiotech thực hiện - Ảnh: Long Phạm

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 22-7 bằng hình thức trực tuyến, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết thời gian qua, song song với việc triển khai mạnh mẽ công tác ngoại giao vắc-xin để nhằm vận động các đối tác, các nước, các tổ chức quốc tế về khả năng mua và viện trợ vắc-xin phòng chống Covid-19, Việt Nam cũng đã tập trung tìm kiếm các cơ hội hợp tác, nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin nhằm đảm bảo nguồn cung lâu dài trong nước, tiến tới khả năng có thể tự chủ vắc-xin phòng chống Covid-19.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, Công ty TNHH Một thành viên vắc-xin và sinh phẩm y tế số 1 đã ký thỏa thuận với Quỹ đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga về việc đóng ống vắc-xin phòng chống Covid-19 Sputnik V từ bán thành phẩm với quy mô 5 triệu liều/tháng bắt đầu từ tháng 7-2021, tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất với quy mô khoảng 100 triệu liều/năm. Công ty VABIOTECH cũng đang xúc tiến đàm phán với đối tác Nhật Bản để sớm tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin cho Việt Nam.

Bộ Y tế cũng cho biết cơ quan chức năng đã thảo luận, đàm phán với Nhà sản xuất Mỹ về điều kiện chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin Covid-19 từ tinh chất mRNA. Nhà máy sản xuất sẽ được đầu tư theo chuẩn công nghệ của nhà sản xuất sẽ có công suất 100-200 triệu liều vắc-xin/năm dự tính bắt đầu sản xuất từ quý 4 năm nay hoặc quý 1 năm tới.

Bộ Ngoại giao đang phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Y tế về khả năng đàm phán, hợp tác với các đối tác tiềm năng tại Mỹ, Nhật Bản, Nga, Cuba, Israel, Anh, Đức trong chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin cũng như thuốc điều trị Covid-19.

Dây chuyền gia công và đóng ống vắc-xin Covid-19 Sputnik-V tại Việt Nam do Vabiotech thực hiện - Ảnh: Long Phạm

Dây chuyền gia công và đóng ống vắc-xin Covid-19 Sputnik-V tại Việt Nam do Vabiotech thực hiện - Ảnh: Long Phạm

Xác định việc tiếp cận được nhiều nguồn vắc-xin và nhanh chóng tiêm chủng diện rộng là một giải pháp quan trọng và cấp bách, công tác "ngoại giao vắc-xin" trong thời gian qua đã được triển khai hết sức quyết liệt, khẩn trương với sự chỉ đạo và tham gia trực tiếp của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và nỗ lực của nhiều bộ, ngành hướng tới mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 70% dân số Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng ngay trong năm 2021. Theo thông tin từ Bộ Y tế thì cho đến nay, các nước, các tổ chức quốc tế đã cam kết cung ứng cho Việt Nam 150 triệu liều vắc-xin thông qua đàm phán mua và viện trợ.

Cho đến thời điểm này, Việt Nam đã nhận được hơn 8 triệu liều vắc-xin hỗ trợ từ các nước và các đối tác, các tổ chức quốc tế; trong đó thông qua cơ chế COVAX khoảng 4,5 triệu liều, Mỹ 2 triệu liều nằm trong cơ chế COVAX, Nhật Bản 3 triệu liều, Trung Quốc 500.000 liều và Liên bang Nga tặng 1.000 liều.

Các nước và các đối tác cũng cam kết tiếp tục ủng hộ vắc-xin cho Việt Nam trong thời gian tới, trong đó có thể kể đến là COVAX sẽ phân bổ tiếp hơn 1 triệu liều, Mỹ hỗ trợ thêm 3 triệu liều thông qua cơ chế COVAX, Romania tặng hơn 100 ngàn liều, Úc cam kết hỗ trợ 1,5 triệu liều. Ngoài ra, các nước như Ấn Độ, Anh, Úc, Cuba và Đức… cũng đã có những cam kết cụ thể về viện trợ, ưu tiên, hợp tác chuyển giao công nghệ với Việt Nam. Về thiết bị, vật tư y tế và các nguồn lực phòng chống dịch bệnh, Việt Nam cũng nhận được sự hỗ trợ hết sức có ý nghĩa từ các tổ chức như UNICEF, các nước như Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Đức, Campuchia, Ả-rập Saudi.

"Việt Nam hoan nghênh và chân thành cảm ơn những sự hỗ trợ giúp đỡ rất kịp thời và thiết thực của các đối tác, các nước, các tổ chức quốc tế trong thời gian vừa qua"- bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Đề nghị APEC bãi bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vắc-xin Covid-19

Tại cuộc họp không chính thức các nhà Lãnh đạo Kinh tế Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) về ứng phó với đại dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế hôm 16-7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng. Chủ tịch nước đưa ra 3 đề xuất quan trọng cho hợp tác APEC.

Trước hết, triển khai nhanh chóng các chương trình hợp tác để hỗ trợ các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương vượt qua khủng hoảng; nâng cao tính tự cường và khả năng thích ứng của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ; và đào tạo kỹ năng cho người lao động, thu hẹp khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn. Thứ hai, đẩy mạnh hợp tác khu vực về chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và sản xuất vắc-xin; đồng thời nghiên cứu khả năng xây dựng thỏa thuận tạm thời của APEC về bãi bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin ngừa Covid-19. Thứ ba, xây dựng Bộ hướng dẫn của APEC về duy trì chuỗi cung ứng trong các tình huống khẩn cấp nhằm bảo đảm huyết mạch của nền kinh tế.

Dương Ngọc

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/dam-phan-voi-nhieu-doi-tac-ve-chuyen-giao-cong-nghe-san-xuat-vac-xin-thuoc-dieu-tri-covid-19-20210723072701608.htm