Đam Rông: 15 năm đổi thay từ nông nghiệp

Đối với huyện vùng xa như Đam Rông, nông nghiệp là giải pháp căn bản của phát triển. Bởi vậy hơn 15 năm từ khi thành lập huyện đến nay, việc thực hiện Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn thực sự là rường cột để tạo nên những đổi thay nhất định của vùng đất này.

Sản phẩm nông nghiệp của huyện Đam Rông đã đặt chân được vào một số thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ

Sản phẩm nông nghiệp của huyện Đam Rông đã đặt chân được vào một số thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ

Bà Đa Cát K’Hương - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đam Rông nhận định: Trong quá trình thực hiện Nghị quyết 26, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân ở địa phương đã nhận thức đầy đủ hơn về ý nghĩa, vị trí, vai trò của nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tạo sự tin tưởng, đồng thuận, quyết tâm thống nhất cao trong thực hiện. Từ đó căn cứ chức năng, nhiệm vụ để xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện, gắn những nhiệm vụ cụ thể trong Nghị quyết với nhiệm vụ chuyên môn và đặc thù của từng địa phương. Nhiệm vụ đó được thực hiện xuyên suốt trong 15 năm qua đã tạo nên những bước tiến ở huyện nghèo Đam Rông.

Theo số liệu thống kê từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đam Rông, ngành nông nghiệp của huyện có sự chuyển biến rõ rệt, phát triển tương đối toàn diện cả về quy mô, chất lượng và từng bước ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Cơ cấu cây trồng dịch chuyển theo đúng định hướng, đi vào khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng tiểu vùng sinh thái. Đơn cử như trong lĩnh vực trồng trọt, tổng diện tích gieo trồng năm 2020 trên 20 ngàn ha; giá trị thu hoạch bình quân 86,3 triệu đồng/ha, tăng 2,7 lần (tương đương 54,3 triệu đồng/ha) so với năm 2008. Trong 15 năm qua, huyện đã vận động bà con thực hiện chuyển đổi trên 4 ngàn ha cây trồng các loại, góp phần giảm diện tích sản xuất kém hiệu quả (dưới 50 triệu đồng/ha) còn khoảng 2 ngàn ha, tương ứng 13,2% tổng diện tích đất canh tác. Bước đầu hình thành và phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp hữu cơ, đến nay diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 500 ha; giá trị sản xuất công nghệ cao bình quân 300 triệu đồng/ha, đặc biệt có trên 15 ha có giá trị sản xuất đạt trên 500 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Văn Chính - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đam Rông nhấn mạnh thêm, huyện đã tập trung đầu tư phát triển các tiểu vùng chuyên canh như: Chuyên canh cây lương thực, trồng dâu nuôi tằm tại 3 xã Đầm Ròn; chuyên canh sản xuất cà phê, nông nghiệp công nghệ cao tại xã Phi Liêng, Đạ Knàng; chuyên canh cà phê, cây ăn quả, rau tại xã Đạ Rsal, Liêng Srônh, Rô Men… Để làm được điều này, chính quyền địa phương cũng có giải pháp để phát triển các loại cây trồng chủ lực. Đơn cử như với cây lúa ở Đầm Ròn, huyện đã chuyển giao khoa học kỹ thuật, thực hiện các mô hình khuyến nông để canh tác và thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu giống lúa. Đồng thời, đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi, qua đó năng suất lúa nâng lên trên 48,8 tạ/ha (tăng 15,6 tạ/ha so với năm 2008). Cũng tại đây, chính quyền địa phương và bà con nhân dân đã tận dụng các vùng trũng, ven sông suối, bãi bồi để phát triển được hơn 80 ha diện tích dâu tằm. Đối với cây cà phê ở khu vực Phi Liêng, Đạ K’Nàng, thực hiện tốt công tác khuyến nông, ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật canh tác mang tính bền vững, trồng cây che bóng, trồng xen cây ăn trái (sầu riêng, bơ, mắc ca) để nâng cao giá trị thu nhập.

Nhờ hướng đi đúng, đến cuối năm 2020 giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích đạt 86,3 triệu đồng/năm, tăng gấp 2,7 lần so với năm 2008. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 43 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đến cuối năm 2020 còn 7,46%, trong đó có 1.027 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh phát triển nông nghiệp, việc xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn cũng đã được chú trọng. Tổng nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện từ năm 2009 đến tháng 6/2021 ước đạt trên 4.410 tỷ đồng. Từ nguồn vốn trên, 81 công trình thủy lợi, 19 công trình nước sinh hoạt, hệ thống đường giao thông nông thôn ở các xã được đầu tư, nâng cấp, tỉ lệ hộ dân nông thôn dùng điện cuối năm 2020 đạt 97%, tăng 14% so với năm 2008…

Sự đổi thay trong thực tiễn cuộc sống đã lấy được lòng tin của Nhân dân. Đó là cơ sở cho sự đồng thuận, để người dân tích cực tham gia, đóng góp xây dựng nông thôn mới. Đến cuối năm 2020, huyện có 3 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. 1 xã đạt 18 tiêu chí (Đạ K’Nàng) và 4 xã đạt từ 15 - 16 tiêu chí, gồm: Đạ Long, Đạ M’Rông (15/19 tiêu chí); Liêng Srônh, Đạ Tông (16/19 tiêu chí). Đến nay, đã phát triển được 19 hợp tác xã, 8 tổ hợp tác và 13 trang trại. Phát triển được 9 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa doanh nghiệp và các tổ chức nông dân, người sản xuất, với tổng số hộ liên kết khoảng 150 hộ. Đẩy mạnh chương trình mỗi xã 1 sản phẩm, đến nay toàn huyện có 3 sản phẩm OCOP được công nhận cấp tỉnh: cà phê rang xay, mắc ca và chuối Laba. Hiện địa phương đang tiếp tục rà soát nhằm công nhận một số sản phẩm tiềm năng như: trà dây rừng, dứa, sầu riêng, cá tầm, nhang trầm…

Tuy nhiên, hiện đời sống của một bộ phận người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực 3 xã Đầm Ròn còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn cao so với mặt bằng chung của tỉnh... là vấn đề khó khăn nhất được đặt ra đòi hỏi huyện Đam Rông cần có giải pháp khắc phục.

Xây dựng nền nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới có kinh tế - xã hội phát triển, có kết cấu hạ tầng đồng bộ; đời sống vật chất, tinh thần của các dân tộc trên địa bàn ngày càng được nâng lên; phấn đấu sớm đạt chuẩn huyện nông thôn mới... là mục tiêu tổng quát được huyện Đam Rông đặt ra và đang tập trung thực hiện.

NGỌC NGÀ

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202107/dam-rong-15-nam-doi-thay-tu-nong-nghiep-3068072/