Vào quãng cuối đông, nếu có dịp lên Điện Biên, dọc quốc lộ 6, từ Tuần Giáo, Búng Lao, Mường Ảng, Nà Tấu, Nà Lơi… du khách sẽ thấy ven đường, lưng núi bạt ngàn sắc vàng rực của hoa dã quỳ.
Rồi Tây Trang, Nà Ư, Núa Ngam, Cò Chạy, Mường Pồn… đâu đâu cũng thấy hoa dã quỳ đua nhau khoe sắc.
Sắc hoa dã quỳ hòa quyện với khung cảnh núi rừng Tây Bắc.
Nếu ở Tây Nguyên người ta đã tổ chức lễ hội hoa dã quỳ, thì ở Mường Thanh này hoa dã quỳ xứng đáng có một lễ hội như thế.
Rồi mùa xuân đến, các loài hoa đồng loạt bung nở. Tháng Giêng là mùa của hoa đào.
Sắc hồng rực rỡ của hoa đào cũng chính là tín hiệu đầu xuân, báo hiệu một năm mới căng tràn nhựa sống đang về. Đào phai phơn phớt hồng, đào rừng thì đỏ thắm.
Hòa cùng sắc hồng của hoa đào, những bông hoa mận bung màu trắng tinh khôi, điểm xuyết những chồi non, lộc biếc khiến cho bức tranh khung cảnh Tây Bắc đẹp hoang sơ mà say đắm.
Khi những cơn mưa xuân làm rơi rụng những cánh hoa đào cũng là lúc hoa ban vào mùa nở rộ.
Dọc theo các con đường dẫn về thành phố và trong thành phố Điện Biên, người ta đã đưa hoa ban về trồng dọc theo hai bên các hè phố và tổ chức Lễ hội hoa ban hàng năm.
Có thể nói, Mường Thanh được coi như là xứ sở của hoa ban. Cứ mỗi độ xuân về, hoa ban lại bung cánh bừng nở trắng muốt trên những vạt núi, sườn đồi.
Không chỉ gắn liền với truyền thuyết về một tình yêu, một vẻ đẹp tinh khôi, cây ban còn mang trong mình sức sống mãnh liệt.
Dù trên đất khô cằn hay bám vào vách đá cheo leo, cứ qua mùa đông giá rét, khi xuân về cây ban lại trỗi dậy đâm chồi nảy lộc, bung hoa.
Góp mặt vào “gia đình hoa” Mường Thanh, loài hoa anh đào có nguồn gốc từ Nhật Bản cũng bung nở, khoe sắc rực rỡ ở các đảo nhỏ trên hồ Pá Khoang, Điện Biên.
Sắc hoa anh đào rực rỡ giúp nơi này trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch gần xa./.
CTV Lưu Hồng Sơn/VOV.VN