Đám tang trên đỉnh đồi của 37 nữ sinh Afghanistan
Vụ đánh bom khiến hàng loạt nữ sinh Hazara thiệt mạng là bằng chứng cho thấy tình hình bạo lực tại Afghanistan cũng như sự bất lực của chính phủ khi không thể bảo vệ người dân.
Từng người một đưa những nữ sinh xấu số trong vụ nổ bom lên sườn dốc. Những thi thể cứ tiếp tục được mang tới trong khi người bốc mộ bận rộn, căng mình đào đất giữa nắng nóng.
Những lời cầu nguyện siêu thoát cất lên, phá vỡ bầu không khí trầm mặc, im ắng. Nhịp điệu không ngừng ấy là bằng chứng nghiệt ngã của vụ đánh bom liên hoàn diễn ra tại trường học địa phương chiều 8/5.
Quy mô của vụ thảm sát tại trường trung học ở Kabul, sự ra đi của những nữ sinh ngây thơ đã gióng lên hồi chuông về tình hình bạo lực tại Afghanistan và sự bất lực của chính phủ khi không thể bảo vệ người dân, New York Times nhận định.
Bất chấp bạo lực xảy ra, một ngày sau vụ việc, khi đám đông đưa tang xuất hiện tại khu vực xảy ra đánh bom, quê hương của dân tộc thiểu số Hazara, vẫn hầu như không có lực lượng an ninh nào được chính phủ huy động để bảo vệ họ.
Cộng đồng thiểu số Hazara thường hứng chịu các cuộc tấn công của Taliban bởi mâu thuẫn sắc tộc giữa hai dòng Hồi giáo Sunni và Shia.
Giờ đây, đứng trước nguy cơ Taliban lên nắm quyền ở nhiều khu vực sau khi Mỹ rút quân và sự thờ ơ của chính phủ, người Hazara ngày càng quyết tâm đứng lên tự bảo vệ mình.
"Những cô gái đó thậm chí không có 15 xu để mua bánh mì”
Bên ngoài cánh cổng kim loại của trường trung học Sayed Ul-Shuhada, thủ đô Kabul, mảnh vụn ba lô, cuốn sổ cháy đen và đôi dép nát - những gì còn lại trong khoảnh khắc cuối cùng của các nữ sinh xấu số - được chất đống trong một cái hố.
Trên khắp khu phố Dasht-e Barchi vào hôm 10/5, các gia đình đã chôn cất con gái của họ, những cô gái mới chỉ 11-18 tuổi.
Những dòng người đưa tang tràn lên các ngọn đồi của khu vực. Tiếng than khóc dành cho người chết vang lên, tràn ngập từ các nhà thờ Hồi giáo.
Thi thể nạn nhân thậm chí đã bị biến dạng nghiêm trọng bởi vụ nổ. Có người lo sợ rằng vụ thảm sát chỉ là một khúc dạo đầu.
“Chúng tôi không thể làm gì khác ngoài việc thương tiếc”, ông Jawed Hassani, một người bán hàng bên ngoài nhà thờ Hồi giáo Imam Ali, nói. “Chúng tôi ủng hộ chính phủ, nhưng tất cả những gì chúng tôi nhận được lại là những vụ đánh bom. Những cô gái này, họ xuất thân từ gia đình thuộc tầng lớp lao động. Họ không có gì cả”.
Kẻ đánh bom liều chết đã cho nổ một chiếc xe chứa đầy chất nổ ngay trước cổng trường. Khi các học sinh hoảng loạn lao ra khỏi trường, hai quả bom phát nổ, giết chết thêm nhiều nạn nhân. Gần như tất cả các nạn nhân đều là trẻ em gái.
“Đó là một trong những trường nghèo nhất trong khu phố. Những cô gái đó thậm chí không có 15 xu để mua bánh mì”, anh Ghulam, một người lao động đến dự đám tang tại Nhà thờ Hồi giáo Qamar-e-Bani Hashim, cho biết.
Vẫn chưa có nhóm tổ chức nào đứng ra chịu trách nhiệm cho vụ việc.
Chính phủ Afghanistan đã quy trách nhiệm vụ tấn công cho nhóm phiến quân Taliban. Tuy nhiên, tổ chức này đã tuyên bố không nhận trách nhiệm. Dẫu vậy, việc Taliban liên tục tấn công người Hazara trong thời gian qua cùng với những tuyên bố phản đối việc giáo dục dành cho trẻ em gái khiến cho nhiều người nghi ngờ.
Một số nhà phân tích khác thì quy vụ việc cho tàn dư của Taliban, những người từng tuyên bố trung thành với IS.
“Chúng tôi đã không phạm bất kỳ tội ác nào, nhưng giờ đây nó lại xảy ra với chúng tôi", ông Kazim Ehsani, người đứng đầu Nhà thờ Hồi giáo Qamar-e-Bani Hashim, nói. "Tại sao chúng tôi lại đáng chết? Những người phạm những tội ác này, họ mới là kẻ thù của nhân loại".
"Đàn ông và phụ nữ nên cầm súng"
Hơn một giờ sau vụ nổ bom tại khu vực Dasht-e Barchi rộng lớn, nơi sinh sống của khoảng một triệu người Hazara, lực lượng cảnh sát vẫn chưa xuất hiện tại khu vực lân cận của trường.
Cộng đồng người Hazara ngày càng giận dữ với chính phủ. Họ cáo buộc sự thờ ơ của lực lượng an ninh trong khi phải hứng chịu thương vong kinh hoàng trong các vụ tấn công khủng bố.
“Ngày hôm qua khi vụ tấn công xảy ra, thậm chí không có một cảnh sát nào cả,” ông Kazim Ehsani cho biết trong tang lễ. "Ngay cả bây giờ cũng không có một nhân viên an ninh nào giữa đám đông này".
Bất chấp việc các đám tang đông người thường là mục tiêu tấn công của những kẻ khủng bố, sự vắng mặt của lực lượng an ninh vào hôm 10/5 đã khiến một số người tin rằng thay vì dựa vào chính phủ, họ chỉ có thể dựa vào chính bản thân.
“Nếu chúng ta muốn bảo vệ mình, đàn ông và phụ nữ nên cầm súng”, anh Ghulam nói.
Ông Arif Rahmani, một thành viên Quốc hội của Hazara, cho biết cuộc tấn công đã "buộc người Hazaras phải cầm súng và tự vệ".
“Cho dù chính phủ có thích điều đó không, người dân sẽ đứng lên và tự bảo vệ họ”, ông nói. "Sẽ có những tay súng trên mọi ngóc ngách và con đường trong khu phố của họ".
Sau vụ đánh bom khiến cả thế giới bàng hoàng, Tổng thống Ashraf Ghani đã tuyên bố ngày 11/5 sẽ trở thành ngày quốc tang các nạn nhân.
“Thật kinh hoàng. Người Hazaras không có gì để bảo vệ bản thân. Chúng tôi chỉ có Chúa", bà Naugiz Almadi vừa nói vừa ôm chặt đứa con gái nhỏ của mình bên ngoài trường học sau vụ nổ.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dam-tang-tren-dinh-doi-cua-37-nu-sinh-afghanistan-post1213942.html