Đậm vị Tết báo Xuân 'Phụ nữ Tân văn'
Là tờ báo của giới nữ, 'Phụ nữ Tân văn' hoạt động rất năng nổ. Riêng về báo Xuân, báo cũng có những số báo Xuân để độc giả dùng làm món ăn tinh thần dịp tống cựu nghinh tân.
Có 4 số báo Xuân của Phụ nữ Tân văn đã được ra đời từ năm 1930 đến 1934, riêng năm 1931 Phụ nữ Tân văn không ra báo xuân.
Số mùa xuân 1930, có sự góp mặt của nhiều cây bút nổi tiếng trên văn đàn và cũng là những tay bút chủ lực của báo với những bài viết đa dạng thể loại từ văn xuôi, thơ đến du ký, luận thuyết... Cụ thể có “Một cảnh chơi xuân: Chùa Hương Tích cảnh chùa đẹp nhứt ở Bắc Kỳ” (Trịnh Đình Rư); “Nam âm thi thoại” (Chương Dân, tức Phan Khôi); “Xuân với phụ nữ hay là cảm tưởng của phụ nữ về mùa xuân”…
Số này có những bài kêu gọi quốc dân về trách nhiệm với nước, với sự cải cách, canh tân. Trong đó có bài “Bài phú khuyên quốc dân cải cách duy tân” (Nguyễn Thượng Hiền); “Vấn đề quan hệ cho sự tân hóa: Phải nên bỏ lịch ta mà theo lịch tây” (Đào Trinh Nhất). Báo cũng có những bài điểm lược tổng kết năm cũ 1929 như bài “Năm kinh tế…”, “Năm văn học”…
Để tăng cường, thu hút độc giả mua báo cũng như có sự hứng khởi với lộc xuân, Phụ nữ Tân văn mùa xuân 1930 tổ chức những cuộc vui, trò giải trí có thưởng trong số báo này dành cho người lớn và nhi đồng với những câu đố thai (kiểu đố đoán vật, người, chữ… phổ biến ở Nam Kỳ dạo đó) hay tục ngữ.
Báo Phụ nữ Tân văn mùa xuân năm 1932 được chính số này gọi là “số mùa xuân thứ nhì” trong “Lời nói đầu số mùa xuân thứ nhì” khi giãi bày “Phụ nữ Tân văn tuy có vắng tiếng im hơi trong xuân trước, rồi đến xuân nay cũng lại trở về với xuân”. Báo điểm qua tình hình của năm cũ 1931 mà chủ yếu là về sự tiến bộ của phụ nữ trong một năm đã qua với những sự kiện, những ấp ủ thực hiện như ra đời hội Dục anh để cưu mang trẻ em, thành lập Nữ công triển lãm hội khuyến khích công nghệ ở phụ nữ, thành lập Nữ lưu học hội khuyến khích sự học ở chị em…
Báo Phụ nữ Tân văn mùa xuân 1932 qua 40 trang chiếm dung lượng lớn là những bài thuần nghiên cứu có “Thần mùa xuân, của Babylôn là đàn ông, của Hylạp là đàn bà” (Phan Khôi); “Người có công với chữ quốc ngữ từ 300 năm trước: Cha Alexandre de Rhodes” (Đào Trinh Nhất); “Nhân tài Việt Nam ở ngoại quốc: Nguyễn Chấn Nam và quỉ thuật”…
Đậm chất xuân là bài “Tao khách với mùa xuân” (Phương Lan), và không thể thiếu mục Thi đàn với thơ xuân của thi nhân xưa và đương thời. Báo cũng dành 2 trang để đăng ảnh “Ít nhiều danh sơn thắng cảnh của nước ta từ Nam ra Bắc” với những cảnh hồ Ba Bể, vịnh Hạ Long, Khuê Văn Các, lăng Tự Đức, hòn Phụ Tử…
Phụ nữ Tân văn số mùa xuân 1933 dành riêng một phần cho nhi đồng với mục Xuân nhi đồng dẫu dung lượng chỉ chiếm một trang. Góp mặt nhiều tên tuổi quen thuộc trong làng báo như Hồ Biểu Chánh (bài “Nói chuyện tiểu thuyết”); Đông Hồ (các bài thơ “Xuân nhớ người xuân”, “Chơi xuân”, “Cảnh xuân”); Nguyễn Thị Manh Manh, tức Manh Manh nữ sĩ (các bài “Chuyện ngoài đường”, “Năm hết, Tết đến”)…
Số mùa xuân 1933 cũng có nhiều bài về thời sự như “Những bước đường phụ nữ đã trãi [trải] qua trong năm 1932”; “Thữ [Thử] soát lại công việc làm trong các giới nước ta năm 1932”… Về văn học, có tiểu thuyết “Hội bắt ghen” (Viên Hoành); “Tây Sơn giã [dã] sử: Tình với cọp”… Các bài thơ xuân đăng rải rác ở nhiều trang và tập trung trong mục Ít vần thơ xuân.
Trong số này cũng có những biếm họa cập nhật tình hình thời sự, hướng đến những nhân vật có tiếng tăm như Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu với tính hay rượu, ưa thơ, hay Phạm Quỳnh với vấn đề độc quyền rượu Fontaine. Hai ông Tản Đà và Phạm Quỳnh đứng chung tranh, chung trang có lẽ vì trước đó ông Quỳnh từng chê Tản Đà tơi bời trên Nam Phong tạp chí về thơ.
Phụ nữ Tân văn xuân 1934 là số báo xuân cuối cùng, mở đầu với bài viết “Phụ nữ Tân văn mầng [mừng] xuân 1934” khẳng định tình yêu của độc giả dành cho Phụ nữ Tân văn vẫn vẹn nguyên mặc những khó khăn của cuộc khủng hoảng kinh tế: “Trong năm 1933 vừa qua, Phụ nữ Tân văn vẫn giữ vững địa vị của mình là một cơ quan lớn lao của phụ nữ Việt nam, thứ nhứt là từ khi lại được lưu hành ra Bắc. Cuộc khủng hoảng mỗi ngày mỗi lan rộng và sâu xa hơn, hóa cho nên tất cả các báo chí đều phải sụt về số xuất bản; tuy vậy mà ở khắp ba kỳ, hằng vạn bạn đồng chí vẫn tán thành vào công nghiệp của Phụ nữ Tân văn, vẫn yêu quí tờ báo nầy một cách rất là nồng nàn”.
Số này cũng tổng kết năm cũ qua các bài “Xuân 1934 ở Việt Nam và ở khắp thế giới” (Trần Thị Bích). Chủ đề xuân được tập hợp trong các bài “Xuân nhi đồng: Ngày Tết Nguyên đán khắp hoàn cầu” (Bích Thủy) dài tới… 10 trang trong tổng số 40 trang, “Hăm ba tháng chạp: Ông Táo với cái nghèo” (Nguyễn Thị Kiêm). Ngoài ra là những bài thơ xuân, truyện vui xuân, truyện khôi hài… cùng những tranh biếm họa liên quan.
Phần văn học góp thêm đoản thiên tiểu thuyết “Hai trái tim” (Huỳnh Thị Bích Đào), truyện ngắn “Cũng một nghề” (Trần Thanh Mại, tác giả Trông giòng [dòng] sông Vị viết về Tú Xương). Kèm theo đó là những bài xã luận như “Phê bình văn chương xưa va nay: Văn Hoa Tiên và văn Kiều” (Nguyễn Khắc Hiếu), “Một chế độ lạ lùng: Những tòa án ái tình do phụ nữ tổ chức thời Trung cổ” (Thứ Khanh)…
Góp mặt với làng báo Tết qua 4 số 1930, 1932, 1933 và 1934, các báo xuân của Phụ nữ Tân văn vừa thấm đẫm hương vị xuân, mà cũng thuần một tờ báo nữ tính của giới chị em.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dam-vi-tet-bao-xuan-phu-nu-tan-van-post1394465.html