Đàn bà gia trưởng đáng thương hay đáng trách?
Trong khi gia trưởng ngày nay trở thành khái niệm dùng để chỉ tính cách tiêu cực của đàn ông thì một lớp phụ nữ mới lại đang rơi vào tình cảnh làm người đàn bà gia trưởng bất đắc dĩ. Họ đáng thương hay đáng trách?
Gia trưởng hiểu theo nghĩa của từ là người chủ, người trụ cột, gánh vác mọi việc trọng đại của gia đình. Theo quan niệm truyền thống người đó là người đàn ông trong nhà. Cho đến giữa thế kỷ XX, cuộc cách mạng nữ quyền của nhân loại đã khiến quan niệm này dần biến mất. Sự bình đẳng nam-nữ đã giúp người phụ nữ bước ra mọi sân chơi trước đây chỉ dành cho đàn ông. Bất kể đó là đấu trường chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật….
Rất ít phụ nữ ngày nay chấp nhận một người chồng gia trưởng. Nhiều chị em không chịu sống cảnh trong nhờ đục chịu, không cam tâm lặn ngụp vô vọng dưới cái bến nước đục mò, không chịu bất lực nhìn người đàn ông bẻ lái con thuyền đâm sầm vào bãi cạn, người phụ nữ cố vùng vẫy, lèo lái. Họ ra sức “lóng phèn”, lóng phèn mà vẫn không trong thì… thuyền sang bến khác.
Phụ nữ ngày nay biết trau chuốt cho mình một sắc đẹp hoàn mỹ, một kiến thức uyên thâm, một trí tuệ thông thái, một trái tim nhân hậu. Ngoài xã hội họ ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế của mình. Trong gia đình nhiều người trở thành trụ cột, họ kiếm tiền ngang ngửa, thậm chí gấp nhiều lần hơn người đàn ông bên cạnh họ. Có hay không sự trỗi dậy này đã đẻ ra một tầng lớp phụ nữ gia trưởng bất đắc dĩ?
Đó là khi người phụ nữ buộc phải chèo chống, định hướng và quyết định mọi thứ khi gặp phải ông chồng kém cỏi, không đủ bản lĩnh, không làm ra tiền, thậm chí lười biếng, ăn chơi vô độ, chẳng biết làm gì ngoài dựa dẫm vào vợ.
Việc nai lưng ra gánh vác trách nhiệm trong ngoài khiến chị em lấn lướt, xem thường, kiểm soát và thao túng người bạn đời của mình. Dần dần hình thành một lớp người phụ nữ gia trưởng.
Tuy nhiên, nếu như ở người đàn ông, gia trưởng là thuộc tính, là sĩ diện, là thể hiện quyền uy một cách ồn ào thì ở người phụ nữ, tính gia trưởng hình thành bởi sự cô độc, lặng lẽ và đầy tâm tư. Trong khi gia trưởng ngày nay trở thành khái niệm dùng để chỉ tính cách tiêu cực của đàn ông thì một lớp phụ nữ mới lại đang rơi vào tình cảnh làm người đàn bà gia trưởng. Vậy người đàn bà gia trưởng đáng thương hay đáng trách?
Thật ra, gia trưởng với người phụ nữ không phải là bản chất, không phải sĩ diện, không phải sự phô trương sức mạnh. Gia trưởng với họ là do ý chí mong muốn một gia đình sung túc ấm no, vui vẻ, hạnh phúc, con cái thành đạt. Họ chỉ muốn mang đến cho gia đình những điều tốt nhất… trong trường hợp người đàn ông của họ không thể mang lại.Suy cho cùng không có người phụ nữ mạnh mẽ, chẳng qua là họ biết giấu đi sự yếu đuối của mình. Buộc phải đứng mũi chịu sào người phụ nữ chịu rất nhiều áp lực, đôi khi đuối sức, luôn cảm thấy cô đơn và tủi thân. Họ thật đáng thương.
Tuy nhiên, trong thực tế cũng có nhiều chị em gia trưởng đến lộng quyền, thao túng tâm lý, khinh rẻ và áp đặt chồng, chiếm hữu và kiểm soát mọi thứ, ra lệnh chứ không đối thoại. Họ mang tính cách thống trị ở nơi làm việc về nhà. Họ khiến người đàn ông bên cạnh cảm thấy áp lực, mệt mỏi thậm chí tổn thương, làm cho đối phương mất đi hứng thú và bản năng chinh phục, cả trong việc phòng the. Người đàn bà gia trưởng trong trường hợp này thật đáng trách.
Vậy nên chăng, nếu chồng bạn không đủ sức gánh vác kinh tế, cũng đừng nên bỏ rơi anh ấy ngoài cuộc. Hãy chia đều vai trò trụ cột trong gia đình cho người đàn ông của bạn. Trụ cột là nơi để các thành viên còn lại trong gia đình nương tựa khi cần. Nương tựa tinh thần cũng rất quan trọng và cần thiết. Vậy thì hãy để anh ấy gánh vác nhiệm vụ làm trụ cột tinh thần cho các thành viên còn lại.
Gia trưởng hay không gia trưởng, suy cho cùng, nếu như mọi nỗ lực bạn bỏ ra không mang lại cho gia đình một cuộc sống tốt đẹp thì bạn hoàn toàn thất bại.