Dần bỏ lối sống YOLO, giới trẻ Hàn Quốc hướng đến xu hướng mới 'Godsaeng'
'Godsaeng' đang trở thành xu hướng mới với giới trẻ xứ Hàn, đó là nâng cao năng lực bản thân bằng cách đạt được những mục tiêu nhỏ hàng ngày, thay cho lối sống YOLO (You Only Live Once, nghĩa là Bạn Chỉ Sống Một Lần, để chỉ lối sống hết mình, sao cho thật ý nghĩa, trọn vẹn, không lãng phí).
Jung Hye-in, một nhân viên văn phòng 32 tuổi làm việc ở Seoul, uống thực phẩm chức năng với nước ấm, tập vài động tác yoga và đọc ít nhất một bài báo kinh tế mỗi sáng trước khi bắt đầu làm việc. Trong giờ ăn trưa, cô ấy tham gia một lớp học tiếng Anh TOEFL hoặc đi bộ 30 phút. Trước khi đi ngủ, Jung viết blog về cuộc sống hàng ngày và sở thích của mình dành cho thời trang, trang trí nhà cửa, âm nhạc và sách.
"Bản chất tôi là một người lập kế hoạch, nhưng tôi bắt đầu theo dõi các thói quen của mình chính xác hơn sau khi chuyển ra khỏi nhà bố mẹ vào năm 2020. Đặt ra mục tiêu và siêng năng làm việc để đạt được điều đó là điều có ý nghĩa thúc đẩy tôi hoàn thành", cô nói.
Giống như Jung, ngày càng có nhiều người trẻ ở Hàn Quốc theo đuổi những thói quen đơn giản và lành mạnh, chẳng hạn như giữ không gian sống ngăn nắp và có tổ chức, uống 2 lít nước mỗi ngày và cắt giảm thời gian sử dụng các thiết bị điện tử. Được gọi là "Godsaeng" trong tiếng Hàn - một từ ghép của "God" và "saeng" (có nghĩa là "cuộc sống" trong tiếng Hàn) - nhiều người trẻ thế hệ Millennials và Gen Z đang cố gắng tận dụng tối đa thời gian của họ.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là họ tuân theo những kế hoạch hoành tráng. Thay vào đó, họ tìm thấy ý nghĩa trong việc hoàn thành các công việc hàng ngày.
Kwak Geum-joo, giáo sư tâm lý học tại Đại học Quốc gia Seoul, giải thích rằng những thay đổi tâm lý của giới trẻ và đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy xu hướng này. "Sự căng thẳng khi liên tục bị từ chối khi đi tìm việc làm và những so sánh trong xã hội hiện đại đã khiến những người trẻ tuổi tìm kiếm những khoảnh khắc hạnh phúc nhỏ nhoi. Thay vì đặt ra nhiều mục tiêu to lớn và dài hạn, họ đặt ra một loạt những mục tiêu nhỏ thực tế dễ đạt được, dễ thực hiện và có thể đo đếm được.
Cô nói thêm: “Khoảng thời gian dài bị hạn chế tiếp xúc do đại dịch COVID-19 cũng kích thích việc tạo ra những thói quen mới, từ đó họ có thể tập trung hoàn toàn vào bản thân. Bằng cách này, họ có thể đối phó tốt hơn với căng thẳng, sợ hãi và lo lắng trong đại dịch ”.
Khi được hỏi về sự khác biệt giữa Godsaeng và “YOLO”, nữ giáo sư giải thích rằng Godsaeng có phần thực tế hơn: “YOLO tại Hàn Quốc dùng để chỉ những người trẻ từ bỏ công việc ổn định để khám phá những gì họ thực sự mong muốn từ trong sâu thẳm và tích lũy kinh nghiệm. Ngược lại, những người trẻ “Godsaeng” tin rằng những nỗ lực nhỏ mà họ xây dựng được ở thời điểm hiện tại sẽ giúp họ tạo ra những thành tựu to lớn hơn trong tương lai. Đó là một cách suy nghĩ khôn ngoan và thận trọng ”.
Các công ty đã nhanh chóng bắt kịp xu hướng, sử dụng cụm từ này để quảng cáo sản phẩm và dịch vụ, đồng thời tổ chức nhiều sự kiện khác nhau với chủ đề “Godsaeng”.
Ứng dụng năng suất Challengers giúp người dùng đạt được mục tiêu bằng cách cho họ cơ hội đặt cược vào việc đạt được mục tiêu bằng tiền của chính họ và nhận các khoản thanh toán và thậm chí cả giải thưởng khi hoàn thành nhiệm vụ.
Hay Cashwalk là một ứng dụng dựa trên phần thưởng giúp chuyển đổi các hoạt động ngoài trời của người dùng thành tiền ảo trên mỗi bước chân.
Youcandoo là dịch vụ do hãng công nghệ giáo dục Yanadoo tung ra nhằm mang đến cho người dùng phần thưởng, phiếu giảm giá cà phê hoặc thẻ quà tặng khi họ đạt được mục tiêu học tập cá nhân. Dịch vụ cũng giúp sắp xếp hợp lý các công việc hàng ngày, nâng cao năng suất làm việc cũng như thói quen cá nhân.
Flo - một nền tảng nội dung âm thanh cung cấp phiếu giảm giá cho người dùng để nghe podcast, hướng dẫn ngôn ngữ, theo dõi thông tin sức khỏe tâm thần và các bài học về sức khỏe ít nhất 10 phút mỗi ngày trong 3 tuần liên tiếp.
Giáo sư Kwak Geum-joo cho biết: “Xu hướng này đang ngày càng được đông đảo giới trẻ Hàn Quốc hướng đến trong cuộc sống hiện tại.”
Tuy nhiên, tiến sĩ, bác sĩ Lee Kyung-min cảnh báo rằng việc theo đuổi năng suất công việc quá mức có thể gây ra tác động tiêu cực: “Những người theo đuổi lối sống này luôn muốn đạt được thành tích cao, vô tình đẩy bản thân đến mức kiệt sức. Vì thế hãy rộng lượng hơn với chính mình”.