Dân 'cày đường nhựa'
'Cày đường nhựa' để mưu sinh, công việc của người chuyển hàng (thường gọi là shipper) tưởng đơn giản, dễ kiếm tiền, nhưng thực tế đầy áp lực, rủi ro. Mới đây trên tivi, người ta đã làm một phóng sự cảnh báo việc vi phạm luật giao thông của những người giao hàng, vừa chạy xe vừa bấm điện thoại...
Nhận 2 đơn hàng ở khu vực Bình Tân, anh Vân nhấc điện thoại: “A lô, có phải chị T.?... Chị ơi, em giao hàng, khi nào chị về em ghé?”. Đầu bên kia, giọng khách hàng vui vẻ: “Em tới liền đi, xíu chị đi công chuyện”. Đội mũ bảo hiểm, Vân tức tốc từ Bến xe phía bắc thẳng tiến Bình Tân, lòng hồ hởi nhẩm tính, chịu khó đi xa một xíu, 2 đơn hàng cũng được bữa sáng ấm bụng!. Xong đơn hàng đầu, Vân hồ hởi gọi tiếp khách hàng thứ hai cùng khu vực. Giọng khách hàng khá ngọt ngào: “Ồ, hôm nay chị không tới công ty. Em qua nhà liền nha, chị sắp đi. Nhà chị gần Bến xe phía bắc nè”. Vân ỉu xìu “dạ”, rồi lật đật phóng hết tốc lực ngược về điểm xuất phát!
Nghe chuyện, N.Q - shipper của một hãng giao hàng toàn quốc cười, kết luận tỉnh rụi: “Bình thường!”. Q. chỉ chuyển hàng quanh Khu đô thị Lê Hồng Phong II, nhưng chưa ngày nào anh về nhà sớm hơn 18 giờ 30. Nhiều shipper truyền nhau bí quyết ghép nhiều đơn hàng cùng cung đường cho tiết kiệm, nhưng không phải lúc nào cũng làm được vì còn phụ thuộc giờ khách hẹn. Có hôm, gọi mấy lần cho khách không được, vừa nghỉ ăn trưa thì khách gọi, anh đành bỏ dở bữa mà đi. Vì thế, trung bình 2 ngày, Q. xài hết bình xăng 70.000 đồng. “Công việc của shipper chung quy chỉ là nhận hàng rồi giao đến tay người mua, nhưng để giao được vài chục đơn hàng mỗi ngày, shipper phải “quần” hàng chục vòng mỗi đoạn đường. Làm shipper không có thời gian chơi đâu!”, Q. cười nhẹ.
Tấn Danh - người có hơn 2 năm kinh nghiệm tại một hãng giao hàng lớn cho biết, shipper hợp đồng với vài shop hoặc làm nhân viên tại các công ty dịch vụ chuyển hàng, ngoài lương cứng, còn có lương mềm nếu vượt định mức đơn hàng giao thành công. Nhưng riêng shipper tự do trông cả vào tiền công giao hàng; không chuyển được, công sức, tiền điện thoại, xăng xe của họ mất trắng. Muốn sống khỏe, shipper phải cố giao được nhiều đơn hàng. Danh đúc kết: “Làm nghề này, hàng nhiều thì khách hối, chạy đuối, hàng ít thì không đủ sống, nên mưa gió cũng phải chạy. Giao được đơn hàng suôn sẻ vất vả lắm!”.
Nhiều nguy cơ
Từ khi nhận tới khi giao xong hàng, shipper phải chịu trách nhiệm về món hàng; nếu để mất, phải bồi thường 100% giá trị và không được trả công. Nhưng giao hàng thành công không dễ. Một lần, Q. gặp khách hàng thích “giỡn”, nay hẹn sang mai, mai dời tới mốt, báo hại anh ngày nào cũng phải gọi “xin” giao hàng. Năm lần bảy lượt, cuối cùng người đó chặn số, hủy đơn hàng!. Vân cũng nhớ như in lần phải giao mấy đơn hàng cùng giờ, lại bị tắc đường, chạy hụt hơi vẫn trễ hẹn. Nhấc điện thoại gọi khách, anh chỉ nhận được câu ngắn gọn: “Trễ nửa tiếng, khỏi lấy!” rồi cúp máy, không cho anh cơ hội giải thích, năn nỉ. Nhưng Vân bảo, anh còn có thể mang hàng về trả shop, chứ mấy shipper tự do bị khách từ chối chỉ biết ôm hàng luôn, bởi họ đã thanh toán trước đơn hàng với shop.
Tuy vậy, gặp được khách rồi vẫn có thể bị “tai nạn nghề nghiệp”. Chỉ cần shipper thối lộn tờ 20.000 đồng thành 500.000 đồng, cũng mất đứt ngày công!. Đồng nghiệp của Q. từng khóc ròng khi trả tiền hàng cho hãng mới biết thiếu hơn 1 triệu đồng!. Lại có shipper gặp kẻ gian, vờ nhờ đổi tiền, xong xuôi mới phát hiện bị mất tiền. Có khách nhà ở chung cư cao tầng nhất định không xuống, đòi giao hàng tận nhà, shipper cũng phải hì hụi leo lên, nhưng khi xuống sân mới phát hiện chiếc xe máy đã... biến mất!. Gặp mưa bất chợt, có shipper chịu ướt dành áo mưa che hàng!. Giao hàng buổi tối, shipper cũng đối mặt với nguy cơ bị cướp, cướp giật. Danh kể, có lần, một shipper còn bị “ăn đấm” vì đập cửa giữa trưa gọi giao hàng và tỏ ra cáu kỉnh khi khách hàng phàn nàn...
Dù vậy, có hãng quy định, shipper giao hàng chậm, thái độ không lịch sự, bị khách phản ánh, sẽ bị đánh giá mất 1 “sao”, tương đương tháng đó bị trừ 200.000 đồng. Nhiều lần bị trừ “sao”, shipper sẽ bị lập biên bản; 3 - 4 lần bị lập biên bản đồng nghĩa mất việc.
Nhưng điều các shipper sợ nhất vẫn là tai nạn giao thông. Q. từng nhiều lần bị trượt, té do chạy xe nhanh. Còn Vân, có lần, mải chạy cho kịp giờ, anh tông vào xe khác, thùng đựng sữa đổ, các chai sữa vỡ hết, xe hỏng nặng. “Hôm đó, bồi hoàn tiền hàng xong, coi như tôi “xài sang” gần tháng lương!”, Vân cười buồn nhớ lại. Lần khác, vừa chạy vừa tìm địa chỉ, qua ngã tư, Vân tông vào chiếc xe đang đậu, bật ngửa ra sau, choáng ngất. Được anh tài xế tốt bụng đỡ dậy, chăm sóc, vừa thấy đỡ hơn, anh lại... lên xe đi tiếp cho kịp giao hàng!. Bây giờ, Vân chỉ giao hàng cho một shop đồ uống ở Nha Trang và tiệm thực phẩm của gia đình; hưởng lương tháng, phụ cấp xăng xe, điện thoại. Anh không còn lo chạy đua đơn hàng, nhưng nguy cơ tai nạn thì không bớt, bởi với shipper, thời gian luôn được ưu tiên hàng đầu. Có lẽ vì vậy, sau 2 năm làm shipper, tuy mới 27 tuổi, nhưng Vân đã thấy lưng mỏi nhức do suốt ngày ngồi xe. Đi đường, thấy shipper bị té xe, rớt hàng, dù vội mấy, Vân cũng tới giúp, cảm giác thấy tội họ mà như thương chính mình.
Động lực gắn bó
Một sáng đầu tháng 12, như mọi ngày, Q. có mặt tại kho lúc 7 giờ 30, tham gia phân hàng, soạn hàng tuyến của mình và xác nhận 50 đơn hàng. 12 giờ 30, Q. hoàn thành đơn hàng. Đúng 13 giờ 30, Q. đã có mặt ở kho, nhận tiếp gần 30 đơn hàng. 18 giờ, Q. kết thúc đơn hàng cuối, về kho bàn giao, hoàn tất công việc lúc 18 giờ 30. Với Q., cường độ này khá nhẹ nhàng!. Tết năm trước, có ngày, Q. nhận tới 150 đơn hàng, 21 giờ 30 mới phờ phạc về nhà. Q. chia sẻ, trước anh làm nghề điện, thu nhập 6 - 7 triệu đồng/tháng. Đang nản thì một ông anh kêu qua làm shipper “cho vui”. Và anh “vui” miết tới giờ, rồi được liệt vào hàng “thánh cày đường nhựa”, bởi mỗi ngày giao khoảng 80 - 90 đơn hàng, hơn hẳn người mới làm. Ngoài lương cứng 3,5 triệu đồng/tháng (cho định mức 3.500 - 4.000 đơn hàng/tháng), anh còn được hưởng lương mềm (khoảng 4.000 - 6.000 đồng/đơn giao thành). Q. vui vẻ: “Nhờ làm shipper, tôi có mức sống dư dả, có thể tích lũy được, nên dù vất vả vẫn cố “cày”.
Trần Tấn Dũng - một đại diện của hãng Shipper Nha Trang chia sẻ, hãng luôn chú ý hỗ trợ giảm thiểu rủi ro cho shipper khi bị boom hàng, hỗ trợ kinh tế khi shipper gặp khó khăn. Bởi hãng nhìn nhận, shipper chính là cầu nối cung - cầu. Họ rất cần được tôn trọng, cảm thông, ghi nhận sức lao động chính đáng, bởi đằng sau những chuyến giao hàng là những con người đang phải mưu sinh vất vả.
Trên đường cùng Vân đi giao hàng, chúng tôi được anh chia sẻ chuyện vào nghề. Học ngành khách sạn, ra trường vào làm khách sạn, nhưng cuộc sống vẫn xô đẩy anh phụ ship hàng cho khách. Dần dà, Vân bị cuốn vào những chuyến hàng vi vu khắp ngóc ngách phố phường. Mỗi lần tìm được địa chỉ hóc hiểm, anh lại thấy hứng thú vô cùng. “Bây giờ, hỏi bất cứ đường nào ở Nha Trang, tôi cũng có thể trả lời ngay!”, Vân cười vang, khẳng định đầy tự tin. Vân cũng vui vì thi thoảng được khách thưởng. Có lần, chở hàng tới đúng trưa nắng, thấy anh mồ hôi nhễ nhại, khách bo luôn vài chục ngàn đồng!. Vân hóm hỉnh khi được hỏi về dự định tương lai: “Tiếp tục làm shipper thôi, biết đâu sau này đủ tiền tích lũy mở quán nhỏ, vừa bán, vừa giao hàng, tận dụng kinh nghiệm sẵn có. Bây giờ, chạy cả ngày đâu có thời gian xài tiền!”. Nghe vậy, khách hàng Trần Thị Ni Na (làm tại Nha Trang Center) vui vẻ ủng hộ: “Tiếp tục làm shipper đi anh. Có shipper, em ở công ty vẫn mua được hàng!”. Vân cười, rồi phóng vút đi, để lại sau lưng câu hát từ MV vui nhộn về shipper của youtuber Hậu Hoàng thay lời chào tạm biệt: “Dù bụi bặm hay mưa rơi, ta cũng chắc chắn ship đến nơi...”.
N.T
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/201912/dan-cay-duong-nhua-8141853/