Dân chủ, hòa bình và thịnh vượng: Các mục tiêu gắn kết chặt chẽ
Tháng 5.2015, Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) phối hợp với Nghị viện Nhật Bản tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ hai, quy tụ 189 nghị sĩ trẻ đến từ 66 quốc gia. Hội nghị này đánh dấu mốc quan trọng vì đây là nỗ lực hợp tác đầu tiên giữa IPU và một nghị viện thành viên. Sự kiện nhằm giải quyết những thách thức toàn cầu cấp bách ảnh hưởng đến giới trẻ ngày nay và vạch ra con đường hướng tới sự tham gia của Nghị viện trong việc giải quyết những vấn đề đó.
Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ hai tại Tokyo lần này đưa ra một loạt khuyến nghị, trải dài từ việc tăng cường sự tham gia của thanh niên vào chính trị đến giải quyết tình trạng thất nghiệp, nâng cao sức khỏe và hạnh phúc, phản ánh cam kết tạo ra tương lai tốt đẹp hơn cho thanh niên thế giới. Khi toàn cầu nhìn về phía trước, rõ ràng là việc trao quyền cho thanh niên vẫn là nền tảng để đạt được hòa bình, thịnh vượng và dân chủ lâu dài trên toàn thế giới.
Giải quyết các thách thức về việc làm, kinh tế, xã hội
Hội nghị Tokyo bày tỏ quan ngại sâu sắc về tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao và sự xuất hiện của lực lượng thất nghiệp có trình độ học vấn. Một số người gọi cuộc khủng hoảng thất nghiệp ở thanh niên như một “quả bom thất nghiệp” sắp nổ bất cứ lúc nào, có thể gây ra bất ổn và bạo lực xã hội. Hội nghị đưa ra các khuyến nghị để giải quyết những thách thức này, trong đó có những biện pháp như bảo đảm giáo dục miễn phí, giáo dục bắt buộc và giáo dục theo định hướng thị trường việc làm với sự thích ứng liên tục với các cơ hội việc làm ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, thực hiện các sáng kiến trao quyền cho thanh niên trong kinh doanh và thúc đẩy bình đẳng giới trong thị trường việc làm. Đồng thời, thúc đẩy tinh thần kinh doanh bằng cách phân bổ vốn và tạo điều kiện tiếp cận các khoản vay cho các doanh nhân trẻ, tập trung vào các lĩnh vực như nông nghiệp. Ngoài ra, áp dụng nguyên tắc bình đẳng trong chính sách việc làm cho thanh niên, cũng như tập trung vào các nhu cầu và quyền cụ thể của lao động trẻ nhập cư và lao động lần đầu. Đặc biệt là chú trọng vào việc tăng cường hợp tác để điều tiết thị trường việc làm lẫn điều chỉnh giáo dục phù hợp với nhu cầu thị trường việc làm địa phương, khu vực và quốc tế.
Chú trọng đến sức khỏe và hạnh phúc của thanh niên
Hội nghị nhấn mạnh những thách thức về sức khỏe khác nhau mà giới trẻ phải đối mặt, bao gồm tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên cao, thương tích liên quan đến giao thông đường bộ và các hành vi liên quan đến sức khỏe khác. Để giải quyết những vấn đề này, các nghị sĩ trẻ tại hội nghị khuyến nghị: phát triển các chính sách y tế phù hợp với nhu cầu của thanh thiếu niên, bao gồm phát triển thông tin và kỹ năng, môi trường an toàn cũng như các dịch vụ tư vấn và sức khỏe dễ tiếp cận; ưu tiên thanh niên trong các chính sách y tế; thúc đẩy xây dựng chiến lược toàn cầu về sức khỏe phụ nữ, trẻ em và thanh thiếu niên…
Thu hút thanh niên phát triển bền vững
Hội nghị đã công nhận nhiều tiến trình toàn cầu đang diễn ra, bao gồm các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), Hiệp ước toàn cầu về chống biến đổi khí hậu và Thỏa thuận về tài chính cho phát triển. Các đại biểu cho rằng các quá trình này cần phản ánh nhu cầu của thanh niên, đồng thời kêu gọi các Nghị viện thông qua và thực hiện các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc liên quan đến chống khủng bố và hòa bình. Ngoài ra, hội nghị nhấn mạnh sự cần thiết phải có cách tiếp cận toàn diện để chống chủ nghĩa cực đoan và cực đoan hóa, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng nhân quyền, các quyền tự do cơ bản và phát triển kinh tế xã hội. Các khuyến nghị bao gồm pháp luật về hình sự hóa các lời nói hận thù, sự gắn kết quốc gia và xã hội cũng như sự tham gia của giới trẻ vào việc ra quyết định liên quan đến chống khủng bố và bạo lực…