Dân chủ ra tay cứu vãn màn tranh luận của ông Biden và 'phản đòn' ông Trump
Sau thời gian chao đảo vì màn thể hiện không tốt của ông Biden trong phiên tranh luận với ông Trump, đảng Dân chủ quyết định đẩy sớm ngày đề cử ông Biden nhằm 'dập tắt bàn tán nội bộ' và bắt đầu chiến dịch nhắm vào các rắc rối pháp lý của ông Trump.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gây thất vọng cho người ủng hộ sau màn thể hiện kém thuyết phục trong phiên tranh luận với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Phần tranh luận của ông Biden có phần ngập ngừng, chậm chạp, được cho do vấn đề tuổi tác, đã tạo cơ hội cho đảng Cộng hòa chỉ trích, thậm chí đòi chính quyền Mỹ xem xét bãi nhiệm đương kim tổng thống. Không chỉ bên phía đối thủ, ngay cả trong nội bộ đảng Dân chủ cũng xuất hiện sự chao đảo, lung lay chuyện ủng hộ ông Biden đến cùng hay thay ông bằng một đại diện khác.
Sau thời gian chao đảo ban đầu, giờ đảng Dân chủ cũng như đội ngũ tranh cử của ông Biden đang nỗ lực cứu vãn tình thế, bao gồm việc nhắm vào các vấn đề của ông Trump như một cách phản đòn.
Nỗ lực "dập tắt bàn tán nội bộ"
Tờ The Washington Post đưa tin rằng các cố vấn cấp cao của Tổng thống Biden đã tăng cường nỗ lực xoa dịu những đảng viên Dân chủ hoài nghi về tình trạng sức khỏe và vấn đề tuổi tác của nhà lãnh đạo Mỹ. Theo đó, trong ngày 1-7, đội ngũ của ông Biden đã thực hiện một loạt các cuộc gọi đến các nhà lập pháp, liên hệ với các nhà tài trợ và công bố một cuộc thăm dò nội bộ cho thấy ông Biden không mất đi vị thế sau màn thể hiện tại phiên tranh luận.
Theo giới phân tích, hành động của các cố vấn của ông Biden chủ yếu là để nhấn mạnh rằng tổng thống không có kế hoạch rút khỏi cuộc đua. The Washington Post dẫn các nguồn tin rằng trong đêm 1-7, bà Jen O'Malley Dillon - người đứng đầu đội ngũ tranh cử của ông Biden - đã gọi khẩn cấp cho hơn 500 nhà tài trợ để cố gắng trấn an những người đang lo ngại về khả năng tái đắc cử của vị tổng thống 81 tuổi.
Bà Dillon thừa nhận rằng cuộc tranh luận không diễn ra như mong đợi và đội ngũ tranh cử còn nhiều việc phải làm nhưng cho biết nhóm của bà tin rằng phiên tranh luận vừa qua không làm thay đổi tổng quan của cuộc đua vào Nhà trắng.
Ngoài ra, các thành viên chủ chốt của đảng Dân chủ cũng đã hoàn thiện mốc thời gian để chính thức đề cử ông Biden trở thành ứng viên đại diện đảng trong cuộc đua tổng thống. Hai nguồn tin nói với đài Fox News rằng Ủy ban Toàn quốc đảng Dân chủ đang xem xét chính thức đề cử ông Biden sớm nhất là vào giữa tháng 7.
Theo dự kiến ban đầu, ông Biden sẽ chính thức trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ tại đại hội toàn quốc của đảng vào tháng 8. Tuy nhiên, các nguồn tin nói rằng thời gian này có thể dời lên sớm hơn vào ngày 21-7 để “dập tắt những lời bàn tán nội bộ” cũng như không cho những đảng viên Dân chủ chỉ trích ông Biden thời gian để tìm người thay thế ông.
Bên cạnh đó, những nhân vật chủ chốt, có ảnh hưởng trong đảng Dân chủ cũng đã lên tiếng bảo vệ ông Biden.
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bày tỏ sự ủng hộ công khai dành cho Tổng thống Biden. “Những đêm tranh luận không thành công vẫn xảy ra. Tin tôi đi, tôi biết điều đó. Nhưng cuộc bầu cử này vẫn là sự lựa chọn giữa một người đã đấu tranh cho người dân bình thường và một người chỉ quan tâm đến bản thân mình, giữa một người nói sự thật, biết đúng sai và một người nói dối trắng trợn vì lợi ích của chính mình” - ông Obama viết trên X (trước đây là Twitter).
Tương tự, phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris nói rằng bà xem cuộc bầu cử là sự lựa chọn nhị phân “giữa một người nói dối và một người lãnh đạo” và ông Trump “không mang tính cách của một tổng thống Mỹ”.
Cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cũng lên tiếng bảo vệ ông Biden và chỉ trích ông Trump. “Chúng tôi thấy ông Biden hàng ngày và chúng tôi biết ông ấy hiểu rõ các vấn đề như thế nào. Có những chuyên gia chăm sóc sức khỏe cho rằng ông Trump bị mất trí nhớ. Nếu muốn nói về độ nhạy bén, hãy công bằng” - bà Pelosi nói với đài CNN.
"Phản đòn" ông Trump
Bên cạnh việc trấn an những người ủng hộ về khả năng của ông Biden, phía đảng Dân chủ và đội ngũ tranh cử của đương kim tổng thống cũng bắt đầu chiến dịch nhắm vào đối thủ Donald Trump.
Ngày 1-7, đội ngũ tranh cử của ông Biden đã phát hành một quảng cáo tập trung vào màn tranh luận của ông Trump, trong đó cho thấy dù vị cựu tổng thống linh hoạt hơn ông Biden nhưng lại thường xuyên đưa ra những tuyên bố không đúng sự thật.
Theo đài CNN, đơn vị tổ chức phiên tranh luận, ông Trump đã có tới 30 tuyên bố không đúng sự thật trong phần phát biểu của ông, bao gồm việc tuyên bố đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2020; Iran không tài trợ cho các nhóm khủng bố trong nhiệm kỳ tổng thống của ông; ông Biden có kế hoạch tăng gấp bốn lần thuế của người dân; về số tiền thuế mà Mỹ thu được từ Trung Quốc trong nhiệm kỳ tổng thống của ông,...
“Số lượng lời nói dối nhiều nhất xuất hiện trong một bài tranh luận. Ông [Trump] nói dối về nền kinh tế vĩ đại mà ông ấy đã tạo ra, nói dối về đại dịch. Và sau đó là lời nói dối lớn nhất của về việc ông ấy không liên quan gì đến cuộc bạo loạn ở Điện Capitol ngày 6-1-2021” - ông Biden nói trong đoạn quảng cáo do đội ngũ tranh cử của ông đăng tải.
Cũng trong ngày 1-7, sau khi Tòa tối cao Mỹ ra phán quyết rằng cựu Tổng thống Trump được hưởng quyền miễn trừ truy tố với tất cả những hành động nằm trong thẩm quyền hiến định của tổng thống Mỹ, các thành viên đảng Dân chủ đã đưa ra cảnh báo gay gắt về động thái của Tòa tối cao Mỹ.
“Đây là mối đe dọa lớn nhất kể từ Nội chiến Mỹ (năm 1861). Nếu ông Biden không được bầu vào tháng 11, chúng ta sẽ không còn nền dân chủ mà chúng ta đã có trong 250 năm qua” - nghị sĩ đảng Dân chủ Dan Goldman nói trong một chương trình do đội ngũ tranh cử của ông Biden tổ chức.
“Tôi cực kỳ lo sợ. Và tôi nghĩ người Mỹ đang sợ, và nên sợ, về những gì ông Donald Trump sẽ làm” - ông Quentin Fulks, phó giám đốc chiến dịch của ông Biden nói với The Washington Post.
Tổng thống Biden ngày 1-7 cũng lên tiếng về phán quyết của Tòa tối cao Mỹ về ông Trump, cho rằng phán quyết là “tiền lệ nguy hiểm” làm suy yếu pháp quyền. Ông Biden kêu gọi người dân Mỹ phản đối bằng cách không bỏ phiếu cho ông Trump trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
“Không có vị vua nào ở Mỹ. Mỗi người chúng ta đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai, không ai đứng trên luật pháp, kể cả tổng thống Mỹ. Đây là một tiền lệ nguy hiểm, vì quyền lực của [tổng thống] sẽ không còn bị hạn chế bởi luật pháp, thậm chí bao gồm Tòa tối cao Mỹ” - ông Biden lưu ý.
Thăm dò ý kiến: Sự ủng hộ với ông Biden không thay đổi nhiều sau phiên tranh luận
Cuộc thăm dò do tờ USA Today và ĐH Suffolk (Mỹ) thực hiện từ ngày 27 đến 30-6 cho thấy tỉ lệ ủng hộ dành cho ông Trump trong số các cử tri được hỏi trên toàn nước Mỹ là 41%, nhiều hơn sít sao so với 38% của ông Biden.
Kết quả không có sự thay đổi đáng kể so với cuộc thăm dò trước đó vào tháng 5, khi đó, ông Trump và ông Biden hòa nhau ở mức 37%.
Cuộc thăm dò cũng cho thấy 41% cử tri đảng Dân chủ muốn thay thế ông Biden bằng một ứng cử viên khác, và 51% nói rằng họ phản đối việc thay thế. Trong khi đó, chỉ có 14% cử tri Cộng hòa nói rằng họ muốn tìm ứng viên thay thế ông Trump.