Dân chủ trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục

Để thực hiện dân chủ trong nhiệm vụ giáo dục, mỗi đơn vị trường học cần mạnh mẽ hơn nữa phù hợp với công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay.

Cô và trò Trường THPT Văn Chấn trò chuyện sau giờ lên lớp.

Cô và trò Trường THPT Văn Chấn trò chuyện sau giờ lên lớp.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng một trong những mục tiêu cao nhất của nền giáo dục mới, nền giáo dục cách mạng Việt Nam là đào tạo nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam..., làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có, trang bị cho mỗi người dân kiến thức mới để biến một nước cực khổ thành một nước văn hóa cao và đời sống tươi vui, hạnh phúc. Vì thế, Người yêu cầu phải phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa trong giáo dục; phải xem "giáo dục là sự nghiệp của quần chúng”.

Thực hiện lời dạy của Người, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Yên Bái luôn đề cao thực hiện dân chủ, trong mỗi nhà trường, dân chủ là động lực nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi giáo dục chú trọng phát triển năng lực phẩm chất của người học.

Năm học 2022 - 2023, Trường THPT huyện Văn Chấn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giáo dục với 62% học sinh đạt loại khá, giỏi, 12 em học sinh giỏi cấp tỉnh, 26 học sinh đạt huy chương Vàng, Bạc tại các cuộc thi thể thao cấp tỉnh, cấp quốc gia; 3 học sinh đạt giải khoa học kỹ thuật cấp tỉnh; 11 cá nhân đạt danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cơ sở”, 12 đề tài sáng kiến kinh nghiệm được ngành giáo dục công nhận. Đồng thời, nhà trường vinh dự được các cấp lãnh đạo ghi nhận và trao tặng nhiều danh hiệu thi đua.

Theo chia sẻ của lãnh đạo nhà trường, để đạt được thành tích đó nhà trường đã thực hiện tốt dân chủ trong trường học. Sự dân chủ ấy không chỉ được thực hiện ở cán bộ giáo viên, nhân viên mà ngay cả học sinh cũng được thực hiện dân chủ theo đúng lứa tuổi và nhiệm vụ học tập của các em.

Bên cạnh việc thành lập Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ trong đợn vị, nhà trường phân công lãnh đạo tiếp công dân các ngày trong tuần, bố trí hòm thư góp ý; công khai các thủ tục hành chính của nhà trường niêm yết trên bảng tin, website tạo điều kiện để viên chức, người lao động và học sinh, nhân dân thuận tiện theo dõi, thực hiện.

Nhà trường luôn đảm bảo cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh được tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các nội dung văn bản trước khi được ban hành, triển khai thực hiện như: kế hoạch năm học, kế hoạch tháng, thăm dò ý kiến của học sinh về việc giảng dạy, các tiêu chuẩn thi đua trong năm học, khen thưởng kỷ luật học sinh, nội quy - quy định đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh…

Đặc biệt, nhà trường tăng cường đối thoại, quan tâm giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, nêu cao tinh thần trách nhiệm, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Cũng như Trường THPT Văn Chấn, các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh luôn có những cách làm riêng phù hợp với điều kiện thực tế để thực hiện dân chủ trong giáo dục. Bởi các đơn vị đều xác định nếu thiếu dân chủ thì trường học thành "ốc đảo”; nhà trường thiếu dân chủ thì khó triển khai cải cách giáo dục. Do đó, các đơn vị, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đều có hội đồng trường. Đó là một chế định để kiểm soát các cam kết, thực hiện quy định của nhà trường. Việc thành lập hội đồng trường là "chỉ số” cơ bản, dễ thấy nhất trong thực hiện quy chế dân chủ ở trường.

Tuy nhiên, để thực hiện dân chủ trong nhiệm vụ giáo dục, mỗi đơn vị trường học cần mạnh mẽ hơn nữa phù hợp với công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, ngoài thi cử, sách giáo khoa thì một trong những nội dung phải đổi mới rất mạnh đó là công tác quản lý.

Thực hiện dân chủ để làm sao có môi trường giáo dục thực sự cởi mở, để cho tất cả mọi người đều được phát huy năng lực cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ, vì dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực của đổi mới, của cải cách.

Mặt khác, dân chủ không tự nhiên mà có. Sẽ có dân chủ khi cải tiến về phương pháp giáo dục, gắn dân chủ với tự chủ thì mới phát huy được vai trò, tính sáng tạo, chủ động của giáo viên vào công việc của nhà trường. Đi kèm với đó phải tăng cường vai trò giám sát của cộng đồng, xây dựng cách thức đánh giá thực hiện dân chủ trong nhà trường chính xác, khách quan…

Tuy đề cao và yêu cầu phải dân chủ, phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ, tự do tư tưởng nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định không thể có dân chủ quá trớn hay tùy tiện, dân chủ phải gắn liền với pháp luật, tự do phải gắn liền với kỷ cương. Hiện nay, mục tiêu của giáo dục là đào tạo ra những công dân có ích cho xã hội, người làm chủ vận mệnh đất nước. Nhưng muốn làm chủ được tốt, phải có năng lực làm chủ. Năng lực làm chủ đó chỉ có thể được tạo ra trước hết trong môi trường giáo dục thực sự dân chủ ở nhà trường.

Thanh Ba

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/45/301997/dan-chu-tr111ng-thuc-hien-nhiem-vu-giao-duc.aspx