Dân chung cư tất bật gia cố căn hộ đối phó bão số 3

Rút kinh nghiệm từ cơn bão Yagi vào năm ngoái, năm nay, nhiều hộ gia đình ở chung cư, các tòa nhà cao tầng tại Hà Nội đã có sự chuẩn bị tương đối chủ động để ứng phó với tình hình thời tiết cực đoan. Trận mưa dông bất chợt chiều 19/7 càng khiến sự cẩn trọng cao hơn.

Trên mạng xã hội, anh Nguyễn Hải Linh, một nhà sáng tạo số trú tại tầng 25 khu chung cư tại khu đô thị Vinhomes Ocean Park 1 (Hà Nội), đã gây bất ngờ và thú vị cho người xem khi chia sẻ khoảnh khắc cả nhà mang đệm ra thấm nước, dụng cụ đi tát nước, ngăn nước mưa tràn từ ban công vào sàn nhà.

Nguyên nhân sau đó được chỉ ra là cống thoát nước ở ban công lâu ngày không vệ sinh, đóng cặn rác dẫn đến tốc độ lưu thoát nước không theo kịp lượng mưa như trút vào chiều 19/7 do ảnh hưởng bởi mưa dông.

Anh Nguyễn Hải Linh (chung cư ở Ocean Park 1) đã mua sắm dụng cụ, gia cố lại cửa kính, ban công và thông cống thoát nước để ứng phó với mưa lớn do bão số 3

Anh Nguyễn Hải Linh (chung cư ở Ocean Park 1) đã mua sắm dụng cụ, gia cố lại cửa kính, ban công và thông cống thoát nước để ứng phó với mưa lớn do bão số 3

Sau khi khắc phục xong, anh Nguyễn Hải Linh đã lập tức đi chuẩn bị dụng cụ để ứng phó với cơn bão số 3 dự kiến sẽ ảnh hưởng tới đất liền từ ngày 22-24/7.

“Sau khi được tập huấn về sức mạnh của thiên nhiên đợt vừa rồi, tôi đã ra siêu thị tìm mua vải bạt to để gia cố phần ban công. Nhà tôi phần ban công sẽ hứng chịu trực tiếp cơn mưa. Chỉ 3 phút thôi đợt vừa rồi, nước đã tràn cả vào nhà. Lần này gia cố bằng tấm vải bạt to che chắn, nước mưa sẽ trôi xuống không tạt vào nhà. Ngoài ra ở cơn bão Yagi năm ngoái, ở chung cư khu nhà tôi, cửa kính dưới sảnh bị vỡ vì gió quá lớn. Nhà tôi cũng kiểm tra lại cửa kính xem có chắc chắn chưa, nếu không có thể dùng các tấm ốp gia cố”.

Tương tự, không khí chuẩn bị đón bão cũng rất khẩn trương ở khu chung cư New Horizon City - 87 Lĩnh Nam (Vĩnh Tuy, Hà Nội). Cư dân là anh Nguyễn Văn Thiết cho biết, ban quản trị đã phối hợp với ban quản lý triển khai các hoạt động: Gia cố các cột chống ở bồn cây, cắt tỉa cành cây, chuẩn bị bao cát chằng chống cửa sảnh, đề phòng có gió lốc giật mạnh. Bên cạnh đó, bà con cư dân được nhắc nhở thu dọn chậu cây cảnh bày ngoài ban công, chằng chống các cửa ở hành lang thoát hiểm.

“Đối với chung cư 87 Lĩnh Nam đang sơn sửa thi công bên ngoài tòa nhà. Ban quản lý, ban quản trị cũng quán triệt đầy đủ đối với nhà thầu thi công đảm bảo an toàn 100% các vật tư, thiết bị, tránh trường hợp bão vào, gây nguy hiểm cho người dân bên dưới cũng như cửa sổ ở các tầng cao”.

Ban quản trị, ban quản lý chung cư 87 Lĩnh Nam gấp rút gia cố, chằng chống các chi tiết, cửa sổ, cửa kính đảm bảo an toàn đón bão

Ban quản trị, ban quản lý chung cư 87 Lĩnh Nam gấp rút gia cố, chằng chống các chi tiết, cửa sổ, cửa kính đảm bảo an toàn đón bão

Ở một số khu đô thị khác trên địa bàn Hà Nội, các chủ đầu tư cũng chủ động bố trí chỗ đỗ xe an toàn cho các xe hơi còn đỗ ngoài đường, bên dưới các vị trí tiềm ẩn nguy cơ như: Đỗ gần gốc cây, gần các công trình yếu, tại khu vực trũng thấp, gần đường thoát nước mưa, đường thoát lũ…

Chia sẻ về phòng, chống bão, ông Nguyễn Ngọc Huy, nhà nghiên cứu biến đổi khí hậu nhận định: Với nhà cao tầng, quan trọng nhất là đóng kín cửa sổ, chống gió, chống nước xâm nhập vì có thể gây hỏng sàn gỗ, thấm tường. Hầu hết nhà ở miền Bắc đều là nhà kiên cố. Tuy nhiên, ở các công trình yếu, người dân cần sẵn sàng tư thế đi sơ tán nếu chính quyền địa phương yêu cầu.

Bên cạnh các biện pháp tại chỗ nhằm gia cố, chằng chống căn hộ, nhà cửa, chuyên gia Nguyễn Ngọc Huy khuyến cáo: “Trong lụt, chúng ta thấy nước lên dần dần, mọi người vẫn nhắn tin, gọi điện cầu cứu. Nhưng bão thì khác, có nguyên tắc chống bão: Nếu không có phương tiện bảo hộ, xe đặc chủng, mà ra ngoài thì hoàn toàn có thể gặp nguy cơ tôn bay, bảng biển, cây đổ. Chúng ta đi cứu nạn nhưng có thể bị nạn. Lời khuyên của tôi: Các bạn không phải lực lượng chức năng được cắt cử, không có phương tiện thì tuyệt đối không được rời khỏi nơi tránh trú an toàn”.

Nhà nghiên cứu biến đổi khí hậu Nguyễn Ngọc Huy khuyến cáo, các căn hộ cao tầng cần che chắn kỹ không cho gió và nước vào nhà. Nếu không có chức trách, tuyệt đối không đi khỏi nơi trú ẩn khi bão đến (Ảnh: FB nhân vật)

Nhà nghiên cứu biến đổi khí hậu Nguyễn Ngọc Huy khuyến cáo, các căn hộ cao tầng cần che chắn kỹ không cho gió và nước vào nhà. Nếu không có chức trách, tuyệt đối không đi khỏi nơi trú ẩn khi bão đến (Ảnh: FB nhân vật)

Các chuyên gia cũng tư vấn, các hộ gia đình cần lưu trữ thực phẩm bằng ngăn đông để hạn sử dụng lâu hơn. Ngoài ra, ở khu vực đô thị, nếu mất điện, thì nước sẽ bị cắt, đó là một vấn đề cần lưu ý.

Trên hết, sự bình tĩnh về mặt tâm lý, tuân thủ các thông báo từ lực lượng chức năng là yếu tố quan trọng để người dân phòng chống, giảm thiểu ảnh hưởng bởi bão lũ.

Chu Đức/VOV-Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/dan-chung-cu-tat-bat-gia-co-can-ho-doi-pho-bao-so-3-post1216575.vov