Dẫn con cháu tảo mộ Tết Thanh minh, cách người Hà Nội dạy trẻ nhớ về nguồn cội
Tết Thanh minh có ý nghĩa quan trọng về văn hóa và tinh thần của người Việt, ẩn chứa đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt.
Đã thành thói quen, mỗi dịp Tết Thanh minh, ông Trần Văn Ty, 75 tuổi ở tổ 49, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai (Hà Nội) lại cùng con cháu đi tảo mộ, thăm phần mộ vợ ông tại Công viên tâm linh Lạc Hồng Viên (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình). Đây là dịp để ông chỉ cho con cháu biết, đâu là phần mộ của ai, để mà nhớ.
Ông Ty bảo, xưa cụ Nguyễn Du đã có câu “Thanh minh trong tiết tháng ba. Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh”. Thanh minh là ngày lễ nhưng cũng là ngày hội để dịp đó tất cả người thân trong gia đình nhớ về những người đã khuất.
Đặc biệt là để các con, các cháu biết ơn, nhớ về những người sinh thành và dưỡng dục mình lớn lên. Khác với nhiều gia đình kiêng không cho trẻ nhỏ đi đến các mộ phần vì sợ lạnh nhưng gia đình ông lần nào lên thăm mộ cũng đưa các cháu nhỏ theo.
Ông Ty bảo: "Không gian ở đây rất đẹp, thoáng mát sạch sẽ không giống các nghĩa trang ở nhiều nơi. Các cháu lên đây cũng dịp rời khỏi nơi đô thị về miền quê, khí hậu mát mẻ lại được làm một việc rất ý nghĩa. Đây cũng là cách dạy trẻ nhờ về nguồn cội. Trẻ biết đến những ngôi mộ của gia tiên, sau là để biết kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ".
Cũng giống như nhiều gia đình có phần mộ ở Công viên tâm linh Lạc Hồng Viên, ngay từ sáng sớm, gia đình bà Ngô Thị Phương, sinh 1954 ở Lĩnh Nam (Hà Nội) đã chuẩn bị hoa, một cây xanh, đồ lễ từ Hà Nội để lên Công viên tâm linh Lạc Hồng Viên thắp nén hương tưởng nhớ đến người thân của mình trong dịp Tết Thanh minh.
Bà Phương chia sẻ, chồng của bà được an táng ở đây đã 2 năm. Ngoài dịp Thanh minh như thế này, trong năm gia đình cũng sắp xếp cứ vào các dịp lễ, Tết là con cháu đông đủ lên mộ ông để thắp nén nhang, dọn dẹp mộ phần.
Bà Phương tâm sự, dịp tảo mộ Tết Thanh minh còn có cả người cháu từ trong Đắk Lắk sắp xếp về.
“Dịch vụ ở đây chăm sóc tốt, gia đình có thể không cần lên tận mộ để thắp nhang mà mộ phần vẫn được dọn dẹp sạch sẽ, nhất là vào ngày rằm, mồng một có nhang, đèn cho mộ phần được ấm cúng… Dù vậy gia đình vẫn muốn được tự tay dọn dẹp, thắp nén nhang cho người thân vào những dịp như Thanh minh như này. Lần nào lên, gia đình cũng chuẩn bị một cây xanh để trồng thêm ở khuôn viên phần mộ thêm xanh. Tôi tin các con cháu đi tảo mộ đông đủ, ở nơi chín suối ông ấy cũng sẽ thấy vui vì con cháu hòa thuận và luôn nhớ đến mình”, bà Phương chia sẻ.
Đại đức Thích Trí Thịnh, Trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng cho biết, ngày Tết Thanh minh được xem là ngày giỗ chung cho tổ tiên của các gia đình. Tết Thanh minh không phải Tết chính nhưng bao hàm nhiều ý nghĩa về cội nguồn, gợi nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những người đã khuất.
Nhân ngày này con cháu có dịp tụ hội, quây quần cùng nhau tới các phần mộ thân nhân của mình để tảo mộ.
“Tết Thanh minh không chỉ diễn ra trong 1 ngày mà diễn ra trong vòng 15 ngày bắt đầu từ khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3 âm lịch.
Đây là dịp không chỉ những người già mà nhiều gia đình, bạn trẻ đều mong muốn con cháu quây quần bên nhau. Ai ai cũng muốn con cháu biết được nơi an nghỉ tổ tiên ông bà, biết cội nguồn. Quan trọng nhất các thế hệ trẻ biết công ơn của tổ tiên ông bà cha mẹ”, Đại đức Thích Trí Thịnh chia sẻ.