Dân dựng lều chặn xe ra vào trước nhà máy cồn Đại Tân
Người dân mang thức ăn, dụng cụ sinh hoạt đến 'trực' trước cổng Nhà máy cồn Đại Tân (xã Đại Tân, huyện Đại Lộc, Quảng Nam).
Khoảng một tuần nay, người dân thôn Nam Phước (xã Đại Tân) dựng lều, mang dụng cụ sinh hoạt, thức ăn “trực” trước cổng nhà máy cồn Đại Tân (thuộc Công ty Cổ phần nhiên liệu sinh học Tùng Lâm) ngăn không cho xe chở nguyên liệu, máy móc thiết bị ra vào.
Môi trường ô nhiễm nghiêm trọng
Theo người dân, từ nhiều năm trước, dân xung quanh nhà máy phải chịu đựng cảnh sống trong môi trường độc hại, nguồn nước uống ô nhiễm và không khí bốc mùi hôi thối. Có đêm không khí bốc mùi hôi nặng khiến người dân thức giấc.
Anh Trần Xuân Lai (29 tuổi, ngụ thôn Nam Phước) cho hay, nghe mùi hôi thối nồng nặc, người dân thức dậy xem tình hình thì phát hiện nhà máy đang xả nước ô nhiễm ra môi trường bên ngoài. Khi người dân yêu cầu làm rõ nguyên nhân sự việc thì được trả lời “do sự cố tràn dầu fusel” bên trong nhà máy.
“Có sự cố hay không chúng tôi không biết! Nhưng nhà máy thường xuyên xả nước đục bốc mùi hôi nồng nặc ra môi trường rất khó chịu. Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng làm rõ để người dân yên tâm. Nếu môi trường thế này thì chúng tôi không thể chịu được” - anh Lai bức xúc.
Theo anh Lai, người dân ở đây nghi ngờ nhà máy lợi dụng trời mưa để xả thải nước chưa qua xử lý ra môi trường. Bởi khoảng vài năm trở lại đây, nguồn nước ngầm ở thôn Nam Phước bị ô nhiễm nghiêm trọng, đời sống của người dân vốn đã khó nay lại càng khó hơn. Người dân phải chi thêm một khoản tiền mua nước bình để rửa thức ăn, tắm giặt cho trẻ em rất tốn kém.
Chị Lê Thị Thúy (30 tuổi, ngụ cùng địa chỉ) cho hay, khi phát hiện nước xả ra môi trường bốc mùi nồng nặc cũng là lúc cá trong hồ chứa của nhà máy chết hàng loạt, nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Công nhân nhà máy vớt cá để hạn chế mùi hôi thối.
“Sau khi xảy ra sự cố, công ty đã gặp dân xin lỗi và cam kết không để tình trạng tái diễn nhưng cách đây hai ngày họ tiếp tục xả tiếp. Chúng tôi rất bức xúc! Không khí bốc mùi, nguồn nước, đất ô nhiễm khiến nhiều hộ nuôi cá bị chết, cây cối chậm phát triển. Ngoài ra, trâu bò của người dân cũng thường xuyên bị sảy thai” - chị Thúy nói.
Ghi nhận của chúng tôi sáng ngày 27-9, hai cống xả thải nước từ nhà máy ra ngoài không còn hoạt động. Tuy nhiên, không khí gần khu vực này vẫn bốc mùi hôi thối nồng nặc. Bên trong nhà máy, nước ở các hồ chứa có màu xanh sẫm, váng dầu khuếnh đặc tụ thành nhiều mảng nổi trên mặt nước.
Phải đóng cửa nếu xảy ra sự cố tương tự
Trao đổi với PLO, ông Phạm Văn Tỉnh, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần nhiên liệu sinh học Tùng Lâm (gọi tắt là Công ty), cho biết trong quá trình sản xuất, công nhân vận hành đã để tràn dầu fusel chiết xuất cồn từ bồn chứa ra ngoài. Mùi hôi đặc trưng của loại dầu này đã ảnh hưởng đến đời sống của bà con xung quanh khu vực nhà máy.
“Ngay khi xảy ra sự cố, chúng tôi đã cho cô lập, đóng các cổng xả. Cơ bản công ty đã khắc phục được 90% nhưng người dân đang chặn đường vào nhà máy nên không thể khắc phục dứt điểm” - ông Tỉnh nói.
Theo ông Tỉnh, người dân chặn đường không cho xe ra vào nhà máy nhiều ngày qua khiến công ty bị ảnh hưởng rất nhiều về kinh tế. Hiện tại, sự cố đã ngoài khả năng xử lý của công ty. “Chúng tôi đang chờ đợi cơ quan chức năng đàm phán với người dân về vấn đề họ yêu cầu” - ông Tỉnh nói.
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết tỉnh đã chỉ đạo cho công ty này khẩn trương khắc phục, tuyệt đối không để dầu tràn ra ngoài khu vực đã xảy ra sự cố. Đồng thời, công ty phải nhanh chóng xử lý triệt để mùi hôi, không để phát tán thêm ra khu vực xung quanh, tuyệt đối không để ra cháy nổ.
“Công ty lập phương án hoạt động đảm bảo an toàn đối với nhà máy sau khi khắc phục xong, cam kết bằng văn bản trước nhân dân và chính quyền địa phương trong quá trình hoạt động, nếu để xảy ra sự cố tương tự thì nhà máy tự nguyện đóng cửa” - ông Thanh cho hay.
Ngoài ra, ông Thanh yêu cầu khi công ty khắc phục sự cố phải có sự giám sát của chính quyền địa phương và nhân dân xung quanh nhà máy. Đồng thời, Công ty phải phối hợp với cơ quan chức năng rà soát khu vực dân cư bị ảnh hưởng nguồn nước, khẩn trương thực hiện việc hỗ trợ, cung cấp nước sinh hoạt và nước uống cho người dân.
Bên cạnh đó, UBND huyện Đại Lộc có trách nhiệm khảo sát, đánh giá việc ảnh hưởng của nhà máy đến đời sống nhân dân và có phương án di dời nhân dân khu vực bị ảnh hưởng bởi nhà máy đến nơi ở mới, đảm bảo ổn định cuộc sống cho nhân dân.
“Địa điểm di dời phải được lấy ý kiến đồng thuận của nhân dân và đảm bảo các điều kiện hạ tầng thiết yếu. Huyện Đại Lộc đề xuất kinh phí và tiến độ thực hiện báo cáo UBND tỉnh và các ngành liên quan xem xét quyết định” - ông Thanh cho hay.