Dân giàu, làng quê đổi mới

Nhằm khai thác lợi thế địa phương, UBND xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) tổ chức các lớp dạy nghề, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. Từ đó thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao.

Thoát nghèo nhờ có kiến thức

Trước đây, như bao thanh niên khác trong thôn, anh Vũ Văn Sơn (SN 1975), thôn Cẩm Hoàng (xã Xuân Cẩm) phải đi làm thuê nhiều nghề tại các địa phương khác. Khoảng 7 năm trước, trong thời gian làm thợ xây tại quận Tây Hồ (TP Hà Nội), anh Sơn như bị hút hồn bởi những ruộng đào vào vụ tết bởi vẻ đẹp được tạo tác dáng thế cầu kỳ; có những cây đào cho tiền triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng.

 Anh Vũ Văn Sơn (phải) chăm sóc vườn đào của gia đình.

Anh Vũ Văn Sơn (phải) chăm sóc vườn đào của gia đình.

Thấy hiệu quả kinh tế từ trồng đào, trong khi đồng đất ở quê bỏ không nhiều, anh học hỏi kinh nghiệm rồi quyết định đưa giống đào Nhật Tân về trồng thử trên 1 sào đất nông nghiệp của gia đình. Dù dành nhiều tâm sức cho ruộng đào nhưng do thiếu kinh nghiệm chăm sóc, chưa thạo kỹ thuật cắt tỉa nên mấy vụ đầu, vườn đào nở hoa sớm và không đều, giá trị kinh tế thấp.

Khi UBND xã tổ chức lớp đào tạo ngắn hạn về kỹ thuật trồng trọt, anh có thêm hiểu biết nên mạnh dạn mở rộng diện tích trồng đào. Hiện nay, ngoài 5 sào đất nông nghiệp của gia đình, anh thuê thêm 5 sào nữa của hộ dân trong thôn để trồng đào thế, đào cành. Với kiến thức được học cùng kinh nghiệm tích lũy sau nhiều năm, hai năm gần đây, gia đình anh thu về gần 200 triệu đồng/năm từ bán và cho thuê đào dịp Tết Nguyên đán. “Nhờ có thu nhập từ trồng đào, gia đình tôi có điều kiện cải tạo nhà ở, nuôi dạy các con. Cuối năm 2023, gia đình tôi ra khỏi danh sách hộ cận nghèo của xã”, anh Vũ Văn Sơn chia sẻ.

Là xã thuần nông, những năm qua, cùng với thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển KT-XH, Đảng ủy, UBND xã Xuân Cẩm quan tâm nhiều đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Từ năm 2020 đến nay, UBND xã đã phối hợp với các trung tâm dạy nghề tổ chức 7 lớp dạy nghề cho hơn 200 người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo với các nghề như: Cơ khí, may công nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi.

 Mô hình nuôi vịt của gia đình ông Nguyễn Văn Giang.

Mô hình nuôi vịt của gia đình ông Nguyễn Văn Giang.

Được đào tạo, người dân có thêm kiến thức phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Điển hình trong số đó có anh Nguyễn Văn Cường (SN 1984) ở thôn Cẩm Hoàng. Sau khi tham gia lớp dạy kỹ thuật chăn nuôi, anh vay 100 triệu đồng vốn chính sách để nuôi lợn thịt với 10-12 con mỗi lứa.

Cùng với nuôi lợn, anh làm thêm nghề nấu rượu, vừa tận dụng bã rượu bổ sung thức ăn cho lợn, tiết kiệm chi phí vừa tăng thu nhập. Năm 2023, gia đình anh thu hơn 150 triệu đồng; đời sống dần được cải thiện và thoát nghèo.

Tương tự, sau khi học nghề chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Giang (SN 1971), thôn Cẩm Bào phát triển mô hình nuôi vịt. Hiện ông duy trì đàn vịt đẻ hơn 400 con cùng gần 600 con vịt thịt/lứa, mỗi năm thu lãi hơn 100 triệu đồng. “Trước đây, vợ chồng tôi chỉ quanh quẩn cấy lúa, trồng khoai, trong khi các con lại đang tuổi đến trường nên cuộc sống khó khăn. Được tham gia học nghề, tôi đã chủ động hơn trong phát triển kinh tế, có việc làm và nguồn thu ổn định”, ông Giang chia sẻ.

Thêm nguồn lực xây dựng NTM nâng cao

Theo cán bộ chuyên môn xã Xuân Cẩm, sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề, phần lớn các học viên đều nắm bắt được kỹ thuật, áp dụng hiệu quả trong thực tiễn. Ghi nhận tại thôn Cẩm Hoàng, sau gần 10 năm cây đào bén rễ đồng đất nơi đây, từ vài hộ, đến nay thôn có 350 hộ trồng đào với tổng diện tích khoảng 40 ha. Cây đào đã giúp người dân trong thôn thu về hơn 30 tỷ đồng mỗi năm.

Nghề chăn nuôi cũng phát triển với đàn gia cầm gần 40 nghìn con, gần 1,5 nghìn con lợn; diện tích nuôi thủy sản hơn 18 ha. Năm 2023, doanh thu từ chăn nuôi của xã đạt gần 20 tỷ đồng. Các chính sách về lao động, hỗ trợ đào tạo nghề được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã triển khai tích cực đã góp phần nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo. Qua rà soát, kết thúc năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 1,41% (giảm 3,17% so với năm 2021), tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 2,92% (giảm 2,33% so với năm 2021), thu nhập bình quân đạt hơn 52 triệu/đồng/người/năm (tăng gần 10 triệu đồng so với năm 2021).

Kinh tế phát triển, người dân có điều kiện góp công, góp của kiến thiết quê hương. Để hoàn thành các tiêu chí đưa xã Xuân Cẩm về đích NTM nâng cao cuối năm 2023, nhân dân 5 thôn trên địa bàn xã đã hiến gần 30 nghìn m2 đất ở và đất trồng cây lâu năm, tham gia hơn 2 nghìn ngày công lao động và ủng hộ 2 tỷ đồng để mở rộng hơn 8 km đường giao thông.

 Tuyến đê kiểu mẫu đoạn qua thôn Cẩm Bào được mở rộng nhờ người dân hiến đất.

Tuyến đê kiểu mẫu đoạn qua thôn Cẩm Bào được mở rộng nhờ người dân hiến đất.

Đến nay, toàn bộ trục đường chính của 5 thôn đều được mở rộng từ 3,5 m lên 7 đến 12 m, tạo thuận lợi trong việc sinh hoạt, đi lại và phát triển sản xuất, kinh doanh. Tiêu biểu như, để xây dựng tuyến đê kiểu mẫu dài 5,4 km qua địa bàn xã, người dân sinh sống dọc đê đã tự nguyện hiến đất, phá dỡ công trình, nhà ở giải tỏa hành lang thông thoáng, phong quang. Trong đó nhiều gia đình đã tự nguyện dỡ nhà ngói cổ 5 gian, nhà trần 2 tầng hoặc phá bỏ phòng khách để mở rộng đường đủ 12 m.

Ông Ngô Xuân Thủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Cẩm cho biết: “Nhờ sự đoàn kết, nhất trí của Đảng bộ, chính quyền và chung sức, đồng lòng của người dân, Xuân Cẩm hoàn thành các nội dung, hạng mục, công trình theo từng nhóm tiêu chí và cán đích xã NTM nâng cao đúng lộ trình. Để duy trì và củng cố các tiêu chí, cùng với các nguồn lực của tỉnh, huyện, chúng tôi quan tâm đào tạo nghề, khuyến khích, hỗ trợ người dân giải quyết nhiều việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, từ đó có thêm nguồn lực kiến thiết quê hương”.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/dan-giau-lang-que-doi-moi-111001.bbg