Dân Hàn Quốc phẫn nộ vì bộ râu của đại sứ Mỹ gốc Nhật
Vẻ ngoài của Đại sứ Mỹ Harry B. Harris Jr, người mang hai dòng máu Mỹ và Nhật Bản, khiến không ít người dân Hàn Quốc liên tưởng đến hình ảnh thời thuộc địa.
Quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn vốn đang nhiều sóng gió, nay lại nảy sinh một thách thức ngoại giao đầy hy hữu: Bộ ria mép của đại sứ Mỹ.
Vẻ ngoài của ông Harry B. Harris Jr. đã trở thành đề tài chế giễu và phẫn nộ của nhiều người dân Hàn Quốc. Tâm lý thù ghét Nhật Bản vẫn ăn sâu vào tâm trí dân tộc. Trong giai đoạn thuộc địa từ năm 1910 - 1945, nhiều quan chức cai trị do Nhật Bản cử sang bán đảo Triều Tiên cũng để cùng kiểu râu này.
Rắc rối vì có mẹ người Nhật Bản
“Bộ râu mép của tôi, vì một số lý do, đã trở thành vấn đề đáng chú ý tại nước này”, ông Harris, một quan chức hải quân Mỹ về hưu, ngày 16/1 phải lên tiếng biện minh cho vẻ ngoài của mình.
“Tôi bị chỉ trích bởi truyền thông nơi đây, đặc biệt là trên mạng xã hội, vì xuất xứ sắc tộc của mình, vì tôi là một người Mỹ gốc Nhật”, nhà ngoại giao 63 tuổi chia sẻ với báo giới tại Seoul.
Ông Harris được chỉ định là đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc vào tháng 7/2018. Nhà ngoại giao nhấn mạnh quyết định để râu mép không liên quan gì đến nguồn gốc Nhật Bản của mình. Ông cạo râu trong phần lớn thời gian biên chế hải quân và chỉ bắt đầu chọn cho mình diện mạo mới để đánh dấu quyết định về hưu.
Quyết định bổ nhiệm ông Harris đến Seoul được công bố giữa lúc quan hệ Nhật - Hàn đang khủng hoảng vì các tranh cãi liên quan đến giai đoạn Đế quốc Nhật chiếm đóng bán đảo Triều Tiên. Nhiều người dân Hàn Quốc xem việc đại sứ Mỹ có gốc gác Nhật Bản là cú tát vào thể diện quốc gia.
Một trong những câu hỏi đầu tiên cho ông Harris khi lần đầu đặt chân đến Hàn Quốc cũng là về bộ râu mép của ông. Một số người Hàn Quốc nghĩ đây là sự sỉ nhục được tính toán từ trước.
“Mẹ ông Harris là người Nhật. Chỉ cần bấy nhiêu là đủ cho chúng ta ghét ông ấy. Ông ấy sẽ chọn về phe ai nếu phải đứng giữa Hàn Quốc và Nhật Bản”, một blogger trên mạng xã hội Hàn Quốc chia sẻ vào tháng 12/2019.
Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump đang kiên quyết đòi Hàn Quốc tăng gấp 5 lần đóng góp thường niên cho chi phí đồn trú của khoảng 28.500 quân Mỹ. Kể từ khi nhậm chức, Đại sứ Harris không ngừng thúc đẩy những yêu sách từ Washington trong vấn đề này.
Ông cũng truyền tải những thông điệp gây áp lực từ Washington, yêu cầu Seoul rút lại quyết định xé bỏ thỏa thuận chia sẻ tình báo quân sự với Tokyo. Giới chức Mỹ nhìn nhận thỏa thuận này mang ý nghĩa chiến lược để đối phó Trung Quốc và Triều Tiên.
Trong cùng ngày 16/1, Đại sứ Harris tiếp tục có phát biểu can thiệp vào vấn đề liên Triều. Ông cho rằng Seoul cần có sự tham vấn của Washington nếu có những trao đổi mới với Bình Nhưỡng.
Một trong các vấn đề được quan tâm là khả năng Hàn Quốc cho du khách sang Triều Tiên, đã được Tổng thống Moon Jae In đề cập vào tuần này. Theo Đại sứ Harris, việc tham vấn nhằm đảm bảo các lệnh trừng phạt Triều Tiên được đảm bảo.
Những bình luận như thế đã tạo ra hình ảnh một đại sứ Mỹ có phần kiêu ngạo và lấn quyền đối với người dân Hàn Quốc.
Lee Sang Min, người phát ngôn chính phủ Hàn Quốc, ngày 17/1 nhấn mạnh chính sách với Triều Tiên là “một vấn đề chủ quyền” của Hàn Quốc. Nhiều quan chức cấp cao tại Seoul cũng chỉ trích ông Harris “can thiệp vào vấn đề nội bộ” và “hành xử như một quan tổng đốc”.
Mỗi thâm thù giữa hai đồng minh
Tuy nhiên, ẩn sau sự hoài nghi của người Hàn Quốc về vị đại sứ Mỹ chủ yếu vẫn là vấn đề sắc tộc. Ông Harris không mất quá nhiều thời gian để nhận ra chỉ cần một kiểu râu đặc trưng và lý lịch gia đình cũng đủ kích động tâm lý thù ghét Nhật Bản trong lòng người dân Hàn Quốc.
Những màn công kích nhắm vào đại sứ Mỹ đã chuyển sang khía cạnh đời tư nhiều hơn. Tháng 10/2019, cảnh sát Hàn Quốc phải bắt giữ hơn 10 nhà hoạt động là sinh viên đột nhập vào nhà riêng của Đại sứ Harris, phản đối việc Mỹ đòi Hàn Quốc san sẻ thêm chi phí đồn trú quân đội. Nhóm sinh viên yêu cầu ông Harris phải rời khỏi Hàn Quốc. Các hãng truyền thông địa phương săm soi từng nhận định và đăng tải trên Twitter của nhà ngoại giao.
“Bộ râu mép đang gắn liền với hình ảnh nước Mỹ thời gian qua thiếu tôn trọng và thậm chí tìm cách chèn ép Hàn Quốc. Ông Harris thường bị dè bỉu giống quan tổng đốc hơn là một đại sứ”, Korea Times cho biết.
Trong một cuộc biểu tình ở trung tâm thủ đô Seoul tháng trước, nhiều nhà hoạt động trẻ tuổi bày tỏ sự phẫn nộ bằng cách “nhổ râu đại sứ” được gắn trên tấm áp phích lớn in hình ông Harris.
Cho rằng thái độ thù ghét này là bất công cho mình, đại sứ Mỹ nhấn mạnh việc để râu mép vào đầu thế kỷ 20 không chỉ phổ biến ở Nhật Bản mà còn tại phương Tây và nhiều nhà lãnh đạo kháng chiến trên bán đảo Triều Tiên.
Trả lời phỏng vấn Korea Times cuối năm 2019, Đại sứ Harris chia sẻ vấn đề lý lịch của ông chỉ gây chú ý trong sự nghiệp đúng hai lần, tại Hàn Quốc hiện nay và trước đó là Trung Quốc.
Khi ông còn giữ vị trí chỉ huy Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, ông thường mạnh mẽ chỉ trích các động thái hung hăng của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Truyền thông Trung Quốc đáp lại bằng cách công kích gốc gác Nhật Bản của vị tư lệnh Mỹ.
“Tôi hiểu rõ sự thù hằn mang tính lịch sử giữa hai nước. Nhưng tôi không phải là đại sứ Mỹ gốc Nhật tại Hàn Quốc. Tôi là đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc. Thật sai lầm khi lấy vấn đề lịch sử gán ghép cho tôi chỉ vì sự trùng hợp hi hữu về cách tôi được sinh ra”, Đại sứ Harris nói ông cũng không có ý định thay đổi kiểu râu của mình.