Dân hỏi - Chính quyền trả lời: Y tế cơ sở 'gánh' lượng công việc khổng lồ

Trước dịch Covid-19, các trạm y tế phường, xã tại TP HCM phải thực hiện hơn 20 chương trình y tế từ cấp quốc gia đến địa phương, khi dịch bùng phát, khối lượng công tăng lên nhiều lần. Trong khi đó nhân lực mỏng, nhân viên y tế phải gồng gánh, làm việc liên tục để hoàn thành nhiệm vụ.

9 giờ ngày 13-2, Chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời" của TP HCM với chủ đề "Y tế cơ sở - Sức khỏe cộng đồng", giải đáp thắc mắc của người dân liên quan đến chất lượng y tế cơ sở, sức khỏe cộng đồng.

Tình trạng thiếu thốn nhân lực ở các trạm y tế đã tồn tại từ lâu vì dân cư đông. Qua các đợt dịch, năm 2021 TP HCM có khoảng 1.000 nhân viên y tế tuyến cơ sở xin nghỉ việc vì áp lực và thu nhập thấp. Điều này khiến y tế cơ sở lại càng thiếu nhân lực.

Toàn cảnh chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời" của TP HCM diễn ra ngày 13-2

Toàn cảnh chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời" của TP HCM diễn ra ngày 13-2

Ông Phạm Quang Lâm, cử tri phường Đa Kao, quận 1 đặt câu hỏi: Thực trạng hoạt động của các trạm y tế trong tình hình mới như thế nào?

Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết y tế cơ sở đã dần khôi phục trở lại chức năng thường quy, với khối lượng công việc rất lớn, có thể nói là khủng lồ. Mỗi cơ sở y tế phải đảm đương 19 chương trình y tế quốc gia. Với khối lượng đó, biên chế còn hạn hẹp, anh em y tế phải tăng ca, một người đảm đương nhiều việc. Đây là vấn đề thể hiện sự quá tải và điểm yếu của y tế cơ sở. Chúng ta cần tăng cường, bổ sung cho y tế cơ sở.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM trả lời các câu hỏi của cử tri TP

Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM trả lời các câu hỏi của cử tri TP

Tiếp theo vấn đề này, anh Nguyễn Vũ Trường An, Trưởng trạm y tế phường Tân Quy, quận 7, đặt vấn đề, trạm này có 5 nhân viên gồng gánh hơn 20 chương trình từ quốc gia đến địa phương. Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, trạm đã phải gồng gánh hết sức, làm việc hơn 100% sức lực.

"Với tình hình mới, trạm tôi không đủ nguồn lực để đáp ứng công việc. Tôi đề xuất với TP có chính sách thu hút nguồn nhân lực về làm việc tại y tế cơ sở" - anh An nói.

Trả lời vấn đề này, ông Lâm Hùng Tấn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM, thông tin với quy định hiện nay mỗi trạm y tế chỉ có 5-10 nhân viên, không thể đáp ứng được nhu cầu của người dân, chỉ phù hợp với địa bàn với phường xã có 6.000 đến 20.000 dân, tại TP HCM thì hầu hết các địa phương đều nhiều hơn.

TP đã nghiên cứu và đề xuất các bộ ngành liên quan theo hướng mỗi trạm y tế có ít nhất 10 nhân viên y tế/ 20.000 dân, thêm 2.000 đến 3.000 dân thì thêm 1 nhân viên y tế để phù hợp với cơ cấu dân số của từng địa phương. Bên cạnh đó TP tăng cường thêm trạm y tế lưu động và chế độ chính sách để thu hút nguồn nhân lực tham gia công tác tại y tế cở sở.

Ông Nguyễn Anh nói thêm, trong chương trình nâng cao năng lực y tế cơ sở thì có mục chăm sóc cho người cao tuổi, người có bệnh mạn tính, tới đây sẽ mở rộng danh mục khám, phát thuốc này để các cô bác về khám tại trạm.

Trước mắt sẽ tăng cường mở rộng các phòng khám đa khoa vệ tinh đặt tại trạm y tế để có thể thanh toán theo danh mục của BHYT. Thứ hai, tăng cường số trạm ngoài biên chế theo địa bàn, vị trí địa lý, diện tích dân cư, mật độ dân số. Thứ ba, tăng cường nguồn nhân lực bằng cách mở rộng chế độ chính sách cho nhân viên y tế đã nghỉ hưu nhưng có chuyên môn cao, luân phiên bác sĩ từ bệnh viện tới trạm để nâng cao tay nghề, chăm sóc cho bệnh nhân hơn. Thứ 4, có chính sách hỗ trợ để giữ chân nhân viên y tế tại trạm.

Ngoài ra mô hình hoạt động của trạm theo nguyên lý y học gia đình thì có phần mềm kết nối trực tiếp giữ trạm với bệnh viện tuyến cuối để vừa đạt chất lượng chuyên môn, vừa tăng cường sự tin tưởng của người dân.

Cử tri Kiều Anh Nguyễn hỏi đối tượng nào được hưởng chế độ ở trạm y tế? Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho hay loại hình chi trả ở trạm y tế cơ sở là khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu hưởng 100%, y tế dự phòng thì theo quy định của Bộ Y tế, bảo hiểm y tế.

Đại diện BHXH TP nói thêm, cơ quan BHXH đang triển khai khám BHYT ở 168 trạm chiếm hơn 50% tổng số trạm y tế tại TP HCM, số thẻ đăng kí là 9.000/8,2 triệu thẻ đã phát hành, chỉ có 114.000 lượt khám trong năm qua, chiếm tỷ lệ rất thấp. Người dân ít đến trạm khám vì TP có mạng lưới các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa đăng kí khám ban đầu chất lượng. Bác sĩ khám ở trạm thì ít nên không đảm bảo được việc khám cho người dân; thuốc được phân bổ ở trạm ít, không đảm bảo cấp phát cho người dân.

"TP cần mở phòng khám gia đình, luân phiên bác sĩ, khám từ xa… nếu thực hiện trên toàn trạm mà ổn thì sẽ triển khai ở tất cả các trạm còn lại" - đại diện BHXH TP đề xuất giải pháp.

Về đầu tư công nghệ thông tin cho y tế cơ sở, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám Đốc sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, cho biết đầu tư cơ sở vật chất cho chuyển đổi số, đô thị thông minh của TP là khoảng 80 dự án với trên 11.000 tỷ. Sở đã có thông qua 5 dự án với 2.600 tỷ, đang triển khai giai đoạn đầu. Để cơ sở y tế áp dụng nhiều hơn chuyển đổi số, sở sẽ tiếp tục trình UBND TP các dự án tiếp theo.

Về đầu tư cơ sở vật chất, xây mới hoặc sửa chữa nâng cấp cho y tế cở sở, ông Anh Tuấn thông tin thêm, trong kế hoạch các dự án giai đoạn 2021-2025 UBND TP đã thông qua 76 dự án đầu tư lĩnh vực y tế với số vốn 10.700 tỷ. Riêng năm 2022, tổng vốn đầu tư cho 60 dự án của y tế là 5.042 tỷ đồng.

Ng.Thuận

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/dan-hoi-chinh-quyen-tra-loi-y-te-co-so-ganh-luong-cong-viec-khong-lo-20220213100357703.htm