Dân kêu cứu vì nhiều mỏ đá ở Quảng Bình hoạt động gây ô nhiễm nghiêm trọng
Ba doanh nghiệp khai thác đá hoạt động suốt ngày đêm, gây ra ô nhiễm và gây nguy hiểm đến tính mạng, khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân ở xã Trường Xuân (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) bị đảo lộn.
Suốt nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân ở xã Trường Xuân phải vật lộn với tiếng ồn đinh tai và bụi bặm mịt mù thoát ra từ các mỏ đá đang hoạt động ngày đêm trên địa bàn xã. Từ lúc các mỏ đá được cấp phép hoạt động khai thác đến nay, người dân ở xã Trường Xuân chưa lúc nào có được một cuộc sống bình yên.
Sống chung với ô nhiễm
Trao đổi với phóng viên Doanh nhân Việt Nam, anh Hồ Toàn (37 tuổi, ngụ bản Khe Ngang, xã Trường Xuân) - Phó Bí thư Chi bộ bản Khe Ngang cho biết, những ngày nắng nóng như đổ lửa, xe tải chở đá chạy rầm rầm trên con đường xuống cấp nghiêm trọng trước nhà anh Toàn, khiến bụi bay vào trong, căn nhà của anh luôn trong tình trạng đóng kín cửa. Đồ đạc, áo quần để để ngoài trời chỉ khoảng 30 phút đã phủ một lớp bụi dày đặc.
Để hạn chế bụi bay vào nhà, gia đình anh Toàn phải căng tấm vải bao bọc xung quanh trước sân nhà và tưới nước thường xuyên, nhưng cũng chỉ là giải pháp tạm thời, bụi vẫn bay được vào trong. “Những lúc ăn cơm, cả nhà phải chịu khó nóng nực mà đóng kín mọi cửa sổ, cửa chính trong nhà, cố gắng ăn cho xong rồi mới mở cửa ra cho mát, chứ không là bụi bám vào cơm, canh hết” - anh Toàn chia sẻ.
Anh Toàn cũng cho biết, việc nổ mìn của mỏ đá gây ra rung chấn mạnh, làm cho nhiều căn nhà ở khu vực gần đó đều bị rạn nứt. Thậm chí, có nhiều căn nhà vừa mới xây lên được khoảng vài tháng cũng xuất hiện các vết nứt do việc nổ mìn gây ra, khiến nhiều hộ dân không khỏi bức xúc.
“Có người được Nhà nước xây cho căn nhà tình thương, mới xây xong mới được vài tháng, chưa ở được bao lâu thì nhà đã bị nứt rồi. Từ khi mỏ đá về đây, nhà mới nhà cũ gì cũng bắt đầu xuất hiện các vết nứt, giờ chúng tôi cứ để đó chứ không biết khắc phục thế nào” - anh Toàn than thở.
Nhà chỉ cách mỏ đá của Công ty TNHH VT&TM Hòa Phát khoảng 100m, chị Hồ Thị Thủy (44 tuổi, ngụ bản Khe Ngang, xã Trường Xuân) cho biết, mỗi lần công trường bắt đầu hoạt động, chị và con dâu phải đóng kín cửa trốn trong nhà. Chỉ cần hé cửa một chút thôi, những dòng “bão bụi” sẽ ập vào bên trong nhà, mọi vật dụng, chăn màn đều bị phủ trong bụi.
“Con dâu của tôi đang mang thai, nên sống ở bên mỏ đá thế này tôi lo cho sức khỏe của nó lắm. Người mới tới chỉ cần ở đây 30 phút thôi là rát mũi vì bụi rồi. Chúng tôi ở bên mỏ đá nhiều năm, hít bụi mãi bây giờ cũng không còn cảm giác rát nữa. Chỉ sợ sau nó thành bệnh tật, không có tiền mà chạy chữa”, chị Thủy cho biết.
Nhưng bụi ô nhiễm không phải là vấn đề nghiêm trọng nhất, mà đó là những viên đá to như quả cam bay ra từ những lần nổ mìn, đâm thủng mái nhà của chị Thủy, đe dọa tính mạng của mọi người trong gia đình. Hiện tại, phía trên mái nhà, vẫn còn lộ rõ vết thủng do đá rơi vào từ vụ nổ mìn vài tuần trước, chị Thủy chỉ biết lấy một miếng fibro xi măng vỡ vụn để đắp lại tạm thời.
Được biết, mỗi lần có đá rơi vào nhà làm thủng mái hoặc hư hỏng đồ đạc, thì gia đình chị Thủy được doanh nghiệp khai thác bồi thường 200.000 đồng cùng với vài tấm lợp fibro xi măng khác để gia đình chị tự thay thế. Còn việc lần sau có bị đá rơi vào nhà nữa hay không, thì doanh nghiệp không cam kết điều này.
Theo anh Hồ Toàn, người dân ở bản Khe Ngang đã rất nhiều lần kêu cứu tới chính quyền địa phương, thậm chí làm đơn gửi tới các cơ quan chức năng yêu cầu hạn chế tình trạng nổ mìn khai thác đá, nhưng đến nay tình vẫn chưa được giải quyết.
Chính quyền xã “bó tay”
Theo ghi nhận của phóng viên, tuyến đường dân sinh từ bản Khe Ngang ra đường mòn Hồ Chí Minh được cơ quan chức năng cắm biển cấm xe tải trọng trên 7 tấn. Tuy nhiên, vẫn có nhiều xe chở đá quá tải vẫn chạy ngày đêm qua đây. Vì tất cả các mỏ đá ở đây chỉ có duy nhất con đường này để chở vật liệu ra ngoài.
Được biết, tuyến đường dân sinh này đang phải “gánh” ba doanh nghiệp khai thác bao gồm: Công ty TNHH VT&TM Hòa Phát, Công ty TNHH Thục Linh, Công ty TNHH Thế Thịnh.
Ông Võ Thành Đồng – Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân cho biết, phản ánh của người dân về việc bụi ô nhiễm, nổ mìn gây nứt nhà từ các mỏ đá là có thật, nhưng hiện tại xã cũng chưa có giải pháp nào để xử lý dứt điểm tình trạng đó.
“Chúng tôi cũng có nhiều văn bản cho các công ty khai thác đề nghị giảm lại lượng mìn, có biện pháp hạn chế bụi bay vào khu dân cư. Nhưng xã chỉ có thể giám sát, chứ để kiểm tra và xử phạt thì chính quyền xã không đủ thẩm quyền để làm việc đó”, ông Đồng cho biết.
Theo ông Đồng, tuyến đường dân sinh từ bản Khe Ngang ra đường mòn Hồ Chí Minh đã có từ lâu, mấy năm trở lại đây hoạt động khai thác đá rầm rộ nên đường xuống cấp nghiêm trọng. Chính quyền đã nhiều lần yêu cầu các doanh nghiệp khai thác đá tăng cường tưới nước, xe chở đá không được quá thùng, chạy chậm trong khu dân cư.
Ông Nguyễn Viết Giai – Trưởng Phòng TNMT huyện Quảng Ninh cho biết, trước đó đơn vị cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp khai thác có biện pháp để hạn chế tình trạng ô nhiễm tại xã Trường Xuân, nhưng vẫn chưa khắc phục được triệt để.
Cũng theo ông Giai, hiện tại tỉnh cũng đã có dự án và đang thi công mở một tuyến đường mới từ các mỏ đá ở bản Khe Ngang ra ngoài để tránh khu vực đông dân cư. Từ đó giảm thiểu được tình trạng ô nhiễm và đường xá dân sinh ở xã Trường Xuân cũng sẽ được tu sửa lại trong tương lai.
“Người dân hiện tại cũng rất khổ và bức xúc, vì họ buộc phải "sống chung với lũ". Mỏ đá thì không thể dừng khai thác được, dù doanh nghiệp cũng có tưới nước sửa đường nhưng tình trạng này kéo dài mãi cũng không ổn. Nên việc có tuyến đường tránh trong tương lai sẽ giải quyết triệt để tình trạng này”, ông Giai cho biết.