Dân kêu cứu vì ô nhiễm xử lý rác
Vài năm nay, người dân các xã Cổ Dũng, Tuấn Việt, Cộng Hòa... của huyện Kim Thành, Hải Dương đang phải gánh chịu ô nhiễm từ 2 nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người dân. Mặc dù nhà máy xử lý rác thải nằm ở xã Việt Hồng, cuối huyện Thanh Hà nhưng người dân xã Cổ Dũng, Tuấn Việt, Cộng Hòa... của huyện Kim Thành lãnh đủ mùi hôi thối ô nhiễm và khói bụi từ 2 nhà máy này.
Theo tìm hiểu, 2 nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt (RTSH) đóng trên địa bàn xã Việt Hồng, huyện Thanh Hà do Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương và Công ty CP Môi trường APT-Seraphin Hải Dương quản lý. Tổng công suất thiết kế của 2 nhà máy khoảng 450 tấn RTSH/ngày đêm. Hiện các nhà máy đang tiếp nhận, xử lý khoảng 195 tấn RTSH/ngày đêm của TP. Hải Dương và 7 xã, thị trấn trong huyện Kim Thành. Nhà máy được kỳ vọng là nơi biến rác thải sinh hoạt thành phân hữu cơ (khoảng 12.390 tấn phân hữu cơ/năm). Tuy nhiên, khi hoạt động, nhà máy chỉ xử lý được 45% rác, còn lại phải đốt.
Ông Nguyễn Văn Nghiệp - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kim Thành cho biết, tình trạng ô nhiễm môi trường do 2 nhà máy trên đã được người dân kiến nghị, phản ánh tại nhiều cuộc họp, cuộc tiếp xúc cử tri. Huyện Kim Thành cũng đã nhiều lần kiến nghị với cơ quan chức năng sớm kiểm tra, có giải pháp phù hợp hạn chế ô nhiễm môi trường nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết, gây bức xúc cho nhân dân.
Cũng theo ông Nghiệp, để phục vụ cho công tác quản lý môi trường trên địa bàn, Sở TN&MT tỉnh Hải Dương đã lắp đặt 1 trạm quan trắc không khí tự động tại UBND xã Cổ Dũng nhưng trạm này vẫn chưa hoạt động.
Theo ông Ninh Văn Khanh - Chủ tịch UBND xã Tuấn Việt cho biết, không chỉ gây ô nhiễm không khí mà 2 nhà máy xử lý RTSH ở Thanh Hà còn khiến môi trường nước bị ô nhiễm bởi lượng lớn rác thải, chất thải chưa được xử lý nằm phơi trên đất, gặp mưa sẽ thẩm thấu qua đường nước.
Người dân và chính quyền địa phương mong các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ quy trình xử lý rác tại 2 đơn vị này; đồng thời chỉ đạo đổi mới công nghệ xử lý rác thải. Sở TN&MT sớm đưa các trạm quan trắc không khí tự động vào hoạt động, thường xuyên đánh giá mức độ ô nhiễm không khí tại các khu dân cư xung quanh 2 nhà máy để có những kết quả khách quan, trung thực gửi tới người dân...
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Cổ Dũng, ông Nguyễn Danh Mậu phân trần, nhà máy xử lý rác thải này không nằm trên địa bàn. Xã có cái khó là chỉ quản lý về mặt hành chính, còn về chuyên môn thì không biết và không có thẩm quyền xử lý.
Trước đó, tháng 1/2018, nhà máy này bị bắt quả tang xả thải ra kênh tưới tiêu thoát nước cho cả một lưu vực rộng lớn thuộc TP. Hải Dương. Mới đây, vào tháng 5/2020, nhà máy xử lý rác thải Việt Hồng (đơn vị chủ quản là công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương) từng bị phản ánh gây ô nhiễm, giờ đây tiếp tục đổ tro thải ra môi trường.
Ngày 18/7, chứng kiến những cột khói từ 2 nhà máy xử lý RTSH tại xã Việt Hồng đang xả ra môi trường, thời tiết nóng bức, khói có mùi khét lẹt, gặp gió tràn vào khu dân cư, không khí càng ngột ngạt. Hơn 4 năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn T. ở xã Cổ Dũng chỉ cách nhà máy xử lý RTSH khoảng 400m luôn phải sống trong cảnh ô nhiễm, ở nhà cũng phải đeo khẩu trang, ra vào cũng phải đóng cửa - ông T cho biết.
Theo người dân ở đây cứ tối đến, họ phải cửa đóng then cài để tránh mùi hôi thối nồng nặc theo hướng gió từ nhà máy xử lý rác thải. Ông Nguyễn Tiến Hùng - Trạm trưởng Trạm y tế xã Cổ Dũng xác nhận, xã Cổ Dũng có 3 thôn, khoảng 7 vạn dân thì hầu hết người dân bị ảnh hưởng. Kinh khủng nhất là bắt đầu buổi chiều cho đến đêm, thời điểm nhà máy hoạt động nhiều nhất.
Thiết nghĩ, cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương cần vào cuộc xác minh, kiểm tra để bảo vệ an toàn sức khỏe người dân, tránh để tình trạng trên kéo dài, gây bức xúc cho nhân dân.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dan-keu-cuu-vi-o-nhiem-xu-ly-rac-n177355.html