Dân khổ vì những bản án hành chính không được thi hành
Mất gần chục năm đi khiếu kiện các quyết định hành chính nhưng đến khi có bản án, người dân lại phải vất vả đi yêu cầu thi hành án.
Liên quan đến dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội (giai đoạn 2, đường song hành Xa lộ Hà Nội) thuộc địa bàn quận 2 (nay là TP Thủ Đức), mặc dù dự án sắp hoàn thiện và các quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường cho người dân đã ban hành hơn chục năm qua nhưng đến nay nhiều hộ dân tại đây vẫn gian nan khi yêu cầu UBND TP Thủ Đức thi hành bản án hành chính của tòa để đòi lại quyền lợi cho mình.
Án có hiệu lực sau năm năm vẫn chưa thi hành
Ông Trần Hữu Trọng (phường Thảo Điền, TP Thủ Đức, TP.HCM) là một trong các hộ dân vẫn đang miệt mài yêu cầu UBND TP Thủ Đức thi hành bản án hành chính của TAND Cấp cao tại TP.HCM.
Theo đó, bị thu hồi đất nhưng bồi thường không thỏa đáng khiến ông Trọng phải đi khởi kiện liên quan đến phần diện tích 239,8 m2 thu hồi đất bổ sung và 190 m2 đất trong hành lang ống nước.
Cụ thể, tháng 11-2010, chủ tịch UBND quận 2 ban hành Quyết định 15650 về việc bồi thường, hỗ trợ bổ sung với phần diện tích trên là 1,3 tỉ đồng.
“Tôi được thưởng khi giải phóng mặt bằng, thế mà...”
Tại dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội, tôi là một trong số những hộ dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng và được UBND quận 2 lúc đó trao thưởng 2,5 triệu đồng. Tuy nhiên, đến khi áp giá bồi thường, các cơ quan lại xác định sai dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi nên buộc tôi phải đi kiện.
Tôi cũng là người đại diện trong vụ kiện của cha mình là ông Trần Hữu Hạnh. Mặc dù ủy ban đã THA và ban hành quyết định mới nhưng suy cho cùng thì cũng như cũ, vô hình trung đẩy người dân vào tình thế phải tiếp tục đi kiện hành chính một vòng nữa.
Ông TRẦN HỮU TRỌNG
Không đồng ý, ông Trọng đã khiếu nại và yêu cầu tính lại giá bồi thường. Đến tháng 9-2014, UBND quận 2 ban hành Quyết định 3810, tính lại giá bồi thường đối với phần diện tích 190 m2 (số tiền bồi thường bổ sung tăng thêm 1,1 tỉ đồng) nhưng lại không tính giá bồi thường tăng thêm đối với phần diện tích 239,8 m2. Cho rằng việc áp giá bồi thường là sai nên ông Trọng đã khởi kiện yêu cầu hủy hai quyết định trên.
Tháng 6-2017, TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm đã tuyên buộc UBND quận 2 thực hiện hỗ trợ lại cho ông Trọng theo hướng tăng giá đất bồi thường và tính lãi suất do chậm thực hiện bồi thường.
Do không tự nguyện thi hành án (THA) nên tháng 10-2017, TAND TP.HCM đã ra quyết định buộc THA đối với UBND quận 2. Tiếp đó, từ tháng 12-2017 đến tháng 10-2020, Cục THA dân sự TP.HCM đã có năm văn bản gửi UBND quận 2 để đôn đốc, đề nghị thực hiện nghiêm bản án. Sở Tư pháp TP.HCM và Văn phòng Chính phủ cũng có phiếu chuyển đề nghị xem xét, giải quyết phản ánh của ông Trọng về việc UBND quận 2 không THA.
Đáng chú ý, tháng 7-2020, TAND Tối cao đã ban hành Công văn 323 với nội dung không có căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm mà TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên, theo đề nghị của UBND quận 2.
Thế nhưng tính đến nay đã hơn năm năm, UBND quận 2 (nay là TP Thủ Đức) vẫn chưa thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Từ bồi thường 12,9 triệu lên 1,2 tỉ đồng
Cũng tại dự án này, một trường hợp khác là bà Nguyễn Thị Trường (81 tuổi) cho biết năm 2011, UBND quận 2 ban hành quyết định bồi thường cho gia đình bà với tổng số tiền là 12,9 triệu đồng.
Sau đó, bà Trường khiếu nại và được Thủ tướng, Bộ TN&MT có văn bản chỉ đạo thực hiện bồi thường lại theo đúng quy định của pháp luật.
Mãi ba năm sau UBND quận 2 mới ra quyết định bồi thường, hỗ trợ bổ sung mới với tổng số tiền là 1,2 tỉ đồng và lãi suất phát sinh. Không đồng ý, bà Trường tiếp tục khiếu nại, và khởi kiện.
Xử phúc thẩm vào tháng 10-2022, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên chấp nhận một phần kháng cáo về nội dung tính tiền lãi chậm trả. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Trường, buộc UBND TP Thủ Đức (quận 2 cũ) phải bồi thường cho diện tích 83,25 m2 theo giá đất ở (trước đó bồi thường theo giá đất nông nghiệp). Ngoài ra, tòa còn tuyên buộc UBND TP Thủ Đức phải thực hiện bồi thường theo đúng quy định của pháp luật.
Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật đến nay đã tám tháng, quá thời gian tự nguyện THA nhưng UBND TP Thủ Đức vẫn chưa thi hành bản án.
Mới đây nhất, ngày 3-3, văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND TP.HCM đã có văn bản chuyển đơn yêu cầu THA của bà Trường cho chủ tịch UBND TP Thủ Đức để xem xét, giải quyết.
Thi hành án cũng như không
Nếu như trường hợp của bà Trường và ông Trọng, ủy ban không chịu THA thì với ông Trần Hữu Hạnh (cũng tại dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội), việc THA đã xong nhưng không có nhiều ý nghĩa.
Ông Hạnh khởi kiện ra tòa yêu cầu hủy quyết định bồi thường vì cho rằng các quyết định này đã xác định không đúng loại đất bồi thường.
Xử phúc thẩm vào tháng 10-2019, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên hủy các quyết định bồi thường đã ban hành để UBND quận 2 xem xét lại việc bồi thường, hỗ trợ cho ông Hạnh với nhận định cần xác định lại loại đất khi bồi thường lại. Đồng thời, xem xét bồi thường tiền lãi do chậm chi trả.
Sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, UBND quận 2 đã thi hành bản án.
Tuy nhiên, điều đáng nói là nội dung của quyết định mới lại tương tự như quyết định bồi thường trước đó đã bị TAND Cấp cao hủy bỏ, khi vẫn áp giá đất nông nghiệp để bồi thường. Điều này vô hình trung dẫn đến thi hành xong bản án hành chính thì hệ quả pháp lý mang lại vẫn giống như ban đầu.
Nguồn PLO: https://plo.vn/dan-kho-vi-nhung-ban-an-hanh-chinh-khong-duoc-thi-hanh-post740827.html