Đạn không bay khỏi nòng
Cho dù Tổng thống Mỹ Donald Trump dùng thuật ngữ quân sự 'đã khóa mục tiêu và đạn đã lên nòng' để ám chỉ động thái sẵn sàng trả đũa Iran sau vụ việc hai cơ sở lọc dầu thuộc tập đoàn Aramco của Saudi Arabia bị tấn công hôm 18-9, khả năng Iran bị Mỹ hay Mỹ cùng đồng minh tấn công khó có thể xảy ra.
Ngay sau khi hai cơ sở lọc dầu ở Abqaiq và Khurais thuộc tập đoàn Aramco của Saudi Arabia bị tấn công bởi 18 máy bay không người lái và 7 tên lửa hành trình, phiến quân Houthi ở Yemen đã đứng ra nhận trách nhiệm. Thế nhưng, Saudi Arabia và Mỹ cho rằng phiến quân Houthi không đủ khả năng để thực hiện mà chính Iran mới là chủ mưu và thực hiện vụ tấn công. Phía Mỹ và Saudi Arabia đang thu thập thêm bằng chứng để chứng minh các tên lửa hành trình và máy bay không người lái được sử dụng trong cuộc tấn công xuất phát từ một địa điểm ở Iran.
Nếu đúng Iran thực hiện vụ tấn công trên, Mỹ và Saudi Arabia sẽ bị “trói tay” nếu muốn tấn công trả đũa Iran khi xem xét kỹ các lợi ích từ dầu mỏ, nhất là khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần.
Vụ tấn công vào hai cơ sở lọc dầu quan trọng vừa qua đã làm giảm 5,7 triệu thùng dầu của Saudi Arabia mỗi ngày, tương đương 5% nguồn cung dầu toàn cầu. Trong khi đó, mặc dù xuất khẩu dầu của Iran đã giảm đáng kể từ khi Washington tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên Tehran năm 2018, Iran vẫn sản xuất hơn 2 triệu thùng dầu mỗi ngày và xuất khẩu khoảng nửa triệu thùng dầu cùng khí hóa lỏng một ngày tới nhiều nước. Vậy nên, nếu Iran bị tấn công, cho dù chỉ bị không kích, thì nguồn cung dầu trên sẽ bị cắt đứt đột ngột trong lúc các nước sản xuất dầu phải cố gắng tìm cách bù lượng dầu thô thiếu hụt từ Saudi Arabia. Đây quả là một viễn cảnh ảm đạm với kinh tế thế giới nói chung và chính Mỹ cũng như Saudi Arabia rói riêng.
Một cuộc tấn công vào Iran cũng chỉ khiến tình hình tồi tệ hơn bởi Tehran sẽ không “giơ lưng chịu đòn” khi khả năng quân sự cùng lợi thế địa chính trị của quốc gia Hồi giáo này luôn khiến các đối thủ phải dè chừng. Giả thuyết Iran đứng sau hay trực tiếp thực hiện vụ tấn công vào các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia có đúng hay không thì khả năng bắn chính xác vào các mục tiêu của các tên lửa và máy bay không người lái bay tầm thấp từ rất xa vẫn khiến Mỹ và Saudi Arabia thực sự lo ngại. Thế nên, nếu Iran bị tấn công, các cơ sở lọc dầu hay các mục tiêu khác của Saudi Arabia đều có khả năng chịu tổn thất cao, cho dù đã được bảo vệ bằng những hệ thống phòng không tối tân.
Hơn thế, từ đầu năm nay, Iran đã chứng minh rằng lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo của họ có thể làm gián đoạn vận chuyển dầu khi bắt các tàu chở dầu hoặc rải thủy lôi, chất nổ ở vịnh Persia. Nghiêm trọng hơn, nếu xung đột leo thang, Iran có thể biến lời cảnh báo nhiều tháng nay của mình thành sự thật khi phong tỏa eo biển Hormuz. Nếu điều này xảy ra và cho dù Iran không thể phong tỏa lâu dài eo biển này, giá dầu thế giới chắc chắn sẽ tăng rất cao bởi chỉ vài vụ việc đơn lẻ từ đầu năm đến nay liên quan tới Iran đã khiến phí bảo hiểm tàu dầu qua eo biển Hormuz tăng gấp 10 lần.
Iran cũng rất khó bị tấn công bởi lợi ích kinh tế của chính Saudi Arabia và sự đe dọa tới an ninh năng lượng của Trung Quốc cũng như các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU). Nếu xung đột xảy ra, chắc chắn các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia sẽ bị tấn công hoặc buộc phải giảm năng suất trong khi chưa khắc phục được hậu quả của vụ tấn công hôm 14-9. Bên cạnh đó, Saudi Arabia là nhà cung cấp dầu lớn nhất cho Trung Quốc, chiếm tới khoảng 17% lượng dầu thô nhập khẩu của Bắc Kinh. Ngoài ra, Trung Quốc vẫn duy trì mua một lượng dầu thô hay các sản phẩm từ dầu mỏ của Iran, bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ. Tình hình cũng không có lợi cho các nước trong EU vì dù đã ngừng nhập khẩu dầu từ Iran và ít phụ thuộc vào nguồn cung dầu từ Saudi Arabia thì EU vẫn phải dựa vào nguồn cung dầu từ vùng Vịnh. Thế nên, nếu xung đột leo thang, giá dầu tăng, nguồn cung gián đoạn sẽ là lực cản lớn cho kinh tế EU và khiến nỗ lực nhằm khôi phục lại Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Iran ký với Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức), đưa dầu thô từ Iran trở lại thị trường dầu thế giới trở nên vô ích. Do vậy, Trung Quốc và EU sẽ không ủng hộ một cuộc tấn công vào Iran để bảo vệ các lợi ích kinh tế của mình.
Đặc biệt, Iran khó có thể bị tấn công vì chính lợi ích của Mỹ cũng như Đảng Cộng hòa của ông Donald Trump khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang cận kề. Mỹ đã vượt qua Saudi Arabia để trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới nhưng một khi xung đột leo thang ở vùng Vịnh đẩy giá dầu thô lên cao thì các nhà máy lọc dầu của Mỹ cũng phải chi nhiều cho nguyên liệu hơn cho dù nhập dầu thô ở bất kỳ đâu. Kết cục, giá các sản phẩm từ dầu mỏ sẽ tăng cao và người tiêu dùng Mỹ sẽ phải trả nhiều hơn. Đây sẽ là điều bất lợi trong vận động tranh cử, chưa kể đến kịch bản nó sẽ đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái trong lúc nền kinh tế Mỹ và những cử tri Mỹ đang chịu thiệt hại đáng kể bởi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung kéo dài suốt hơn một năm qua.
Xung đột, chiến tranh, dù với bất kỳ hình thức nào, sẽ đều gây ra những tổn thất cho các bên liên quan. Một cuộc tấn công nhằm vào Iran chắc chắn sẽ tác động rất tiêu cực tới nền kinh tế thế giới. Đạn đã lên nòng nhưng lệnh nổ súng vẫn có thể bị hủy khi người cầm súng cân nhắc kỹ trước khi bóp cò trong tình huống này. Giảm xung đột, khơi thông nguồn dầu-mạch máu của kinh tế thế giới-sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/dan-khong-bay-khoi-nong-591540