Dân kiện chính quyền
Gần 200 hộ dân ở chung cư Bemes, khu đô thị Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội đã nộp đơn kiện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ra tòa vì không được cấp 'sổ đỏ' cho căn hộ sau khi mua nhà tại dự án này.
Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội xác nhận là đang thụ lý đơn kiện.
Điều trớ trêu là theo quy hoạch được duyệt, dự án chung cư cao cấp và thương mại Bemes tại khu đô thị Kiến Hưng chỉ có 2 tòa chung cư là CT6A và CT6B, thế nhưng chủ đầu tư là Công ty CP Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bemes thuộc Tập đoàn Mường Thanh lại xây thêm tòa CT6C… Đó chính là nguyên nhân khiến dân kiện chính quyền.
Còn nhớ, đúng 1 năm trước, khi "đại gia điếu cày" bị khởi tố để điều tra về tội lừa dối khách hàng có liên quan đến dự án chung cư cao cấp và thương mại Bemes, cư dân tại khu chung cư này vô cùng hoang mang vì Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tiến hành thu hồi "sổ đỏ" đã cấp do có sai sót trong quá trình thẩm định…
Việc thu hồi "sổ đỏ" đã được dừng lại. Những người có trách nhiệm liên quan đến vụ việc đã bị kỷ luật. Nhưng dân vẫn buộc phải kiện chính quyền, vì sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, chỉ đạo gây hậu quả khó khắc phục của quan chức quận Hà Đông; sự lừa dối khách hàng của chủ đầu tư. Họ kiện, và chờ đợi quyền lợi của mình được bảo đảm…
Thực tế, việc dân kiện chính quyền không phải là hiếm. Nhiều vụ việc công lý đã đứng về phía người dân. Thế nhưng, ngay cả khi thắng kiện, người dân cũng không dễ dàng đòi được quyền lợi chính đáng của mình. Ví dụ như trường hợp ông Đặng Liệu (86 tuổi, trú Điện Nam Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) thắng kiện chính quyền (ngày 18/7/2019) nhưng gần 1 năm qua, Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn vẫn chưa chịu thi hành bản án hành chính.
Điều này cũng không khó hiểu, bởi trong báo cáo kết quả thực hiện các nghị quyết về chất vấn gửi đến đại biểu Quốc hội gần đây của Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long liên quan đến thực tiễn triển khai thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015, tỷ lệ chủ tịch UBND và người đại diện của UBND không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa còn cao và có xu hướng ngày càng tăng qua các năm… Số lượng án hành chính đã có hiệu lực nhưng chưa được thi hành xong còn nhiều do một số chủ tịch UBND và UBND chưa thực sự quan tâm, chưa xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác thi hành án hành chính.
Thực tế, ngay từ cuối năm 2018, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội sau khi giám sát đã chỉ ra rằng, nhiều chủ tịch tỉnh, UBND tỉnh không những đã "lười" đến tòa mà còn chây ì trong thi hành án hành chính. Rõ ràng, không chỉ cần phải thay đổi nhận thức, các quan chức chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu, cần phải bị xử lý kỷ luật nghiêm minh theo quy định của pháp luật khi không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong các vụ án hành chính. Có như thế, người đứng đầu nói riêng, chính quyền nói chung, mới được dân tin, dân yêu, và thấy rõ rằng mọi người đều sòng phẳng, bình đẳng trước pháp luật.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dan-kien-chinh-quyen-20200709093414897.html