Dân lo mất nhà, mất đất vì khai thác cát sông
Mấy ngày qua, người dân sống ở Cù Lao Giêng, xã Bình Phước Xuân (huyện Chợ Mới, An Giang) đứng ngồi không yên khi nghe thông tin, một doanh nghiệp trúng thầu khai thác cát sông.
Mới đây, một doanh nghiệp tại TPHCM, đã trúng thầu quyền khai thác mỏ cát với giá hơn 2.800 tỷ đồng, ở sông Tiền thuộc xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, An Giang. Mặc dù, việc khai thác chưa được triển khai, thế nhưng người dân sống ở khu vực này lại phải lo âu, ám ảnh vì sạt lở, sẽ mất đất, mất nhà…
Mấy ngày qua, người dân sống ở Cù Lao Giêng, xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang đứng ngồi không yên khi nghe thông tin, một doanh nghiệp tại TPHCM, đã trúng thầu quyền khai thác mỏ cát tại khu vực mình sinh sống. Nỗi lo mất đất, mất nhà lại một lần nữa rình rập người dân nơi đây.
Bà Nguyễn Thị Hiền, năm nay hơn 70 tuổi bức xúc: “Việc khai thác cát ở đây dân phản ánh nhiều lắm. Chúng tôi không đồng ý khai thác cát vì lở đất, dân lấy chỗ đâu mà ở. Bờ bên này bị lở chưa từng thấy. Mồ mả ông bà chôn ở sau hè này, bây giờ mà phải đào mồ, cuốc mả dời đi nữa, đó là cả một vấn đề”.
Được biết, mỏ cát này, thuộc nửa bờ sông Tiền phía bên tỉnh An Giang, cạnh ấp Bình Phú, xã Bình Phước Xuân, với diện tích khoảng hơn 60 ha; trữ lượng dự kiến khai thác khoảng gần 2,4 triệu m3. Người dân ở cù lao này cho biết, vẫn ám ảnh vì cách đây gần chục năm về trước, sau khi mỏ cát này được cấp quyền khai thác chưa đầy một năm, tình hình sạt lở nghiêm trọng xảy ra, nhà cửa, ruộng vườn bị cuốn trôi.
Tại khu vực này có một bến đò để đưa rước khách từ xã Bình Phước Xuân qua sông Tiền để đến TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, cũng phải di dời về địa điểm mới, cách nơi này vài trăm mét.
Ông Lê Phước Đông, ngụ ấp Bình Phú, xã Bình Phước Xuân cho biết, gia đình ông có 3 nhân khẩu, cuộc sống hàng ngày chỉ dựa vào hơn 1 công đất trồng xoài. Đến thời điểm này, gia đình ông và người dân ở đây vẫn chưa được chính quyền mời họp dân, hay thông báo gì đến việc đưa mỏ cát gần nhà đem ra đấu giá và khai thác. Nếu việc khai thác cát được triển khai, tình trạng sạt lở sẽ lại tiếp tục xảy ra, không biết gia đình sinh sống bằng cách nào.
“Qua khỏi bến đò này đất mới bồi lên một chút khỏi mặt nước, nếu bây giờ hút cát thì nó lại sụp xuống nữa, vậy đâu có được, dân chúng tôi phải phản ánh. Nhà cửa, vườn cây ăn trái của dân bị sụp hết thì sao?”, ông Đông thắc mắc.
Theo Sở TN&MT tỉnh An Giang, Sở đã có công văn số 828 thông báo kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ cát sông trên sông Tiền, thuộc xã Bình Phước Xuân và đơn vị trúng đấu giá là Công ty T-S.HOME có địa chỉ tại TP.HCM. Đến thời điểm này, vẫn không có ai khiếu nại, xem như cuộc đấu giá thành công… Sau khi được phê duyệt kết quả trúng đấu giá, doanh nghiệp sẽ tiến hành thăm dò để tính toán trữ lượng, sau đó sẽ cấp phép khai thác.
Tuy nhiên, theo khảo sát của các ngành chức năng, hiện nay, tại khu vực ĐBSCL có khoảng 700 điểm sạt lở xuất hiện, tăng gấp 8 lần so với 10 năm trước đây. Chiều dài các đoạn sạt lở lên đến gần 800km, ăn sâu vào đất liền hàng chục mét. Mỗi năm khoảng 500ha đất bị sạt lở hoàn toàn, gây thiệt hại lên đến vài nghìn tỷ đồng.
Còn đối với tỉnh An Giang, hiện nay có khoảng 50 đoạn sông có nguy cơ sạt lở, với tổng chiều dài gần 170.000 m; trong đó, 6 đoạn bờ sông có nguy cơ sạt lở ở mức độ đặc biệt nguy hiểm, 41 đoạn ở mức độ nguy hiểm, 5 đoạn ở mức độ trung bình. Theo cơ quan chức năng và các nhà khoa học, 2 nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở ở ĐBSCL là do thiếu lượng bùn cát bồi lắng và do khai thác cát quá mức.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS, TS Huỳnh Công Hoài, Trường Đại học Bách khoa TP.HCM cho biết: “Việc khai thác cát là một trong những tác nhân quan trọng ảnh hưởng rất nhanh đến quá trình sạt lở, và ảnh hưởng cục bộ đến khu vực khai thác cát. Do đó, phải kiểm soát chặt việt khai thác cát, cố gắng giảm mức độ khai thác cát”.
Mặc dù thời gian gần đây, UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản tại địa phương; tăng cường kiểm tra, kiểm soát xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, nhất là việc khai thác cát sông; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về khai thác tài nguyên khoáng sản; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên phương tiện được phép khai thác...
Song, trong bối cảnh tình hình sạt lở diễn biến phức tạp như hiện nay, việc khai thác cát sông cần phải được đánh giá chi tiết hơn; việc khai thác có ảnh hưởng như thế nào đến diễn biến dòng chảy, yếu tố chủ quan và khách quan dẫn đến sạt lở gia tăng, khai thác cần phải hài hòa giữa các yếu tố có lợi và bất lợi…/.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/dan-lo-mat-nha-mat-dat-vi-khai-thac-cat-song-850598.vov