Đan Mạch, Na Uy chứng kiến lạm phát cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ
Ngân hàng Trung ương Đan Mạch cảnh báo lạm phát leo thang đang đặt ra mối đe dọa chưa từng có đối với nền kinh tế nước này. Trong khi đó, Na Uy cũng đối mặt với tình trạng tương tự.
Theo đài Sputnik (Nga), giới chuyên gia dự đoán nền kinh tế Đan Mạch sẽ rơi suy thoái trong năm tới và có khả năng chìm trong vòng xoáy tiền lương – giá cả. Cơ quan Thống kê Đan Mạch cho biết tỷ lệ lạm phát của nước này đã tăng lên 2 con số - lần đầu tiên trong 4 thập kỷ - ở mức 10% vào tháng 9 vừa qua.
Các nhà phân tích cho rằng giá điện và giá khí đốt tăng cao là nguyên nhân chính khiến lạm phát leo thang. Nhà kinh tế cấp cao của Phòng Thương mại Đan Mạch Tore Stramer chia sẻ: “Tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ chứng kiến tỷ lệ lạm phát ở mức 2 con số. Tôi nghĩ rằng những số liệu này chỉ có trong sách lịch sử”.
Ông Stramer cho rằng nguyên nhân khiến lạm phát leo thang là do xung đột ở Ukraine, các biện pháp trừng phạt lẫn nhau giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU), cũng như “cơn bão hoàn hảo” về nhu cầu sau cuộc khủng hoảng COVID-19, các vấn đề nguồn cung và tình trạng thiếu năng lượng.
Vào tháng trước, Ngân hàng Trung ương Đan Mạch cho biết lạm phát gia tăng sẽ mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế dự kiến sẽ suy giảm trong năm tới. Cơ quan này cũng kêu gọi chính phủ thắt chặt chi tiêu để nền kinh tế tránh rơi vào vòng xoáy tiền lương – giá cả.
Tỷ lệ lạm phát ở mức cao nhất kể từ năm 1982 trong khi nhu cầu của người tiêu dùng ở mức thấp nhất kể từ khi công bố dữ liệu vào đầu những năm 70, Phòng Thương mại Đan Mạch dự kiến chi tiêu cá nhân sẽ giảm vào mùa đông, kéo theo sự sụt giảm của các hoạt động tổng thể trong nền kinh tế.
Theo ông Stramer, lạm phát dự kiến sẽ đạt đỉnh trong tháng 10 ở mức khoảng 11% và giảm dần sau đó. Tuy nhiên, con số này nhất định sẽ ở mức cao và không quay trở lại mức bình thường cho đến ít nhất mùa hè năm 2023.
Tình trạng lạm phát tăng cao cũng đang xảy ra ở Na Uy. Quốc gia Bắc Âu này đã chứng kiến mức tăng giá thực phẩm lớn nhất kể từ đầu những năm 80 - ở mức 12,1%. Theo Cơ quan Thống kê Na Uy, tỷ lệ lạm phát tổng thể ở nước này đã đạt 6,9% vào tháng 9, mức tăng cao nhất kể từ năm 1988.
Bà Kjersti Haugland, nhà kinh tế trưởng của DNB Markets nói với đài truyền hình quốc gia NRK: “Áp lực giá cả mạnh hơn mong đợi. Không chỉ điện, mà nhiều mặt hàng và dịch vụ khác cũng tăng theo”.
Các nhà kinh tế cho rằng tỷ lệ lạm phát cao đang đặt ra thách thức buộc Ngân hàng Trung ương Na Uy phải hành động mạnh mẽ và đưa ra các biện phát quyết liệt hơn để xoa dịu nền kinh tế.
Nhà kinh tế trưởng Kjetil Olsen của Nordea Markets nói với NRK: “Lạm phát cao làm tăng khả năng tăng lãi suất mới lên 0,5% vào tháng 11. Các dấu hiện hiện nay cho thấy Ngân hàng Trung ương còn lâu mới kết thúc tăng lãi suất”.
Ngân hàng Trung ương Na Uy đã 3 lần tăng lãi suất 0,5 điểm với kỳ vọng lạm phát giá cả sẽ giảm.
Tuy nhiên, Na Uy đang ở trong tình thế đặc biệt có liên quan đến giá năng lượng của châu Âu. Sau khi Brussels áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm đáp trả chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, nước này đã thay chân Moskva trở thành nhà xuất khẩu năng lượng chính của.
Na Uy đã trở thành nhân tố quan trọng trong thị trường năng lượng châu Âu, dự kiến sẽ kiếm bối tiền từ ngành dầu khí. Giới quan sát ước tính quốc gia Bắc Âu này sẽ kiếm được khoảng 110 tỷ USD chỉ trong năm 2022, phần lớn trong số đó sẽ được chuyển vào quỹ tài sản quốc gia trị giá hơn 1 nghìn tỷ USD.
Ở các khu vực khác kém phát triển hơn của châu Âu - nơi không có nguồn tài nguyên khổng lồ như Na Uy, chẳng hạn như vùng Baltics và Moldova - lạm phát đã vượt mức 20% trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng và chi phí sinh hoạt cao ngất ngưởng. Để đối phó với tình trạng này, giới chức đã đưa ra hàng loạt biện pháp nhằm hạn chế mức tiêu thụ năng lượng trong toàn khối, bao gồm tắt bớt đèn và giảm nhiệt độ.